Gian nan kế hoạch đưa khí đốt Canada đến châu Âu
Đức vừa ký với Canada một thỏa thuận hợp tác xuất khẩu nhiên liệu hydro, đồng thời mong muốn Canada tăng cường xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm giải cơn khát năng lượng tại “lục địa già”. Tuy nhiên, việc thiếu cơ sở hạ tầng cũng như vấn đề bảo vệ môi trường đang tạo nên rào cản đối với kế hoạch đưa khí đốt từ “xứ sở lá phong” sang châu Âu.
Cảng khí tự nhiên hóa lỏng thuộc Tập đoàn dầu mỏ Repsol and Irving Oil Ltd. ở thành phố cảng Saint John, tỉnh New Brunswick, Canada. (Ảnh: CBC/TTXVN) |
Trong khuôn khổ chuyến công du tới Canada tuần qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ô.Sôn) đã bày tỏ hy vọng đồng minh trong Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ đưa LNG sang Đức, nhằm góp phần bảo đảm nguồn cung năng lượng cho châu Âu. Tuy nhiên, Canada – nhà sản xuất khí đốt lớn thứ 5 thế giới, đã không đưa ra cam kết chắc chắn về kế hoạch đưa khí đốt tới châu Âu.
Từ hồi tháng 5 vừa qua, Ottawa đã đàm phán với các công ty để có thể đẩy nhanh các dự án LNG đưa khí đốt đến châu Âu những năm tới. Tuy nhiên, chính quyền Thủ tướng Justin Trudeau vẫn cân nhắc liệu những dự án này có sinh lời và hệ thống kho cảng có được xây dựng đủ nhanh, để hỗ trợ giải quyết những khó khăn về nguồn cung năng lượng dài hạn của châu Âu hay không.
Thủ tướng Trudeau cho biết, khí đốt tự nhiên sẽ phải được vận chuyển bằng đường ống từ các mỏ ở miền tây Canada đến một cơ sở hóa lỏng, hiện chưa được xây dựng, trên bờ Đại Tây Dương. Theo người đứng đầu Chính phủ Canada, một dự án như vậy rất tốn kém và có thể không có lợi về lâu dài, trong bối cảnh châu Âu cam kết nhanh chóng chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh hơn. Hơn thế nữa, ngay cả nếu dự án vận chuyển năng lượng như vậy có thể được triển khai, Đức cũng không có sẵn cơ sở hạ tầng để tiếp nhận LNG của Canada.
Các nhà phân tích cũng cảnh báo, rào cản về môi trường và các quy định đối với việc xây dựng đường ống dẫn khí sẽ tạo ra nhiều trở ngại đối với hệ thống kho cảng LNG trên bờ biển Đại Tây Dương của Canada. Đức đặt mục tiêu phát thải các-bon ròng bằng 0 vào năm 2045, vì vậy các cảng LNG xây mới có thể sẽ trở thành tài sản “bị mắc kẹt” sau thời điểm này. Ottawa cũng muốn bảo đảm bất kỳ dự án mới nào đều phải phù hợp mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ngay trước thềm chuyến thăm Canada của Thủ tướng Đức, Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Canada tuyên bố rằng, giải pháp tốt nhất là xuất khẩu nhiên liệu hydro sang châu Âu chứ không phải là LNG. Thủ tướng Trudeau cũng khẳng định thông điệp đó trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Scholz, theo đó cho biết không có đề án kinh doanh vững chắc nào đối với các cảng LNG ở bờ biển phía đông.
Tại thị trấn Stephenville, gần địa điểm của một dự án trang trại điện gió được đề xuất sẽ cung cấp năng lượng để sản xuất nhiên liệu hydro từ điện phân, hai Thủ tướng Canada và Đức đã ký một thỏa thuận hợp tác xuất khẩu nhiên liệu hydro sang châu Âu, đặt mục tiêu đầy tham vọng vào năm 2025 sẽ bắt đầu xuất khẩu nhiên liệu này từ miền đông Canada. Các bên tham gia thỏa thuận hướng tới hợp tác chặt chẽ trên tất cả các khía cạnh cần thiết để vận hành chuỗi cung ứng nhiên liệu hydro xuyên Đại Tây Dương trước năm 2030, với đợt giao hàng đầu tiên vào năm 2025.
Canada và Đức cũng không đặt mục tiêu cụ thể về khối lượng sản xuất nhiên liệu hydro theo thỏa thuận vừa đạt được. Chính phủ Canada cho biết, các chương trình hiện có, như quỹ nhiên liệu sạch trị giá 1,5 tỷ CAD, đang được sử dụng để thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hydro. Không đưa ra con số về nguồn vốn cho thỏa thuận này, song Chính phủ Đức cho biết sẽ hỗ trợ các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Canada dự báo, khối lượng xuất khẩu nhiên liệu hydro vào năm 2025 sẽ chỉ ở mức khiêm tốn.
Canada đang tăng cường năng lực xuất khẩu khí đốt tự nhiên lên tương đương 100.000 thùng dầu mỗi ngày vào cuối năm 2022, trong khi châu Âu đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu từ Nga. Thủ tướng Trudeau cho biết, Canada đang cố gắng góp phần bổ sung vào nguồn cung năng lượng toàn cầu ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên, mục tiêu lâu dài mà Canada hướng tới là trở thành nhà cung cấp năng lượng sạch chủ chốt, như nhiên liệu hydro.
Ý kiến ()