Gian nan dẹp "loạn" quảng cáo ngoài trời
Thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014", đồng thời đưa hoạt động quảng cáo vào nền nếp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đang nỗ lực xử lý các hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Vi phạm “thống kê không xuể”
Là địa bàn có mật độ dân cư thuộc loại cao nhất Hà Nội (lên tới 40.000 người/km2), quận Ðống Ða hiện có 68 tuyến phố, trong đó nhiều tuyến hoạt động kinh doanh sôi động, đồng thời là nơi đặt trụ sở của hàng nghìn cơ quan, doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Tình trạng lộn xộn trong hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn quận đã tồn tại nhiều năm qua. Theo số liệu của Phòng Văn hóa – Thông tin quận, đến tháng 4 năm nay, tuyến đường Tôn Ðức Thắng – Nguyễn Lương Bằng – Tây Sơn vẫn còn hơn 600 biển hiệu, quảng cáo, biển vẫy sai quy định; tuyến Huỳnh Thúc Kháng – Thái Hà – Chùa Bộc còn hơn 300 biển hiệu; tuyến Giảng Võ – Láng Hạ còn hơn 100 biển hiệu… Không riêng địa bàn quận Ðống Ða, tại nhiều tuyến phố trung tâm, tình trạng quảng cáo sai phép, trái phép vẫn xuất hiện nhan nhản như Cầu Giấy, Xuân Thủy, Ðại Cồ Việt, Phố Huế, Trần Khát Chân, Trần Khánh Dư, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt… Có đoạn đường tồn tại hàng chục biển quảng cáo lớn sai về nội dung và kích thước, nhiều biển hiệu trùm kín mặt tiền những ngôi nhà, cửa hàng. Mặc dù lực lượng thanh tra thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng vi phạm vẫn tái diễn.
Theo quy định của Luật Quảng cáo, việc đặt biển quảng cáo, băng-rôn, treo pa-nô… phải tuân thủ những quy định về địa điểm, về bảo vệ di tích, công trình lịch sử, văn hóa; không vi phạm quy định, ranh giới hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia; không che khuất đèn tín hiệu giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng, giăng ngang qua đường; phải tuân thủ quy định về quảng cáo của chính quyền các địa phương và quy chuẩn kỹ thuật. Trên thực tế, số trường hợp vi phạm là rất lớn. Rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không tuân thủ đúng các quy định về kích thước, vị trí, giấy phép.
Lâu nay những sai phạm về quảng cáo ngoài trời thì nhiều, nhưng việc xử lý lại rất hạn chế. Theo số liệu mới đây của UBND phường Hàng Bột, sau khi xử lý hàng loạt biển quảng cáo nhỏ thì trên địa bàn vẫn còn 23 biển hiệu lớn chưa xử lý xong. Tại phường Quốc Tử Giám vẫn còn 10 trường hợp vi phạm chưa xử lý dứt điểm. Nhiều phường khác, số vụ việc được đưa ra xử phạt vi phạm hành chính chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí một số phường đến nay chưa xử lý trường hợp nào, chủ yếu lập hồ sơ gửi lên quận.
Nguyên nhân chủ yếu, do thiếu chế tài xử phạt và công tác tuyên truyền về pháp luật quảng cáo còn hạn chế; còn một số điểm “vênh” trong quy định ở các văn bản luật, thông tư chung quanh lĩnh vực này của các bộ, ngành.
Quyết tâm dọn “rác trời”
Trước khi Luật Quảng cáo ban hành có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, Hà Nội đã thực hiện quy hoạch quảng cáo tấm lớn và có quy chế quản lý hoạt động quảng cáo, nhưng sự lộn xộn trong quảng cáo ngoài trời vẫn tồn tại khó xử lý. Cuối năm 2013, Nghị định 158/2013/NÐ-CP quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo được ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014 là căn cứ để cơ quan quản lý và chính quyền các cấp áp dụng khi kiểm tra, xử phạt. Chế tài mạnh, tính răn đe cao hơn, là điều kiện để người dân và doanh nghiệp quảng cáo phải thực hiện nghiêm túc quy định.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, số vụ vi phạm quá nhiều, cho nên trước mắt chỉ tập trung xử lý những biển hiệu, quảng cáo lớn. Kết quả rà soát vừa qua phát hiện hơn 80 biển quảng cáo tấm lớn sai phạm cần giải quyết. Hiệu quả hoạt động từ đầu năm đến nay còn một số nội dung chưa đạt yêu cầu đề ra; nhiều quận, phường thiếu quyết liệt trong việc xử lý. Ban chỉ đạo 197 của thành phố vừa chủ trương huy động thêm lực lượng công an, thanh tra giao thông, xây dựng vào cuộc; tăng cường các biện pháp mạnh, đầu tư nhiều hơn cho công tác này. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng vừa tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời và dự thảo Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Dự thảo về quy hoạch có nhiều nội dung kế thừa quy hoạch đã được triển khai thực hiện từ năm 2007 nhưng có một số điểm mới. Chẳng hạn, những tuyến đường thuộc tỉnh Hà Tây cũ và những tuyến đường mới hoàn thành như đường 21B, đường 32, Cầu Giẽ – Ninh Bình, quốc lộ 5 kéo dài… được đưa vào dự thảo; khoảng cách giữa hai bảng quảng cáo tấm lớn liền kề điều chỉnh từ 200 m lên 400 m; không quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên các cầu vượt đường bộ và cầu bắc qua sông Hồng nhằm bảo đảm an toàn giao thông, mỹ quan đô thị… Dự thảo về quản lý quy định rõ khu vực cấm quảng cáo đối với một số tuyến phố khu vực quảng trường Ba Ðình, hồ Hoàn Kiếm và các tuyến phố bao quanh hồ, đường trong khu phố cổ Hà Nội, trụ sở các cơ quan Ðảng, Nhà nước, doanh trại quân đội, trụ sở công an, đại sứ quán nước ngoài…
“Từ bài học trong việc phân cấp quản lý di tích, lễ hội, kinh doanh ka-ra-ô-kê còn có những mặt hạn chế, sau khi Quy hoạch quảng cáo được phê duyệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội sẽ tham mưu với UBND thành phố chỉ giao quyền phân cấp quản lý cho các quận, huyện, thị xã khi có đủ điều kiện. Trước mắt sẽ chỉ đạo mỗi quận, huyện chọn một tuyến đường để làm điểm, sau đó nhân rộng ra toàn thành phố. Hy vọng, thời gian tới quảng cáo ngoài trời của Hà Nội đi vào nền nếp và sẽ tốt lên”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Tô Văn Ðộng cho biết.
Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Hà Nội có tổng cộng 366 biển quảng cáo tấm lớn, trong đó có 285 biển có giấy phép và văn bản chấp thuận, 81 biển không giấy phép. Trong số này, có 39 vụ tồn đọng từ năm 2007 đến nay chưa xử lý được, 42 vụ phát sinh mới từ năm 2010. Với các biển quảng cáo có diện tích từ 20 m2 đến 40 m2 có khung kết cấu gắn với công trình xây dựng cũng phải có giấy phép, song có đến 80-90% các biển bảng này làm sai nội dung cấp phép, vi phạm chủ yếu là vượt kích thước được cấp.
Theo Nhandan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()