Gian nan công cuộc tái thiết Ukraine
Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Amy Pope vừa kết thúc chuyến thăm năm ngày tới Ukraine với lời kêu gọi tăng cường hỗ trợ quốc gia Đông Âu. Tái thiết nền kinh tế Ukraine là một hành trình dài và gian truân bởi nó đòi hỏi nguồn tài chính khổng lồ, trong bối cảnh chiến sự vẫn tiếp diễn, khiến ngày càng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật bị tàn phá nặng nề.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Ukraine, Tổng Giám đốc IOM Amy Pope đã đến thăm những khu vực chịu thiệt hại nặng nề bởi xung đột, bao gồm Odessa và Mykolaiv. Người đứng đầu IOM cho rằng cần có thêm viện trợ để đẩy nhanh quá trình tái thiết Ukraine.
Theo IOM, hơn 3,3 triệu người, trong đó có 800.000 trẻ em, sinh sống dọc các khu vực tiền tuyến đang cần được hỗ trợ khẩn cấp. Bà Amy Pope nhấn mạnh, bên cạnh việc giải quyết các nhu cầu nhân đạo trước mắt ở Ukraine, IOM đang tập trung khôi phục sinh kế, xây dựng khả năng phục hồi của cộng đồng tại quốc gia này.
Theo IOM, hơn 3,3 triệu người, trong đó có 800.000 trẻ em, sinh sống dọc các khu vực tiền tuyến đang cần được hỗ trợ khẩn cấp.
Hơn hai năm kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát, số người thương vong ngày càng tăng; nhiều tòa nhà, cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) mới đây ước tính cần hơn 1.000 tỷ USD để xây dựng lại đất nước Ukraine. Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Ukraine cũng ảm đạm. Công ty đầu tư ICU ở Kiev dự đoán mức tăng trưởng của kinh tế quốc gia bên bờ Biển Đen trong năm 2024 sẽ thấp hơn năm 2023, trong khi lạm phát tăng lên.
Trên thực tế, kinh tế Ukraine đang trong tình cảnh bấp bênh, trong khi sự hỗ trợ tài chính từ phương Tây có thể giảm dần, nhiều khả năng chính sách viện trợ của Mỹ đối với Ukraine thay đổi sau cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11 tới tại Xứ Cờ hoa.
Theo bà Olena Bilan, chuyên gia kinh tế trưởng của Công ty Dragon Capital có trụ sở ở Kiev, để lấp đầy phần thâm hụt ngân sách, Ukraine có thể phải cắt giảm chi tiêu, thậm chí là in tiền, động thái gây nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Do tình hình hỗn loạn trong nước, hàng triệu người dân Ukraine vẫn đang ở nước ngoài, điều này khiến nhiều doanh nghiệp gặp tình trạng thiếu lao động, nhất là ở các vị trí đòi hỏi kỹ năng cao. Những cánh đồng, nông trại tại Ukraine, nơi từng là vựa lương thực của thế giới, giờ trở thành bãi chiến trường.
Hơn hai năm kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát, số người thương vong ngày càng tăng; nhiều tòa nhà, cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) mới đây ước tính cần hơn 1.000 tỷ USD để xây dựng lại đất nước Ukraine.
Thời gian qua, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế thúc đẩy nỗ lực tái thiết Ukraine. Sau nhiều khó khăn, tháng 2/2024, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng cũng đạt nhất trí về gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro cho Ukraine. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) quyết định giải ngân 880 triệu USD cho Ukraine, đánh dấu đợt giải ngân thứ ba của gói viện trợ tổng trị giá 15,6 tỷ USD.
Ngày càng có nhiều công ty nước ngoài mong muốn hiện diện tại Ukraine, kỳ vọng về một cơ hội đầu tư lớn, như tập đoàn Áo Waagner-Biro Bridge Systems sản xuất cầu vượt bằng thép ở phía tây Ukraine, hay tập đoàn Onur của Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng bệnh viện dã chiến, đặt mục tiêu tái thiết sân bay Dnipro và xây dựng đường cao tốc... Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã phê duyệt các biện pháp hỗ trợ những công ty tham gia vào quá trình tái thiết ở Ukraine, tập trung vào các khoản tài trợ, mức lãi suất ưu đãi.
Tuy vậy, trong bối cảnh chiến sự tiếp diễn, công cuộc tái thiết Ukraine gặp không ít khó khăn. Hiện vẫn tồn tại những lo ngại rằng các dự án đầu tư có thể trở thành mục tiêu tấn công. Bộ Tài chính Ukraine cho biết, hai năm qua, nước này nhận được khoảng 73,6 tỷ USD tài trợ nước ngoài.
Giao tranh chưa có hồi kết, trong khi những khoản viện trợ dành cho Ukraine vẫn như “muối bỏ bể”, các nước phương Tây rạn nứt trong cách phản ứng với cuộc xung đột ở Ukraine. Sự bấp bênh của kinh tế toàn cầu và hàng loạt cuộc khủng hoảng đan xen khiến bản thân các nền kinh tế phát triển cũng đối mặt thách thức, dẫn đến sự ngần ngại “mở hầu bao” hỗ trợ Ukraine.
Một hội nghị quốc tế đang được Thụy Sĩ lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới, nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Ukraine và vạch ra lộ trình vững chắc và đưa Nga tham gia tiến trình này. Phía Nga nhiều lần khẳng định sẵn sàng đối thoại nhưng phải dựa trên tình hình thực tế và có tính đến những lợi ích chính đáng của Moskva. Để các kế hoạch tái thiết đạt hiệu quả, việc quan trọng hàng đầu vẫn là nhanh chóng chấm dứt xung đột, tái lập sự ổn định tại Ukraine.
Ý kiến ()