Gian nan con chữ trên ngàn
LSO-Nhất Tiến, Bắc Sơn, mấy ngày nay mưa như trút nước. Nước trên ngàn đổ dồn về thung lũng nhỏ hẹp, nơi tập trung cả 3 cấp học của xã. Nước suối, nước khe dâng cuồn cuộn, lũ trẻ vùng cao bị mắc kẹt lại trường. Được thầy cô chăm cho bữa ăn, lo cho giấc ngủ mà chúng vẫn hoang mang, chẳng phải vì sợ mà bởi hầu hết chúng là lao động chính trong gia đình, không về được thì lấy ai trông em, ai nấu rượu, ai lên nương…?
Giờ thể dục của học sinh Trường PTDT bán trú THCS xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn |
Thầy giáo Dương Công Dũng, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS xã Nhất Tiến ngược xuôi, tất tả. Nước suối Đấy dâng cao làm mấy thôn như Tiến Sơn, Làng Lầu… bị cô lập hẳn với trung tâm xã. Kẹt lại trường có tới hơn 50 học sinh. Thầy Dũng chia sẻ: cũng may mà hầu hết các em ở vùng núi cao đã kịp về, nếu không số kẹt lại còn nhiều nữa. Trường PTDT bán trú THCS Nhất Tiến chuyển đổi loại hình từ 1/4/2012, ngay sau khi chuyển đổi, ngoài tổ chức bữa ăn bán trú, nhà trường đã tổ chức nội trú cho học sinh ở xa. Bước vào năm học này, 2 gian phòng nội trú đang được mở rộng thêm thành 6 phòng, theo nhẩm tính cũng tạo điều kiện cho được 90 em ở nội trú. Nhưng ngặt nỗi mưa dầm dề mãi nên công trình vẫn chưa thể hoàn thành và đưa vào sử dụng. Bởi vậy mà thầy, cô trong trường phải huy động cả phòng học, nhường chăn, màn cho các em những ngày kẹt lũ.
Học lớp 9 mà cô nhóc Phù Thị Kia nhỏ như cái kẹo. Trời mưa, nhưng Kia cùng chúng bạn đã tới trường từ rất sớm. Đứa nào cũng lấm lem bùn đất, mặt tai tái vì lạnh và cả vì đói. Kia cất giọng vẫn còn run run: nhà cháu ở Tiến Hậu, may không bị kẹt lại trường vì lũ nên học xong có thể về để giúp đỡ bố, mẹ. Nhắc về Tiến Hậu thì cả thôn có hơn trăm nóc nhà chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao và H’Mông. Đây là một trong 2 thôn xa và khó khăn nhất của xã Nhất Tiến, cách trung tâm tới hơn 5km đường đồi. Để kịp giờ tới trường, chưa đến 4 giờ sáng, bọn trẻ nơi đây đã lục tục gọi nhau lên đường. Thi thoảng lắm chúng mới được chuẩn bị cho nắm cơm sáng, còn thường thì nhịn đói đi học. Kia bẽn lẽn: bố mẹ vừa phải trông các em, vừa phải lên nương nuôi cả nhà nên cũng không có thời gian, cháu nhịn đói cũng quen rồi. Giọng cô nhóc hồn nhiên mà khiến ai nghe cũng phải thương cảm. Năm trước nhà trường đã tổ chức nội trú, nhưng Kia và một số bạn trong thôn cũng chỉ ở ít ngày rồi lại về, bởi chúng là lao động chính trong gia đình. Như Kia chẳng hạn, mới học lớp 9, nhưng em là chị cả của 5 đứa em lít nhít, mỗi ngày ở nội trú là một ngày gánh nặng dồn cả lên vai cha mẹ. Cùng thôn, cùng lớp với Kia, nhưng Lý Thị Hoa lại may mắn hơn, bởi nhà em chỉ có 2 chị em. Điều kiện cũng khá hơn, Hoa bảo: đợi nhà trường sửa xong dãy nhà cháu lại xin bố mẹ, xin nhà trường được ở nội trú. Học nội trú không phải đi lại nhiều, tập trung vào việc học được nhiều hơn, lại được thầy cô nấu cho ăn ngon, ăn no. Cũng phải, trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách chăm lo cho học sinh vùng cao. Như Trường THCS Nhất Tiến chẳng hạn, sau khi chuyển đổi sang loại hình PTDT bán trú, mỗi tháng học sinh được hỗ trợ 40% mức lương tối thiểu, theo chính sách mới nhất, hàng tháng mỗi em lại được thêm 15kg gạo. Trong khi đó sách vở cũng được hỗ trợ theo chính sách đặc thù của vùng đặc biệt khó khăn. Lần giở cuốn sổ ghi chép, thầy Hiệu trưởng bồi hồi: nói về sức học thì các em cũng thông minh, sáng dạ lắm, chỉ buồn vì chúng vất vả quá nên kết quả phần đa cũng chỉ ở mức trung bình. Nói rồi thầy chợt vui: trong tổng số trên 270 học sinh cũng có nhiều em tiên tiến, một số học lực giỏi, năm vừa rồi nhà trường cũng có học sinh giỏi cấp huyện. Trong số 63 học sinh khối 9 năm học trước, có 40 em xuất sắc đỗ cả vào trường PTDT nội trú tỉnh và huyện. Thế nhưng số còn lại không hẳn vì sức học yếu hơn mà chủ yếu do hoàn cảnh gia đình phải dở dang việc học, có đứa may mắn hơn được đi học nghề, còn không thì ở nhà, rồi lập gia đình sớm.
Chủ tịch UBND xã Nhất Tiến, Bàn Phúc Thắng khái quát: toàn xã có 11 thôn bản đều bị chia cắt, giao thông đặc biệt khó khăn, trong tổng số hơn 800 hộ, thì đa phần là hộ nghèo, còn có cả hộ đói, chính vì vậy mà ảnh hưởng không nhỏ tới việc học của con, em. Toàn xã có 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường PTDT bán trú THCS. Đối với trường mầm non và tiểu học thì ở những thôn xa, hầu hết có phân trường, nhưng chủ yếu vẫn là lớp học tạm. Khó khăn, nhưng vẫn còn hủ tục, vẫn còn nhiều gia đình đông con, tảo hôn, nên lũ trẻ vùng cao nhiều đứa đang tuổi ăn tuổi học đã mang trên vai gánh nặng cơm áo của gia đình.
Đêm Nhất Tiến, đầu thu trời chợt trở lạnh, tiếp thêm chút rượu ngô thơm nồng, anh Đỗ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng trường Tiểu học I xã Nhất Tiến thông báo tin vui: theo lộ trình, thì tới tháng 2/2014 Trường Tiểu học I sẽ chuyển đổi loại hình sang PTDT bán trú, còn trường Tiểu học II thì chỉ trong tháng 9 này. Giờ này những đứa học sinh kẹt đường chắc đã say giấc nồng trong mấy gian lớp học. Bên dãy phòng công vụ còn sáng ánh đèn, những giáo viên vùng cao vẫn thao thức với bao lo toan để vợi bớt nhọc nhằn cho lũ trẻ vùng cao. Để con chữ thực sự làm thay chuyển vùng khó trên ngàn.
Ý kiến ()