Chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn nặng nề nhất là các vùng ven sông, ven biển. Diện tích lúa bị ảnh hưởng của huyện ven biển Trần Đề (Sóc Trăng) tăng lên đến 1.200 ha, riêng phần diện tích chưa bị mất trắng, khả năng giảm năng suất là rất nghiêm trọng. Độ mặn trên các hệ thống sông chính như cửa Trần Đề, cửa Đại Ngãi và một số cống đã vượt ngưỡng cho phép. Theo dự báo, nếu tình trạng nắng nóng, xâm nhập mặn tiếp tục kéo dài, tình trạng “khát” nước ngọt vẫn tiếp diễn như hiện nay thì vụ lúa đông xuân ở Sóc Trăng sẽ bị thiệt hại trầm trọng hơn.
Cả gia đình ông Lâm Bên ở ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề đều trông cậy hết vào tám công ruộng. Ông Bên đổ biết bao mồ hôi, tiền của từ đầu vụ đến nay nhưng cũng không thể cứu vãn nổi ruộng lúa của mình.
Đứng nhìn mảnh ruộng chết khô, ông Bên xót xa nói: “Lúa cấy dặm rồi cũng chết từ từ do độ mặn quá cao. Tám công tầm lớn của gia đình tôi chắc là mất trắng. Tôi đã bón vôi, xả nước bỏ nhưng không cứu nổi. Chắc phải bỏ luôn rồi, có làm được gì đâu!”
Cũng giống như ông Bên, bà con nông dân nơi đây đứng ngồi không yên, ngày đêm lo lắng về vụ mùa thất thu do lúa bị nhiễm mặn. Cả tháng qua, các con kênh nội đồng luôn thiếu nước ngọt để bơm tưới, trong khi đó mặn xâm nhập ngày càng nhiều, độ mặn liên tục tăng cao.
“Cả chục năm qua, làm ruộng, nước không bị mặn. Năm 2015, lúa vụ hai làm hơi trễ, nước mưa thiếu, vụ này lỗ là chắc” – ông Trần Ký ở xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề than thở.
Chủ tịch UBND xã Lịch Hội Thượng, Nguyễn Văn Mẫm cho biết, hiện nay, mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng. Độ mặn tại các kênh thủy lợi đo được từ 2‰ đến 3‰. Mặn tăng cao gây ra ngộ độc hữu cơ, xì phèn, thiệt hại nhiều diện tích lúa. Theo thống kê, hiện xã có khoảng 300 ha lúa đông xuân bị chết khô, mất trắng; hàng trăm ha đang bị đe dọa vì mặt ruộng bị khô, không có nước bơm tưới. Xã Lịch Hội Thượng đang khuyến cáo bà con tích cực thực hiện mọi biện pháp để cứu diện tích lúa còn lại. Với tình hình hiện tại chỉ có thể cứu được khoảng 500 ha trà lúa gần trổ, còn lúa 50 ngày tuổi trở lên thì khó có khả năng cứu vãn. Các xã Liêu Tú, Trung Bình, Đại Ân 2, huyện Trần Đề và các xã lân cận cũng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn trầm trọng như xã Lịch Hội Thượng.
Do mùa vụ bắt đầu sớm hơn nên vụ lúa đông xuân của huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng không bị thiệt hại nặng nề như huyện Trần Đề. Tuy nhiên, theo bà con nông dân, việc mặn xâm nhập sớm, nước ngọt thiếu trong tưới tiêu đã làm giảm năng suất lúa đáng kể. Các con sông, kênh, rạch cạn khô, gây khó khăn cho bà con nông dân trong vận chuyển lúa hàng hóa.
Bà Sơn Thị Hal ở ấp Tân Qui B, xã Tân Hưng, huyện Long Phú cho biết: “Tôi đã thu hoạch xong 14 công, mỗi công chỉ được 11 bao. Do không có mưa, nước cạn, khó bơm quá. Làm lúa vụ này không có lời, do chi phí nhiều, phải chuyển lúa qua sông mấy lần, vì sông đã cạn hết.”
Xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng đến vụ lúa đông xuân mà còn đang đe dọa hàng nghìn ha lúa xuân hè 2016 vừa được nông dân Sóc Trăng xuống giống. Hiện nay, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn, thường xuyên kiểm tra độ mặn ở các cống, trong hệ thống kênh, rạch để kịp thời hướng dẫn bà con xử lý mặn cứu lúa, chủ động lấy nước bơm tưới ruộng đồng. Trong thời gian tới, Sóc Trăng cần cơ cấu lại mùa vụ né hạn, mặn; ở những vùng thường nhiễm mặn, đưa các giống lúa chịu phèn, mặn, loại giống ngắn ngày… vào sản xuất để giảm thiệt hại do hạn, mặn gây ra.
Ý kiến ()