Gian nan chống gà thải loại
Gà đồi Yên Thế bảo đảm quy chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm gà đồi Yên Thế được bảo hộ thương hiệu từ năm 2012. Hiện tổng đàn gà thương phẩm có thể xuất bán đạt khoảng 4,3 triệu con. Gà đồi Yên Thế ra khỏi địa bàn được kẹp chì, phải có ít nhất bốn loại giấy tờ của bốn cơ quan khác nhau.Gà đồi Yên Thế - lựa chọn chất lượngChúng tôi có mặt ở Yên Thế (Bắc Giang) vào những ngày cuối năm Nhâm Thìn, khi người dân vừa lo chống rét vừa chuẩn bị cho đàn gà những điều kiện cần thiết để xuất chuồng... đón Tết. Thị trường chính của gà đồi Yên Thế vẫn là Hà Nội, địa phương ký kết hợp tác tiêu thụ với tỉnh Bắc Giang. Giá gà thời điểm này, bán tại chuồng có thể đạt 100 đến 120 nghìn đồng/kg. Một con gà đạt chuẩn bán ra nặng khoảng 1,5 đến 1,8 kg, đương nhiên phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mới được xuất chuồng.Thăm nhà ông Lê Thanh Hưng, chủ một trại gà...
![]() Gà đồi Yên Thế bảo đảm quy chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Gà đồi Yên Thế – lựa chọn chất lượng
Chúng tôi có mặt ở Yên Thế (Bắc Giang) vào những ngày cuối năm Nhâm Thìn, khi người dân vừa lo chống rét vừa chuẩn bị cho đàn gà những điều kiện cần thiết để xuất chuồng… đón Tết. Thị trường chính của gà đồi Yên Thế vẫn là Hà Nội, địa phương ký kết hợp tác tiêu thụ với tỉnh Bắc Giang. Giá gà thời điểm này, bán tại chuồng có thể đạt 100 đến 120 nghìn đồng/kg. Một con gà đạt chuẩn bán ra nặng khoảng 1,5 đến 1,8 kg, đương nhiên phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mới được xuất chuồng.
Thăm nhà ông Lê Thanh Hưng, chủ một trại gà có khoảng 50 nghìn con ở xã Phồn Xương. Tính toán thời gian bán gà Tết, nếu không có vụ rét khiến gia đình ông phải tăng thêm nhiều chi phí chăm sóc đàn gà thì ông có thể thu được gần 800 triệu đồng. Cũng chăn nuôi theo mô hình gia trại như ông Hưng, bà Lương Thị Thoa, ở xã Tân Hiệp, có khoảng 45 nghìn con, do sơ suất nên có một số bị chết trong đợt rét vừa qua. Bà Thoa vội mua bạt che chắn gió, thắp điện và bổ sung thức ăn chứa vi chất giúp đàn gà cầm cự với rét. Tuy nhiên, do làm muộn, nên ngoài số gà bị chết rét, đàn gà của gia đình bà Thoa chưa đạt đủ trọng lượng tiêu chuẩn xuất bán. “Sắp Tết rồi mà trung bình mỗi con mới nhỉnh hơn một cân chú ạ, rét quá nó lớn chậm. Vừa hôm qua mấy chú ở xã, thú y đến kiểm tra. Các chú ấy nói gà nhà tôi không bán Tết được đâu, chưa đủ chuẩn, nó ảnh hưởng thương hiệu đi. Thôi thì để bán sau Tết cũng được, gà của mình có thương hiệu đàng hoàng lo gì không bán được giá”.
Xã Đồng Tâm là nơi có số lượng đàn gà chăn nuôi tập trung đông nhất nhì huyện Yên Thế. Do bảo đảm các biện pháp phòng dịch, chống rét ngay từ đầu mùa đông nên đàn gà ở đây phát triển khá ổn định, hầu hết đều bảo đảm có thể xuất chuồng trước Tết. Nhiều hộ dân ở Đồng Tâm chống rét cho gà bằng những khu chuồng úm, quây bạt, thắp điện sưởi ấm cho gà còn “hơn cho người”. Như vậy tuy chi phí phải đội lên một chút nhưng người chăn nuôi hạn chế được rủi ro do rét, dịch bệnh, gà lớn chậm…
Ở Yên Thế, có nhiều hộ chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại số lượng lên tới hàng chục nghìn con. Sau khi đạt được thương hiệu, lại được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, người nuôi gà Yên Thế có thể hoàn toàn yên tâm về đầu ra cho sản phẩm của mình. Giá bán cũng nhờ thế tăng khá cao, tính ra trừ hết mọi chi phí cũng có thể thu lãi 30.000 đến 40.000 đồng/kg. Chủ tịch UBND huyện Yên Thế Lưu Xuân Vượng cho biết: Gà đồi Yên Thế đã có thương hiệu, chúng tôi khẳng định và cam đoan chất lượng gà xuất bán đáp ứng đủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm khi gà tới tay người tiêu dùng. Sau khi ký kết hợp tác với thành phố Hà Nội, sản phẩm Gà đồi Yên Thế đã vào một số siêu thị, đặt nhiều điểm giao dịch giới thiệu sản phẩm ở các chợ đầu mối. Hiện nay mỗi ngày Yên Thế có hàng chục xe tải chở gà xuất bán. Các xe này được ra khỏi địa bàn huyện phải có đầy đủ giấy tờ của cơ quan quản lý nhà nước, thú y, quản lý thị trường và được kẹp chì niêm phong. Chúng tôi quán triệt các địa phương và bà con tuân thủ đúng các điều kiện chăn nuôi để bảo đảm chất lượng gà. Không vì lợi nhuận hay lý do nào khác mà làm ảnh hưởng thương hiệu, đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.
Gian nan chống gà lậu, gà kém chất lượng
Người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng gà đúng nhãn mác “Gà đồi Yên Thế” nhưng nỗi lo gà lậu, gà “bẩn” vẫn còn ám ảnh. Cũng không loại trừ việc có đối tượng tuồn gà nơi khác, thậm chí gà “bẩn” vào “giả danh gà Yên Thế” bán ra thu lợi cao. Về vấn đề này, Chủ tịch Lưu Xuân Vượng cho biết: Huyện đã chỉ đạo lực lượng công an, quản lý thị trường thường xuyên tổ chức kiểm tra, quản lý chặt chẽ mọi con đường ra vào huyện. Chính quyền cấp xã phải nắm chắc số lượng gà hiện có trên địa bàn, hộ nào có bao nhiêu con, được phép xuất bán hay không.
Tỉnh Bắc Giang là điểm trung chuyển quan trọng trên tuyến hành lang phía bắc từ hai tỉnh biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh về Hà Nội. Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đặc biệt “nóng” tình trạng buôn bán gà không bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Cuộc chiến chống gà lậu của các cơ quan liên ngành tỉnh Bắc Giang đầy cam go và không thiếu những tình huống bi hài.
Nhận được tin của cơ sở trên Lạng Sơn, Đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn bán hàng lậu của tỉnh chuẩn bị đi bắt một xe chở gà trên đường về qua địa bàn. Chiếc xe chuyên dụng xuất phát từ sân trụ sở Chi cục Quản lý thị trường nhưng trên xe chỉ có duy nhất một người lái, trông nhàn tản như đi… dạo. Hóa ra, đó là cách đánh lạc hướng những kẻ báo tin cho bọn buôn lậu. Đội hình chủ lực gồm công an, quản lý thị trường, thú y đã xuất phát từ cách đó gần một giờ trước, tổ chức đội hình bủa vây chặt chẽ đoạn đường đối tượng sẽ đi qua. Quả nhiên, cuộc vây bắt đã tóm được một xe tải chở gần năm nghìn con gà thải loại xuất xứ từ Trung Quốc, trọng lượng khoảng sáu tấn, được đưa lậu qua biên giới định mang về Hà Nội tiêu thụ.
Ngoài hành vi, thủ đoạn tinh vi, các đối tượng buôn lậu còn rất manh động chống người thi hành công vụ. Vụ vây bắt chiếc xe tải chở gà lậu qua địa bàn vừa qua là một thí dụ. Đối tượng buôn lậu sau khi định “làm luật” không được đã gọi điện cho đồng bọn đến đánh tháo. Do lực lượng chức năng hôm đó mỏng cho nên người thì bị lôi giữ, còn gà thì các đối tượng mở cửa lồng cho chạy tung ra đường. Vụ việc gây ách tắc quốc lộ 1A gần một giờ đồng hồ nhưng cuối cùng đối tượng cũng chỉ bị phạt hành chính.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bắc Giang Nguyễn Quang Ninh cho biết: Có thể phân biệt gà thải loại nhập lậu bằng mắt thường. Thứ nhất, gà lậu đều là gà mái, già, lông xơ xác, ốm yếu. Thứ hai, thịt ăn dai, khô xác. Tất cả gà lậu đều không có các loại giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên, như quy định về kiểm tra xuất xứ gà, nếu cá nhân mang theo dưới 50 con thì không được kiểm tra, không cần giấy tờ chứng minh. Đây là kẽ hở để các đối tượng buôn lậu lách. Bọn chúng thuê người chở từng lồng gà với khoảng 45-49 con ngang nhiên qua mặt lực lượng chức năng rồi tập kết ở một điểm nào đó. Tất nhiên, đó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân gà lậu “lọt lưới”.
Có thể kể đến nguyên nhân gà lậu vẫn có đất hoạt động một phần do sự phối hợp của cơ quan chức năng các địa phương chưa thật sự hiệu quả; hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe; văn bản pháp quy còn nhiều kẽ hở để đối tượng buôn lậu lợi dụng; hoạt động của ban quản lý các chợ còn chưa chặt chẽ; ý thức kinh doanh của một số người không tốt. Bên cạnh đó, thói quen mua bán, tiêu dùng của đa số người dân khi mua gà không rõ xuất xứ, nguồn gốc cũng khiến tình trạng tiêu thụ gia cầm thải loại, giá rẻ, nội tạng “bẩn” gia tăng.
Bảo vệ thương hiệu Gà đồi Yên Thế nói riêng và gà nội địa nói chung với cuộc chiến chống gà bẩn, gà thải loại tưởng là hai việc khác nhau nhưng lại có mối liên quan chặt chẽ. Bảo đảm kiểm soát được vấn nạn gà lậu qua biên giới sẽ góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm chất lượng gà nội địa, bảo đảm lợi ích kinh tế cho người chăn nuôi và sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()