Gian lận xuất xứ tổn hại tới thương hiệu rau Đà Lạt
Chung quanh việc khoai tây Trung Quốc được nhập khối lượng lớn về Đà Lạt, Lâm Đồng, sau đó “phân phối” đi các thị trường khác, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng.
– Chung quanh việc khoai tây Trung Quốc được nhập khối lượng lớn về Đà Lạt, Lâm Đồng, sau đó “phân phối” đi các thị trường khác, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng.
* Từ “hiện tượng” khoai tây Trung Quốc được nhập ồ ạt về Đà Lạt, hoạt động sản xuất của nhà nông và người tiêu dùng bị ảnh hưởng thế nào, thưa ông?
Ông Lại Thế Hưng:Trước hết, chúng ta đặt câu hỏi tại sao rau củ Trung Quốc được nhập nhiều về Đà Lạt? Đây là do quy luật cung cầu. Đà Lạt là vùng sản xuất rau lớn cung ứng cho cả nước. Trong thời điểm này, nhiều mặt hàng ở đây không đủ số lượng cung cấp cho thị trường và giá hơi cao, nên tư thương đã đưa hàng Trung Quốc về đây.
Vấn đề ảnh hưởng sản xuất là rất lớn, theo tôi, điều đó cũng thấy rõ, nếu khách hàng không phân biệt được đâu là rau Đà Lạt, đâu là rau Trung Quốc. Việc “nhập nhèm” này đã gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu “Rau Đà Lạt”. Đồng thời gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đó là họ bỏ tiền ra để mua rau Đà Lạt, nhưng họ không sử dụng được rau Đà Lạt đích thực.
* Như vậy, chính quyền địa phương làm gì để quản lý vấn đề này?
Ông Lại Thế Hưng: Chúng tôi tăng cường công tác phối kết hợp với các ngành, trước hết là phát hiện các cơ sở nhập nông sản về Lâm Đồng, từ đó sẽ kiểm tra các cơ sở lớn, chứ khi họ phân phối ra chợ lẻ, các tiểu thương nhỏ thì kiểm soát rất khó. Hiện nay, chúng tôi đang kết hợp với các ngành chuyên môn, như quản lý thị trường, phòng kinh tế, nông nghiệp huyện và chính quyền địa phương… để kiểm soát các chủ vựa, trên cơ sở đó sẽ có chấn chỉnh kịp thời và có phương án xử lý thỏa đáng.
* Về băn khoăn của người tiêu dùng trong việc phân biệt nông sản Trung Quốc và nông sản Đà Lạt, địa phương có giải pháp nào?
Ông Lại Thế Hưng: Việc này, trước hết các cơ quan chức năng, chuyên môn phải có hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không khó để phân biệt khoai tây Trung Quốc và khoai tây Đà Lạt. Khoai tây Đà Lạt củ tròn, vỏ mỏng dễ trầy xước… Còn đối với cà rốt Đà Lạt, thường củ dạng nhọn, chóp còn của Trung Quốc thì hình bầu, tròn, hầu hết không có lá. Rồi củ tỏi Trung Quốc khác hàng Đà Lạt căn cứ vào màu sắc… Chúng tôi đã có hướng dẫn cho nông dân, người tiêu dùng. Chúng ta chịu khó để ý thì phân biệt được ngay.
* Ông có thể cho biết làm sao để khoai tây Đà Lạt “đích thực” có đủ số lượng cung cấp ra thị trường?
Ông Lại Thế Hưng: Từ năm 2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình UBND tỉnh Lâm Đồng đề án phát triển khoai tây. Mục đích là đáp ứng thị trường trong nước, luân canh vùng rau Lâm Đồng và phục vụ nhu cầu chế biến cho các công ty trong nước.
Ngoài ra, để bảo đảm nguồn cung cấp khoai tây trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có chính sách để kích thích người nông dân sản xuất các mặt hàng mà chúng ta sản xuất được. Nhưng, phải bảo đảm chất lượng, giá thành hợp lý để cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Cà rốt Đà Lạt thường có lá khi bán ra thị trường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()