Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên: Thành phố lấy tuyên truyền làm trọng
– Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác dân số. Thời gian qua, để kéo tỷ lệ này ngày càng giảm, thành phố Lạng Sơn đã áp dụng nhiều biện pháp, trong đó chú trọng vào giải pháp tuyên truyền.
Thành phố Lạng Sơn hiện có 25.223 hộ dân với 103.872 nhân khẩu. Với mật độ dân số cao hơn so với các huyện khác (1.335 người/km2), việc thực hiện tốt các chỉ tiêu dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), nhất là giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Hoàng Đồng (ngoài cùng bên trái) đến hộ dân thăm hỏi, tuyên truyền về chính sách DS-KHHGĐ
5 năm qua, trong khi một số huyện như: Hữu Lũng, Lộc Bình, Đình Lập có tỷ lệ sinh con thứ 3 chạm ngưỡng 20% thì thành phố Lạng Sơn luôn nằm trong số các huyện, thành phố có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên thấp khi đều duy trì ở mức dưới 6%. Một số phường, xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 (năm 2021) thấp như: Phường Hoàng Văn Thụ (2%), phường Đông Kinh (5,4%), xã Hoàng Đồng (3,8%), phường Chi Lăng (5,4%).
Có được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của người dân trên địa bàn, đặc biệt là sự tích cực của đội ngũ làm công tác dân số. Bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế thành phố Lạng Sơn cho biết: Nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu DS-KHHGĐ, chúng tôi xác định lấy tuyên truyền làm giải pháp chính, vừa giúp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vừa thích ứng an toàn trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp (năm 2020, 2021). Cụ thể, các xã, phường đã chủ động phối hợp với các ban, đoàn thể địa phương để tuyên truyền lồng ghép các nội dung về DS-KHHGĐ; tuyên truyền tại các đợt cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) tại Trạm Y tế; đến thăm hộ gia đình, vận động người dân đến thực hiện KHHGĐ và phòng, chống viêm nhiễm đường sinh sản… Đặc biệt, với lợi thế người dân trên địa bàn sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội nhiều, đội ngũ làm công tác dân số đã tích cực đăng tải các thông tin tuyên truyền, các sản phẩm, phương tiện tránh thai… lên mạng xã hội. Qua đó, rất nhiều người dân đã nắm bắt được thông tin và chủ động tìm đến chúng tôi nhờ tư vấn.
Được biết, từ năm 2017 đến nay, hằng năm, ngành dân số thành phố đều tổ chức nói chuyện chuyên đề, cung cấp kiến thức để nâng cao nhận thức người dân về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cho trên 1.100 lượt người nghe; truyền thông về sự cần thiết cung ứng đầy đủ các phương tiện tránh thai, chăm sóc SKSS được 80 buổi với gần 1.700 lượt người nghe; thăm hộ gia đình được 1.272 lượt; truyền thanh trên loa đài được 48 lượt; phát hơn 1.500 tờ rơi về các nội dung trong chương trình mục tiêu DS-KHHGĐ… Bên cạnh đó, các cộng tác viên dân số ở các khối phố, các thôn cũng chủ động tuyên truyền miệng trong sinh hoạt hằng ngày tại địa bàn.
Anh Hoàng Khánh Duy, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Hoàng Đồng cho biết: Để người dân hiểu ý nghĩa về việc sinh đủ 2 con, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền lồng ghép tại các buổi khám sức khỏe; đối với những gia đình sinh con một bề, chúng tôi chủ động đến thăm nhà tuyên truyền trực tiếp, động viên người dân dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Nhờ đó, trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn ở mức 3%.
Thông qua tuyên truyền đã tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân về việc không sinh con thứ 3. Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, người dân khối 12, phường Hoàng Văn Thụ cho biết: Nhờ thường xuyên được cán bộ dân số tuyên truyền, tôi càng hiểu rõ hơn về lợi ích của việc sinh đủ 2 con, vợ chồng tôi cũng không còn nặng nề với tư tưởng trọng nam khinh nữ nữa. Vì vậy, dù có 2 con gái nhưng vợ chồng tôi quyết định không sinh thêm nữa để tập trung nguồn lực làm kinh tế.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp, ngành liên quan, đội ngũ làm công tác dân số trên địa bàn thành phố Lạng Sơn tiếp tục khắc phục khó khăn, kéo giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 cũng như giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, mức sinh trên địa bàn. Từ đó, đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
DƯƠNG KIM
Ý kiến ()