Giảm tỷ lệ người lao động làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài
Trong những năm gần đây, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động quan trọng của Việt Nam. Việc hai nước tiếp tục ký Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) mới đây là một tin vui đối với người lao động nước ta, thể hiện sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa hai nước trong lĩnh vực lao động - việc làm.
Theo quy định của Hàn Quốc, các bản ghi nhớ về EPS mà Hàn Quốc ký với 15 nước đều có quy định thời hạn có hiệu lực và sẽ được ký lại sau khi hết hạn. Đây là lần thứ sáu Việt Nam và Hàn Quốc ký Bản ghi nhớ về EPS, có giá trị hai năm, tiếp tục tạo cơ hội cho hàng nghìn người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc.
Chương trình EPS được triển khai từ năm 2004, đến nay đã đem lại những kết quả tích cực. Hiện có gần 50 nghìn người lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó hơn 38 nghìn người làm việc theo Chương trình EPS, với mức lương bình quân từ 1.000 đến 1.500 USD/tháng. Tuy nhiên, một vấn đề lớn trong việc triển khai Chương trình EPS mà hai bên đang nỗ lực giải quyết là tình trạng nhiều lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng lao động đã không về nước mà tiếp tục ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Số lượng lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại nước bạn cao đã ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS đã từng phải tạm dừng, khi hết hạn từ tháng 8-2012 đã không được ký lại cho tới tháng 5-2016. Trong giai đoạn đó, Việt Nam và Hàn Quốc chỉ ký Bản ghi nhớ đặc biệt với thời hạn một năm vào tháng 12-2013 và tháng 4-2015 dành cho những lao động đã kiểm tra tiếng Hàn và những lao động thuộc diện tái nhập cảnh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã cùng phía Hàn Quốc thực hiện quyết liệt nhiều chính sách, giải pháp để giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú, làm việc bất hợp pháp tại nước này. Như, việc áp dụng chính sách ký quỹ với người lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người lao động thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn; tăng mức xử phạt vi phạm hành chính lên 80 đến 100 triệu đồng và áp dụng với tất cả các đối tượng lao động bất hợp pháp; hỗ trợ người lao động tái hòa nhập, tìm việc làm mới trong nước. Cùng với đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng thực hiện chính sách ân xá dành cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước, Việt Nam cũng ban hành chính sách miễn xử phạt vi phạm hành chính đối với lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước… Với những biện pháp quyết liệt, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước giảm từ 47% (cuối năm 2013) xuống 35,86% (cuối năm 2015), số lao động cư trú bất hợp pháp giảm từ 18.000 người (cuối năm 2013) xuống còn hơn 15.000 người (đầu năm 2016)…
Bản ghi nhớ được tiếp tục ký kết đang tạo cơ hội làm việc cho hàng nghìn lao động Việt Nam. Một điểm mới của bản ghi nhớ lần này là hạn ngạch tiếp nhận người lao động Việt Nam hằng năm sẽ được phía Hàn Quốc phân bổ dựa trên kết quả giảm số lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Đồng thời, Bản ghi nhớ cũng đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan liên quan cả hai phía Việt Nam và Hàn Quốc trong việc thực hiện EPS. Để Chương trình EPS triển khai hiệu quả, trước hết là phía các cơ quan chức năng, như Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần khẩn trương vào cuộc, phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc nắm bắt thông tin người lao động ở lại làm việc bất hợp pháp để kịp thời xử lý. Chính phủ Hàn Quốc cần có biện pháp mạnh, tiếp tục có những cuộc rà soát, kiểm tra những lao động bất hợp pháp và xử lý theo pháp luật những doanh nghiệp, cá nhân sử dụng người lao động Việt Nam bất hợp pháp. Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể, xã hội cần tích cực tuyên truyền, tác động đến những gia đình có con em đang sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc, động viên con em trở về. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp sản xuất của Hàn Quốc tại Việt Nam hiện đang thu hút lao động Việt Nam từ Hàn Quốc trở về với mức lương khá cao.
Dự kiến thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ trao đổi, thống nhất với phía Hàn Quốc về kế hoạch triển khai bản ghi nhớ này, bao gồm việc tổ chức các kỳ thi tuyển lao động theo Chương trình EPS trong các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()