Giảm tỷ lệ học sinh bỏ học - hiệu quả của các giải pháp
Cụ thể, năm học 2012-2013 số học sinh bỏ học ở cấp trung học cơ sở (THCS) là 392 em, ở cấp trung học phổ thông (THPT) là 730 em; học kỳ I năm học này, số học sinh THCS bỏ học chỉ còn 85 em và số học sinh THPT bỏ học là 213 em. Những huyện, thành phố và các trường có số học sinh bỏ học giảm nhanh là huyện Lộc Bình từ 86 học sinh năm học trước nay chỉ còn 27 học sinh, Bình Gia từ 50 học sinh xuống còn 2 học sinh, Cao Lộc từ 38 học sinh xuống còn 5 học sinh; THPT Tràng Định từ 96 em năm học trước xuống còn 19 em trong học kỳ I này, THPT Na Dương từ 66 em xuống còn 10 em…
Học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề tại Trường Trung cấp nghề Việt Đức (Giờ thực hành môn điện dân dụng) |
Số học sinh bỏ học giảm nhanh là do có sự tác động tích cực của nhiều yếu tố. Sau 5 năm thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, sự đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm; phương pháp kỷ luật tích cực được cộng hưởng với phong trào “Mỗi giáo viên tự nguyện phụ đạo học sinh yếu kém 2 tiết/ tuần không nhận thù lao” đã tạo hứng thú học tập cho học sinh, làm cho các em không cảm thấy chán nản mà bỏ học. Một nguyên nhân quan trọng khác là tác động của việc chuyển đổi loại hình từ trường phổ thông sang trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT). Bước vào năm học 2013-2014 và trong học kỳ I, toàn ngành đã chuyển đổi và thành lập mới 78 trường phổ thông DTBT, tăng 45 trường so với cuối năm học trước với hàng chục ngàn học sinh. Chuyển đổi loại hình cũng đồng nghĩa với hàng ngàn học sinh từ cấp tiểu học đến THPT được ăn, ở bán trú, hoặc được hưởng chế độ học sinh bán trú. Cô giáo Nguyễn Thị Thu, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông DTBT xã Hữu Lân (Lộc Bình) cho chúng tôi biết, những năm học trước, tỷ lệ học sinh cấp THCS bỏ học khá cao, song từ khi có loại hình bán trú, toàn trường có 203 học sinh thì chỉ có 2 em bỏ học (1 em lớn tuổi ở nhà xây dựng gia đình, 1 em tham gia lao động sản xuất). Đồng chí Hoàng Xuân Mai, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đình Lập nói rằng, nếu năm học trước toàn huyện có 1 học sinh tiểu học và 27 học sinh THCS bỏ học, thì học kỳ I này chỉ có 4 học sinh THCS bỏ học. Kết quả ấy, ngoài “sức hút” của các trường học thân thiện, yếu tố quyết định là học sinh được hưởng các chế độ của nhà nước.
Một trong những nguyên nhân của việc học sinh bỏ học là gia đình nghèo hoặc gặp khó khăn đột xuất không thể theo học. Sự quan tâm của các địa phương, các cơ quan đoàn thể và toàn xã hội đã mang lại tác dụng lớn giảm thiểu học sinh bỏ học vì khó khăn thiếu thốn. Phong trào “3 đủ” được phát động rộng rãi; phong trào “hũ gạo tình thương” đã trợ giúp kịp thời học sinh. Trong học kỳ I vừa qua, “hũ gạo tình thương” của toàn ngành đã huy động được gần 22 ngàn kg, trên 610 triệu đồng giúp đỡ được 4529 học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Giảm thiểu học sinh bỏ học đã góp phần tăng tỷ lệ người biết chữ, tăng tỷ lệ tốt nghiệp THCS và THPT, có tác động tích cực đến phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS một cách bền vững. Trong học kỳ I vừa qua đã có 226/226 xã, thị trấn giữ vững kết quả phổ cập tiểu học, có 82 đơn vị xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 (tăng 18 đơn vị so với năm học trước). Toàn tỉnh duy trì chuẩn phổ cập THCS ở chất lượng cao hơn.
Tuy vậy, tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn là vấn đề nan giải ở các địa phương, nhất là các thôn vùng cao, vùng khó khăn, thôn giáp biên giới. Một số trường THPT tỷ lệ bỏ học có giảm song giảm chậm như Trường THPT Cao Lộc giảm từ 44 học sinh năm học 2012-2013 xuống còn 24 học sinh năm học này. Tỷ lệ học sinh bỏ học ở khối giáo dục thường xuyên (GDTX) vẫn còn lớn, nhất là khối bổ túc THPT xã, cụm xã. Cô giáo Nguyễn Lương Hằng, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Lộc cho biết trong nhiều năm nay, bằng mọi giải pháp, nhà trường không để cho học sinh nào phải bỏ học do thiếu thốn khó khăn; tuy nhiên, số học sinh bỏ học vẫn nhiều là do các em ở nhà hoặc xin vào các doanh nghiệp hoặc sang bên kia biên giới làm thuê để có tiền. Như vậy, học sinh THPT và hệ GDTX bỏ học, nguyên nhân chính vẫn là “sức ép” về lao động và thu nhập ở các gia đình, đặc biệt là các gia đình có người đi làm thuê ở bên kia biên giới. Tuy vậy, tình trạng này không đáng lo vì các em đã bước vào độ tuổi lao động với mặt bằng học vấn cơ bản ở địa phương là tốt nghiệp THCS. Đây cũng là một “nhánh” trong phân luồng học sinh sau cấp THCS.
Số học sinh Lạng Sơn bỏ học tuy có giảm song chưa vững chắc. Từ nay đến cuối năm học sẽ có nhiều yếu tố tác động đến học sinh như kỳ nghỉ tết nguyên đán, rét đậm rét hại kéo dài; học kỳ 2 với thời lượng trên lớp tăng, chương trình khó hơn, nhu cầu việc làm ở các địa phương tăng…, ngành GD&ĐT cần có những giải pháp thiết thực hơn để đảm bảo sĩ số, nhất là ở cấp THCS.
Ý kiến ()