Giảm TNGT đường sắt: Bắt đầu từ đường ngang
LSO - Lạng Sơn có 2 tuyến đường sắt chạy qua với gần 30 đường ngang hợp pháp và nhiều đường ngang dân sinh. Không ít đường ngang trong số này chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người dân còn hạn chế, vì vậy, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra những vụ TNGT đường sắt thương tâm. Nhân viên đường sắt làm nhiệm vụ tại đường ngang km 151 685 (thành phố Lạng Sơn)Đường ngang tại km151 685 tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng giao cắt với đường Trần Đăng Ninh-một trong những đường đô thị có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao ở TP Lạng Sơn. Khoảng 2 năm về trước, đường ngang này có đầy đủ chòi gác, giàn chắn, cột tín hiệu báo tàu, biển báo giao cắt đường sắt với đường bộ… Để phục vụ việc cải tạo, nâng cấp đường Trần Đăng Ninh, tháng 6/2011, các biển báo hiệu đường bộ, hàng rào, cọc tiêu tại khu vực này được tháo dỡ, giàn chắn cũng được dỡ bỏ còn chòi gác tạm thời được...
LSO – Lạng Sơn có 2 tuyến đường sắt chạy qua với gần 30 đường ngang hợp pháp và nhiều đường ngang dân sinh. Không ít đường ngang trong số này chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người dân còn hạn chế, vì vậy, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra những vụ TNGT đường sắt thương tâm.
Nhân viên đường sắt làm nhiệm vụ tại đường ngang km 151 685 (thành phố Lạng Sơn)
Đường ngang tại km151 685 tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng giao cắt với đường Trần Đăng Ninh-một trong những đường đô thị có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao ở TP Lạng Sơn. Khoảng 2 năm về trước, đường ngang này có đầy đủ chòi gác, giàn chắn, cột tín hiệu báo tàu, biển báo giao cắt đường sắt với đường bộ… Để phục vụ việc cải tạo, nâng cấp đường Trần Đăng Ninh, tháng 6/2011, các biển báo hiệu đường bộ, hàng rào, cọc tiêu tại khu vực này được tháo dỡ, giàn chắn cũng được dỡ bỏ còn chòi gác tạm thời được di chuyển về phía Bắc đường ngang. Từ đó đến nay, mặc dù công trình nâng cấp đường bộ đã hoàn thành, song đường ngang km151 685 vẫn chưa được xây lắp, hoàn thiện để hoạt động theo đúng quy phạm khai thác kỹ thuật chạy tàu: cột tín hiệu, biển báo, giàn chắn phía Bắc đường ngang chưa được lắp đặt, giàn chắn phía Nam chỉ chắn tạm thời được 2/3 mặt đường bộ. Có mặt tại đường ngang này vào chiều 18/10 vừa đúng lúc tàu qua, chúng tôi không khỏi ái ngại khi chứng kiến nhân viên gác chắn phải làm tín hiệu bằng tay để dừng phương tiện giao thông đường bộ, nơi làm việc của họ vẫn chỉ là cái chòi tạm, lụp xụp và chật chội. Chị Lô Kim Chi, nhân viên gác chắn Cung đường sắt Lạng Sơn cho biết: Chị và các đồng nghiệp đã làm việc trong điều kiện tạm bợ như thế này hơn 1 năm nay. Đường bộ cải tạo xong từ lâu, nhưng do vướng mắc về mặt bằng nên việc xây dựng chòi gác, lắp đặt giàn chắn mới, đèn tín hiệu, biển báo hiệu đều tạm dừng. Đáng nói hơn, khu vực này buổi tối thường xuyên bị mất điện làm hạn chế quan sát của người đi đường. Đã có trường hợp người điều khiển đâm vào gác chắn hoặc va vào nhân viên đường sắt đang làm nhiệm vụ.
Đường ngang km151 685 chỉ là một trong số những đường ngang đang tồn tại bất cập về hạ tầng, tổ chức giao thông hiện nay. Theo số liệu của Phòng CSGT Công an tỉnh, Lạng Sơn có 2 tuyến đường sắt chạy qua (Hà Nội-Lạng Sơn và Yên Trạch-Na Dương) dài 124km với 26 đường ngang hợp pháp (18 đường ngang có người gác, 8 đường ngang không có người gác) và nhiều đường ngang dân sinh. Để đảm bảo TTATGT, Phòng CSGT phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực trạng các đường ngang và tình hình chấp hành pháp luật về TTATGT tại các đường ngang, từ đó đề xuất với các cấp, ngành chức năng triển khai các giải pháp khắc phục. Gần đây nhất, tháng 3/2012, Phòng phối hợp kiểm tra các đường ngang trên địa bàn, qua đó xác định 9 vị trí bất cập, đã xảy ra nhiều vụ TNGT hoặc thường xuyên ùn tắc phương tiện giao thông đường bộ. Trong đó, có đường ngang km151 685 kể trên và một số vị trí khác –như đường dân sinh tại km 146 250 (TP Lạng Sơn), 2 đường ngang từ km 158-162 (huyện Cao Lộc). Các giải pháp được đưa ra là: khảo sát, lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động, trước mắt áp dụng tại các đường ngang có mật độ giao thông cao, tầm nhìn của gác chắn hạn chế, cách xa nhà ga; lắp đặt, hoàn thiện trang thiết bị; tổ chức giao thông cho hợp lý… Tuy nhiên cho đến nay, tình trạng mất ATGT tại các đường ngang vẫn chưa được khắc phục. Trung tá Nguyễn Quốc Hồng, cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: phần lớn các đường ngang kể trên đều chưa đảm bảo an toàn như tầm nhìn bị hạn chế, độ dốc của đường bộ trên đoạn đường ngang vượt quá quy định, đặc biệt là những đường ngang tại vị trí đường bộ nằm liền kề với đường sắt, đường ngang ra vào các khu dân cư… Cùng với đó là tình trạng người tham gia giao thông thiếu chú ý quan sát, không chấp hành quy định về TTATGT nên tại các đường ngang hàng năm đều xảy ra những vụ TNGT đau lòng. Như tại đường ngang km 152 737 (TP Lạng Sơn) vào Trường Trung cấp nghề Việt Đức, 3 năm liên tiếp 2008-2010 đều xảy ra tai nạn chết người hay đường ngang km 146 250 (xã Mai Pha, TP Lạng Sơn) năm 2011 xảy ra 2 vụ TNGT làm 2 người bị thương, hỏng nặng 2 mô tô, bế tắc tuyến chính 25 phút.
Theo số liệu của Ban ATGT tỉnh, 9 tháng đầu năm 2012, Lạng Sơn xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt, làm 1 người chết, 1 người bị thương, giảm 4 vụ, giảm 5 người chết, tăng 1 người bị thương so với cùng kỳ 2011. Tuy nhiên ngay đầu tháng 10, lại xảy ra thêm 1 vụ TNGT đường sắt làm 1 người bị thương, đặc biệt lúc 22 giờ ngày 14/10, tại đường ngang km 162 050 (xã Phú Xá, Cao Lộc), một người đàn ông đi xe máy đã tự đâm vào giàn chắn và tử vong. Nguyên nhân là vị trí này không có đèn chiếu sáng công cộng, làm hạn chế khả năng quan sát của người đi đường. Thiết nghĩ đã đến lúc các cấp, ngành chức năng khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng mất ATGT tại các đường ngang, cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT cho nhân dân. Có như vậy mới phòng ngừa, hạn chế được TNGT nói chung và TNGT đường sắt nói riêng.
Bài ảnh: Bảo Vy
Ý kiến ()