Giảm tình trạng học sinh bỏ học ở đồng bằng sông Cửu Long
Nhiều học sinh ở ĐBSCL phải đi đò đến lớp học. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước với thế mạnh về sản xuất lương thực và thủy sản, nhưng mặt bằng dân trí lại thấp hơn các vùng miền khác. Mặc dù Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chiến lược nhằm nâng cao trình độ dân trí, chất lượng giáo dục của khu vực này song kết quả chưa như mong muốn. Vì thế ĐBSCL hiện vẫn là "vùng trũng" về giáo dục của cả nước. Một trong những yếu tố tác động không nhỏ đến thực trạng này là tình trạng học sinh (HS) bỏ học.Bỏ học vì nghèoTheo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, vùng ĐBSCL có hơn 3,1 triệu HS gồm: 467 nghìn cháu mầm non, 1,4 triệu HS tiểu học, 835 nghìn HS THCS, 364 nghìn HS THPT. Mặc dù, quy mô, chất lượng GD và ĐT được nâng lên, nhưng tỷ lệ HS bỏ học của vùng còn cao hơn mức bình quân chung cả nước. Trong năm 2010 - 2011, ĐBSCL có gần 21 nghìn HS bỏ học, chiếm tỷ...
Nhiều học sinh ở ĐBSCL phải đi đò đến lớp học. |
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước với thế mạnh về sản xuất lương thực và thủy sản, nhưng mặt bằng dân trí lại thấp hơn các vùng miền khác. Mặc dù Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chiến lược nhằm nâng cao trình độ dân trí, chất lượng giáo dục của khu vực này song kết quả chưa như mong muốn. Vì thế ĐBSCL hiện vẫn là “vùng trũng” về giáo dục của cả nước. Một trong những yếu tố tác động không nhỏ đến thực trạng này là tình trạng học sinh (HS) bỏ học.
Bỏ học vì nghèo
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, vùng ĐBSCL có hơn 3,1 triệu HS gồm: 467 nghìn cháu mầm non, 1,4 triệu HS tiểu học, 835 nghìn HS THCS, 364 nghìn HS THPT. Mặc dù, quy mô, chất lượng GD và ĐT được nâng lên, nhưng tỷ lệ HS bỏ học của vùng còn cao hơn mức bình quân chung cả nước. Trong năm 2010 – 2011, ĐBSCL có gần 21 nghìn HS bỏ học, chiếm tỷ lệ khoảng 0,75% (bình quân cả nước 0,43%), cao hơn cả Tây Nguyên (0,71%). Các tỉnh có tỷ lệ HS bỏ học cao là Long An, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long. Số HS bỏ học trong dịp hè vừa qua ở bậc tiểu học 0,4%, THCS 2,2%, THPT 2,9%. Đồng chí Tô Minh Giới, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận định, tình trạng HS bỏ học ở các địa phương tuy có giảm so với các năm trước nhưng vẫn còn ở mức cao. Đây là nỗi bức xúc của ngành giáo dục và đào tạo, trăn trở của cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng xã hội.
Theo Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Đồng Tháp Hồ Văn Thống, điều kiện kinh tế nhiều địa phương trong khu vực còn khó khăn, gia đình HS nghèo, các em phải đi học xa trong khi phương tiện đến trường thiếu, thậm chí không ít HS thiếu ăn, thiếu mặc. Học sinh cấp THCS và THPT đang trong độ tuổi phát triển, các em có thể tham gia lao động sản xuất ở mức độ nhất định, cho nên vào mùa vụ, một số HS bỏ học để phụ giúp công việc gia đình, theo gia đình đi làm thuê xa. Một bộ phận cha mẹ HS quan tâm chưa đúng mức việc học tập của con em, họ cho rằng, học cũng được mà không học cũng chẳng sao, miễn có ruộng là sống được”. Thậm chí, trong số này có cả những hộ gia đình kinh tế không phải quá khó khăn, quá nghèo. Còn Giám đốc Sở GD và ĐT Cà Mau Thái Văn Long nhìn nhận: Ngành giáo dục và đào tạo Cà Mau đang hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó có nhiều khó khăn tác động trực tiếp đến việc huy động HS đến trường, giữ vững sĩ số đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Với Cà Mau, tình trạng trường, lớp còn phân tán, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học còn thiếu thốn chưa thật sự thu hút học sinh đến trường. Cấu tạo địa chất khu vực này không thuận lợi cho xây dựng công trình cao tầng, cho nên việc đầu tư hạ tầng tốn kém. Tình trạng này đã và đang gây khó khăn cho các hoạt động dạy và học của các nhà trường trong tỉnh. Đặc biệt, giao thông đi lại hết sức khó khăn, nhất là mùa mưa. Cà Mau chủ yếu là đường thủy với hệ thống kênh, rạch, sông ngòi chằng chịt, giao thông đường bộ rất hạn chế vì nền đất yếu, dễ bị sụt lún lở xuống sông. Toàn tỉnh Cà Mau đến nay vẫn còn một số nơi chưa có đường ô-tô đến trung tâm huyện và xã. Theo thống kê đầu năm học 2009 – 2010, hằng ngày có hơn 37,5 nghìn HS phổ thông phải đi đò đến lớp (6.500 HS đi đò ngang và 31 nghìn HS đi đò dọc), trong đó có hơn 14 nghìn HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn cần được hỗ trợ tiền đò. Có thời điểm hàng chục nghìn HS phải bỏ học vì không đủ tiền đi đò đến lớp. Năm 2011, tỷ lệ HS bỏ học ở bậc THPT của tỉnh An Giang là 3,93%, Long An 4,46%, Vĩnh Long 4,61%, đứng đầu là Sóc Trăng với 7,34%.
Cần những giải pháp thiết thực và hiệu quả
Giám đốc Sở GD và ĐT Cà Mau Thái Văn Long cho biết: Nếu như cả nước thực hiện ba đủ thì Cà Mau phải là bốn đủ, tức là phải có đủ tiền cho HS đi đò đến lớp. Theo đó, tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ tiền đò đến lớp cho HS. Bình quân số tiền đò phải trả đối với đi đò ngang khoảng 45 nghìn đồng/HS/tháng và 200 nghìn đồng/tháng/HS đi đò dọc. Đây là chủ trương đúng ý Đảng, hợp lòng dân nên đã được cộng đồng ủng hộ mạnh mẽ. Tính đến ngày 31-12-2010, Quỹ Hỗ trợ tiền đò dành cho HS có hoàn cảnh khó khăn thuộc Ủy ban MTTQ tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận được hơn 20,3 tỷ đồng do các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ và đã chi hơn 19,2 tỷ đồng để hỗ trợ HS đi đò đến lớp.
Giám đốc Sở GD và ĐT Đồng Tháp Hồ Văn Thống cho rằng: Phải nhận thức đúng đắn mối quan hệ trách nhiệm giữa gia đình – nhà trường – xã hội trong phòng, chống HS bỏ học. Trong đó, từng gia đình phải có trách nhiệm quản lý, nhắc nhở và thường xuyên giám sát việc học tập của con em. Có rất nhiều gia đình do tập trung làm ăn, phó mặc việc học cho con mà không kiểm tra, nhắc nhở và hệ quả là con mình sa vào chuyện “chơi nhiều, học ít”. Nhà trường phải không ngừng nghiên cứu, nâng cao chất lượng dạy học, thu hút cho được HS vào từng tiết học, môn học; làm sao để cho HS luôn cảm thấy “thèm khát” được đến trường, coi việc học là việc làm thiết thực giúp gia đình thoát nghèo. Sự tận tụy của người thầy khi truyền thụ kiến thức cho HS là một trong những chuẩn mực đạo đức của người thầy trực tiếp giảng dạy. Bên cạnh đó cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng địa phương, sự chỉ đạo, quản lý điều hành của chính quyền cấp cơ sở đối với lĩnh vực GD và ĐT; rà soát, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách bảo đảm ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp GD và ĐT trong điều kiện mới. Cũng theo đồng chí Hồ Văn Thống, các trường học phải chủ động giải quyết tình trạng HS bỏ học theo kiểu “phòng hơn chống” để kịp thời phát hiện những HS có biểu hiện chán học, gia đình có hoàn cảnh khó khăn đột xuất hay các vấn đề khác phát sinh để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ. “Bởi hiện nay hầu hết là chống bỏ học kiểu “chạy theo đuôi”. Đừng để HS đã bỏ học cả tuần mới nháo nhào đi tìm hiểu nguyên nhân, vận động các em trở lại lớp. Thực tế cho thấy, xác suất thành công của các trường hợp này là không cao. HS đã bỏ học 10 ngày, khi trở lại trường nếu không có biện pháp kèm cặp, phụ đạo hợp lý thì “lỗ hổng” kiến thức căn bản của các em ngày càng lớn và nguy cơ tái bỏ học vẫn luôn luôn tiềm ẩn” – đồng chí Hồ Văn Thống nói.
Mặc dù thời gian qua hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều thực hiện nhiều giải pháp để chống tình trạng HS bỏ học nhưng thực tế hiệu quả chưa tương xứng. Bởi nhiều giải pháp khi đưa ra được xem là khả thi nhưng khi thực hiện đến cơ sở thì vẫn nằm ỳ trên giấy, hoặc thực hiện không triệt để. Một số nơi còn nặng về bệnh thành tích và tình trạng HS “ngồi nhầm lớp”. Do trước đây nhà trường đánh giá HS không đúng thực chất, khi đánh giá lại, HS mất căn bản về kiến thức, không tiếp thu kịp chương trình nên chán học và bỏ học.
Theo Nhandan
Ý kiến ()