Giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu
Thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, Tổng cục Hải quan đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể trong năm 2017, đó là: Phấn đấu rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu còn 70 giờ và hàng hóa nhập khẩu còn 90 giờ; 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3, 70% các dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi được cung cấp trực tuyến mức độ 4.
Việc phấn đấu đạt các chỉ tiêu nêu trên để cải thiện vị trí xếp hạng về thời gian thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới từ thứ hạng 93 về thứ hạng dưới 82 (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới) trong năm 2017 như cam kết của ngành hải quan là thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải có những nỗ lực rất lớn. Giải pháp trước mắt nhưng có tác động không nhỏ để giảm thời gian thông quan hàng hóa mà ngành hải quan cần tính đến là nâng cao chất lượng công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Ðây là khâu bị doanh nghiệp “kêu” nhiều nhất do những bất cập dẫn tới kéo dài thời gian thông quan hàng hóa. Trước tiên, cần sớm xây dựng và ban hành đầy đủ danh mục các mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo hướng thu hẹp diện kiểm tra, cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra, chi tiết mã số hồ sơ và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra. Chuyển từ kiểm tra trong thông quan sang kiểm tra sau thông quan; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành, làm căn cứ để kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Cục Kiểm định hải quan và các Chi cục Kiểm định cần được đào tạo để có thể chủ động tham gia hoạt động phân tích, giám định, kiểm tra chuyên ngành đối với một số hàng hóa xuất, nhập khẩu trên cơ sở các quy định pháp luật về giám định chất lượng và ủy quyền của các bộ quản lý chuyên ngành liên quan. Khuyến khích xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất, nhập khẩu để đáp ứng được chỉ tiêu rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cũng là giải pháp tốt hiện nay.
Việc thực hiện thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhưng thực tế cho thấy, doanh nghiệp vẫn mong muốn ngành hải quan mở rộng hơn nữa các thủ tục hành chính, tích hợp các dịch vụ thanh toán điện tử thuế, phí, lệ phí… trên Cơ chế một cửa quốc gia, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí hơn nữa bởi phần lớn hồ sơ phải nộp đã được đơn giản hóa và điện tử hóa. Gắn với đó là tiếp tục hoàn thiện, vận hành ổn định Hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS, xây dựng các giải pháp giảm tỷ lệ kiểm tra luồng vàng, luồng đỏ để giảm thời gian thông quan hàng hóa.
Theo Nhandan
Ý kiến ()