Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh: Cần thay đổi từ nhận thức đến hành động
(LSO) – Thực hiện Quyết định số 468, ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 – 2025, ngày 17/1/2017, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch số 13 về thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2017 – 2020. Thời gian qua, đề án đã được các ngành liên quan triển khai thực hiện và có hiệu quả bước đầu.
Thực trạng
Theo quy luật tự nhiên, trung bình cứ sinh 100 bé gái thì tương ứng sinh được khoảng từ 104 – 106 bé trai. Trước đây, hằng năm, trẻ em được sinh ra ở nước ta đều theo quy luật này. Tuy nhiên, năm 2006, trung bình cứ 100 bé gái thì tương ứng có tới 110 bé trai được sinh ra, chính thức được xác định là mất cân bằng giới tính khi sinh và từ đó, tình trạng mất cân bằng tăng dần.
Tại Lạng Sơn, tỷ số giới tính khi sinh từ năm 2011 đến 2016 là 117,3/100, thuộc nhóm rất cao theo đánh giá của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA). Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số tỉnh cho biết: Tỷ số giới tính khi sinh cho lần sinh đầu tiên của tất cả các dân tộc sinh sống trên địa bàn Lạng Sơn rất cao, trong đó, dân tộc Kinh là 147,1/100. Tỷ số này tăng cao ở nhóm các bà mẹ từ 40 tuổi trở lên; bố/mẹ có học vấn từ tiểu học trở xuống; bố/mẹ làm dịch vụ, buôn bán và làm ruộng…
Cán bộ chuyên trách dân số của Trạm Y tế thị trấn Văn Quan (giữa) tuyên truyền về giảm tỷ lệ giới tính khi sinh cho thanh niên trên địa bàn
Tăng cường truyền thông
Nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh, thực hiện Kế hoạch 13 của UBND tỉnh, ngành y tế đã chỉ đạo Chi cục Dân số đẩy mạnh truyền thông; đồng thời phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường tuyên truyền trong học sinh, sinh viên. Theo đó, từ năm 2017 đến nay, Chi cục Dân số tỉnh đã phối hợp với cơ quan báo chí của tỉnh xây dựng và duy trì chuyên mục “Dân số và phát triển” trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh được 104 số; đăng tải trên 50 bài viết theo các trang chuyên đề, chủ đề trên Báo Lạng Sơn. Cùng với đó, Chi cục Dân số tỉnh; phòng dân số các huyện, thành phố phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức các buổi tuyên truyền về sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên/thanh niên và các hoạt động của mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số, bất bình đẳng giới, hệ luỵ của mất cân bằng giới tính khi sinh tại 33 trường THPT, THCS cho 18.546 học sinh … Đồng thời Chi cục Dân số tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm tổ chức mít tinh nhân ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2018 với sự tham gia của 220 sinh viên; cấp 10 tủ đựng sách cho 5 trường THPT và 5 trường THCS; phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức được 6 buổi tuyên truyền SKSS vị thành niên/thanh niên tại các trường học với trên 4.650 học sinh, giáo viên tham gia…
Hiệu quả bước đầu
Thông qua tuyên truyền đã từng bước làm thay đổi hành vi của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ theo hướng không phân biệt giới tính, không trọng nam khinh nữ, không lựa chọn giới tính thai nhi, sinh đẻ theo quy luật tự nhiên. Đồng thời nỗ lực giảm tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh, từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng. Trong 2 năm 2017 và 2018, tỷ số giới tính khi sinh đã giảm đáng kể so với giai đoạn 2011 – 2016. Cụ thể, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh năm 2017 giảm xuống còn 116,7/100; năm 2018 giảm còn 116,2/100.
Ông Nguyễn Quang Bằng cho biết thêm: Mục tiêu cụ thể của đề án trong giai đoạn 2017 – 2020 sẽ giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh ở mức 1 điểm phần trăm/năm, phấn đấu đến năm 2020, tỷ số ở mức 115 bé trai/100 bé gái; tiến tới đưa tỷ số đạt khoảng 107 bé trai/100 bé gái sau năm 2025 và dần đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên.
Muốn đạt được kết quả này thiết nghĩ cần sự chung tay, đồng thuận của toàn xã hội trong việc thay đổi từ nhận thức đến hành động; nghiêm túc thực thi các quy định của pháp luật về nghiêm cấm việc cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi; nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái…
THANH HUYỀN
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()