Giảm thiểu lượng phát thải cần hành động sớm và kiên quyết
Ngày 26/11/2019, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã công bố Báo cáo cho biết Các quốc gia G20 chiếm 78% tổng lượng phát thải nhưng 15 nước thành viên của G20 không cam kết về thời hạn đưa phát thải về bằng không.
Giảm thiểu lượng phát thải cần hành động sớm và kiên quyết. |
Theo báo cáo của UNEP, một năm trước khi các quốc gia sẽ tăng cường các cam kết về khí hậu theo Hiệp định Paris của họ, một báo cáo mới của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cảnh báo rằng nếu phát thải khí nhà kính toàn cầu không giảm 7,6% mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2030 thì thế giới sẽ bỏ lỡ cơ hội để đạt được mục tiêu 1,5° C theo Thỏa thuận Paris.
Báo cáo Khoảng cách Phát thải thường niên của UNEP cho biết kể cả khi tất cả các cam kết không điều kiện hiện tại theo Thỏa thuận Paris được thực hiện thì nhiệt độ được dự kiến vẫn sẽ tăng thêm 3,2°C, gây ra những tác động khí hậu trên phạm vi rộng hơn và có sức tàn phá khủng khiếp hơn. Mục tiêu chung cần phải tăng gấp hơn 5 lần so với hiện tại nhằm thực hiện những cắt giảm cần thiết trong thập kỷ tới vì mục tiêu 1,5°C.
2020 là một năm quan trọng đối với hành động chống biến đổi khí hậu khi diễn ra hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc tại Glasgow nhằm xác định tiến trình nỗ lực trong tương lai để ngăn chặn khủng hoảng và các nước được mong đợi sẽ đẩy mạnh đáng kể các cam kết về chống biến đổi khí hậu của họ.
“Việc chúng ta đã thất bại trong hành động sớm và kiên quyết trong chống biến đổi khí hậu có nghĩa là bây giờ chúng ta bây giờ phải giảm thiểu lượng phát thải – hơn 7% mỗi năm, nếu chúng ta chia đều mức này trong thập kỷ tới”, theo Inger Andersen, Giám đốc điều hành của UNEP. “Điều này chỉ ra rằng các quốc gia không thể đơn giản đợi đến cuối năm 2020 khi đến hạn thực hiện các cam kết khí hậu mới thì mới đẩy mạnh hành động. Họ – và mọi thành phố, khu vực, doanh nghiệp và cá nhân – cần phải hành động ngay”.
“Chúng ta cần nhanh chóng đạt được mức giảm phát thải càng nhiều càng tốt vào năm 2020, sau đó là những cam kết mạnh mẽ hơn trong Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) để khởi động những chuyển đổi cơ bản về kinh tế và xã hội. Chúng ta cần phải đẩy nhanh hành động để bù lại những năm mà chúng ta còn chần chừ”, bà bổ sung. “Nếu chúng ta không thực hiện điều này, mục tiêu 1,5°C sẽ ngoài tầm với trước năm 2030”.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) mới đây đã cảnh báo rằng việc vượt quá ngưỡng 1.5°C sẽ làm tăng tần suất và cường độ của những tác động do biến đổi khí hậu gây ra, ví dụ sóng nhiệt và bão đã diễn ra trên toàn cầu trong vài năm qua.
Các quốc gia G20 cùng chiếm khoảng 78% tổng lượng phát thải, nhưng chỉ 5 nước thành viên G20 cam kết đưa phát thải về mức bằng không trong dài hạn.
Trong ngắn hạn, các nước phát triển sẽ phải giảm phát thải nhanh hơn các nước đang phát triển, vì những lý do công bằng và hợp lý. Tuy nhiên, tất cả các nước sẽ cần đóng góp nhiều hơn để đạt được những hiệu quả chung. Các nước đang phát triển có thể học hỏi từ những nỗ lực thành công ở các nước phát triển, họ thậm chí có thể vượt lên trên các nước phát triển và áp dụng các công nghệ sạch với tốc độ nhanh hơn.
Điều quan trọng, báo cáo cho biết tất cả các quốc gia phải tăng mục tiêu của họ trong NDC, như những cam kết Paris được biết đến, vào năm 2020 và đưa ra những chính sách và chiến lược để thực hiện chúng. Các giải pháp có sẵn có thể giúp cho việc thực hiện các mục tiêu trong Hiệp định Paris là khả thi, nhưng chúng được triển khai chưa đủ nhanh hoặc ở một quy mô chưa đủ lớn.
Mỗi năm, Báo cáo Khoảng cách Phát thải đánh giá khoảng cách giữa lượng phát thải dự kiến vào năm 2030 và các mức độ phù hợp với mục tiêu 1,5°C và 2°C của Thỏa thuận Paris. Báo cáo đã chỉ ra rằng khí nhà kính đã tăng 1,5% mỗi năm trong thập kỷ trước. Lượng phát thải năm 2018, bao gồm những thay đổi trong sử dụng đất như phá rừng, đã đạt ngưỡng mới tương đương 55,3 gigaton CO2.
Để hạn chế tăng nhiệt độ, lượng phát thải hàng năm vào năm 2030 phải thấp hơn tương đương 15 gigaton CO2 so với những cam kết không điều kiện trong các NDC hiện tại nhằm thực hiện mục tiêu 2°C; lượng phát thải cần thấp hơn 32 gigaton cho mục tiêu 1,5°C. Tính theo năm thì điều này có nghĩa là cần cắt giảm phát thải 7,6% mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2030 để đáp ứng mục tiêu 1,5°C và 2,7% mỗi năm cho mục tiêu 2°C.
Để thực hiện các mức cắt giảm này, các mục tiêu đưa ra trong NDC phải tăng ít nhất 5 lần cho mục tiêu 1,5°C và 3 lần cho 2°C.
Theo báo cáo, biến đổi khí hậu vẫn có thể được giới hạn đến 1,5°C. Ngày càng có nhiều sự hiểu biết về những lợi ích bổ sung của hành động chống biến đổi khí hậu – ví dụ như không khí sạch và sự đẩy mạnh Các mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Có nhiều nỗ lực đầy tham vọng từ các chính phủ, thành phố, các doanh nghiệp và những nhà đầu tư. Các giải pháp, những áp lực và ý chí thực hiện chúng, rất phong phú.
Như vẫn thực hiện hàng năm, báo cáo tập trung vào tiềm năng của những lĩnh vực được lựa chọn để thực hiện việc cắt giảm phát thải. Năm nay, báo cáo tập trung vào sự chuyển đổi năng lượng và tiềm năng hiệu quả trong việc sử dụng các nguyên liệu, điều có thể mất nhiều thời gian để thu hẹp khoảng cách phát thải.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()