Giảm thiệt hại tôm nuôi do thời tiết nắng nóng
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cả nước bắt đầu bước vào đợt nắng nóng diện rộng đầu tiên của năm 2025, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi tới 38-39 độ C. Trước tác động bất lợi của thời tiết, các cơ quan chức năng cùng người dân đang khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để ứng phó hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trên tôm nuôi...

Từ đầu tháng 4 đến nay, tại các huyện ven biển Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành và thị xã Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh, nhiệt độ trong ngày chênh lệch lớn, đã ảnh hưởng xấu đến môi trường nước, khiến hơn 454ha nuôi tôm bị thiệt hại với số lượng gần 270 triệu con. Theo Chi cục Thủy sản, Kiểm ngư và Biển đảo (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh), lượng tôm bị thiệt hại hầu hết trong giai đoạn 20-45 ngày tuổi được nuôi theo mô hình thâm canh, bị nhiễm các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, bệnh đường ruột...
Thời điểm này cũng là lúc hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vào vụ thu hoạch tôm nuôi đầu tiên của năm 2025, với sản lượng đã thu hoạch hơn 13.300 tấn. Trong đó sản lượng tôm thẻ chân trắng thu hoạch gần 12.500 tấn, cho lãi cao nhờ giá tôm nguyên liệu đang tăng. Tuy nhiên, trước những diễn biến khắc nghiệt của thời tiết, nhiều người dân khá lo lắng cho các lứa tôm tiếp theo.

Thời tiết bất lợi cũng khiến người nuôi tôm ở một số xã như Tam Giang, Tam Tiến của huyện Núi Thành (Quảng Nam) bị thiệt hại. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tam Tiến Nguyễn Xuân Uy cho biết, hiện toàn xã có 370ha ao nuôi tôm, trong đó ao nuôi lót bạt 40ha, ao nuôi vùng triều 330ha. Những ngày qua, thời tiết thay đổi thất thường là nguyên nhân chính khiến tôm nuôi chết hàng loạt, gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế người dân.
Thời tiết oi bức cũng khiến các loại cây cỏ thủy sinh trong ao bị chết, gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hạ Vàng (Hà Tĩnh) Nguyễn Văn Hòa cho biết, thời điểm này, những bệnh thường xuất hiện trên tôm là bệnh đốm trắng, hồng thân, hoại tử cơ và đục cơ. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp nhằm ổn định các yếu tố môi trường nước để tôm sinh trưởng, phát triển thuận lợi luôn được đặt lên hàng đầu.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 140.000ha nuôi tôm, sản lượng hằng năm đóng góp từ 20-21% tổng sản lượng tôm nuôi toàn quốc. Năm 2025, tỉnh đề ra chỉ tiêu xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD. Trước những tác động bất lợi của thời tiết, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bạc Liêu đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Bạc Liêu chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường bám sát địa bàn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân để chủ động bảo vệ diện tích đã thả nuôi một cách hiệu quả, hạn chế rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra.
Huyện Hồng Dân là địa bàn trọng điểm thực hiện mô hình tôm-lúa của tỉnh Bạc Liêu với gần 26.000ha đang có tôm nuôi. Giám đốc Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Hồng Dân Sử An Bình cho biết, Trung tâm đã khuyến cáo người nuôi tôm giảm thiểu tình trạng tôm chết do nắng nóng bằng cách giữ nước mặt trên trảng ruộng từ 0,5m, giữ mực nước mương bao bảo đảm từ 1,2m trở lên.
Định kỳ mỗi tuần một lần, kiểm tra các yếu tố môi trường nước như nhiệt độ, độ mặn, độ pH và oxy để xử lý kịp thời. Ngoài ra, trong điều kiện nắng nóng cao độ, người nuôi cần tăng cường sử dụng vi sinh xử lý cải tạo môi trường vuông nuôi, bổ sung vitamin, khoáng chất... nhằm tăng sức đề kháng cho tôm chống chọi dịch bệnh.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các đơn vị chức năng tại các huyện ven biển tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ thời tiết, môi trường, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nông dân nuôi tôm thường xuyên theo dõi, quan trắc nguồn nước cấp, nước trong ao nuôi, vận hành tốt hệ thống quạt, bảo đảm lượng oxy cần thiết trong vùng nuôi. Đối với diện tích tôm nuôi bị thiệt hại, yêu cầu hộ nông dân không xả nước thải chưa qua xử lý và không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường, vệ sinh ao nuôi đúng kỹ thuật, bảo đảm tiêu diệt mầm bệnh.
Để ứng phó nắng nóng gay gắt, các chuyên gia nuôi trồng thủy sản cũng khuyến cáo người nuôi cho tôm ăn với khẩu phần và chế độ phù hợp theo kích cỡ và mật độ nuôi, giảm từ 15-30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng; bổ sung vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa để tôm tăng sức đề kháng.
Duy trì các yếu tố môi trường trong ngưỡng thích hợp, giữ mực nước trong ao tối thiểu từ 1,3-1,5m, bổ sung oxy hòa tan, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước và đáy ao nuôi. Với những hộ có điều kiện, có thể đầu tư lưới che cách mặt nước từ 0,8-1m nhằm giảm ánh nắng tác động trực tiếp lên ao nuôi.

Ý kiến ()