Giảm tác động của dịch bệnh tới bất động sản
Khách hàng tìm hiểu thông tin về bất động sản.
Thị trường ảm đạm
Ðây là nhận định chung của nhiều chuyên gia khi đánh giá về tình hình thị trường BÐS hiện nay. Bằng chứng là tất cả các sự kiện tập trung đông người để quảng bá tiếp thị, bán hàng đều bị hủy bỏ. Thị trường BÐS du lịch nghỉ dưỡng và cho thuê dường như bị ảnh hưởng nặng nề nhất, giao dịch và đặt chỗ nhiều khu nghỉ dưỡng giảm sâu, tình trạng các mặt bằng tại khối đế tòa nhà cao tầng và nhiều nhà mặt phố cho thuê bị khách hàng trả lại do không thể duy trì khả năng sinh lời trong điều kiện hiện nay…
Các DN BÐS đành phải xoay xở bằng nhiều cách khác nhau để duy trì hoạt động. Tổng Giám đốc Công ty BÐS Viettin Real (TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Thế Mai cho biết, đầu năm 2019, công ty có đến 400 nhân viên kinh doanh thì nay đã cho nghỉ hết, chỉ còn lại dàn lãnh đạo công ty. Tình hình thị trường BÐS đang rơi vào tình trạng hết sức khó khăn, từ đầu năm đến nay, công ty gần như không có hoạt động mua bán gì. Công ty đang tìm hướng đầu tư sang các lĩnh vực khác để duy trì hoạt động. Tình trạng cắt giảm nhân sự, đóng cửa các sàn giao dịch BÐS cũng đang diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp khác. Ðơn cử như Tập đoàn Trần Anh, một tập đoàn BÐS lớn ở Long An, vừa là chủ đầu tư hàng loạt dự án, vừa quản lý 12 sàn giao dịch BÐS nhưng hiện nay đã đóng cửa bốn sàn vì không có khách, không bán được hàng. Một số đơn vị khác thậm chí còn dừng mọi hoạt động liên quan đến BÐS, chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác như: trái cây, lúa gạo…
Theo Chủ tịch Hiệp hội BÐS thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, có bốn áp lực mà thị trường đang gặp phải trong thời điểm dịch Covid-19. Thứ nhất, dịch bệnh làm gián đoạn, đảo lộn các mặt hoạt động của DN BÐS. Các hoạt động tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng đều là những khâu rất quan trọng trong dây chuyền sản xuất, kinh doanh đặc thù của ngành địa ốc cũng bị đảo lộn và hạn chế. Thứ hai, Covid-19 đang làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể khiến nhiều DN bị mất thanh khoản về dòng tiền khi tồn kho tăng cao và nợ đọng lớn dần. Thứ ba, dịch làm tăng chi phí đầu tư, tăng chi phí vốn và lãi vay kéo theo nguy cơ các khoản nợ bị chuyển thành nợ xấu. Chi phí quản lý DN cũng tăng cao so với doanh thu và lợi nhuận thấp ở giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các DN BÐS có quy mô càng lớn và càng nhiều lao động thì chi phí càng lớn, khó khăn càng cao. Cuối cùng, dịch bệnh làm tăng nguy cơ thua lỗ, phá sản. Thị trường BÐS đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong hai năm qua, nay thêm ảnh hưởng của dịch bệnh lại rơi vào tình thế khó chồng khó.
Nỗ lực từ nhiều phía
Vừa qua, Chính phủ đã có nhiều động thái tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nói chung. Chủ tịch Hiệp hội BÐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho rằng, đây là “liều thuốc” cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay và cũng là cố gắng lớn khi nguồn lực trong nước còn hạn chế. BÐS là lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành nghề kinh doanh khác và là một trong những đòn bẩy quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, tháo gỡ cho lĩnh vực này sẽ góp phần lan tỏa rất lớn. Việc cần làm là sớm triển khai nguồn hỗ trợ đến các DN, trong đó có DN BÐS. “Chủ trương đã có, nhưng công tác triển khai thực hiện chưa tốt sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách. Nhiều đơn vị kinh doanh BÐS đành “nằm im” chịu trận và rất mong ngóng bước đột phá trong chính sách hỗ trợ”, ông Nam nhận định. Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, bên cạnh gói hỗ trợ tổng thể của Chính phủ, Bộ đang tập hợp ý kiến của các bên để đề xuất các giải pháp hỗ trợ riêng cho BÐS. Trong đó, nghiên cứu đề xuất tăng cường, bổ sung thêm vốn cho nhà ở xã hội, tương tự như gói 30 nghìn tỷ đồng trước đây; đề xuất ngân hàng chính sách và thương mại được cấp bù lãi suất và khi nhà ở xã hội phát triển, sẽ thúc đẩy các thị trường khác, góp phần duy trì sự ổn định của thị trường BÐS.
Trước những khó khăn này, HoREA đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị bổ sung DN BÐS là đối tượng được xem xét gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng vào dự thảo nghị định của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; xem xét chỉ đạo BHXH Việt Nam gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ BHXH của DN; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển sang nhóm nợ xấu đối với các khoản nợ đến hạn của DN; tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp. Theo ông Châu, dịch Covid-19 trước mắt đã gây ảnh hưởng nặng đến hầu hết các hoạt động kinh tế – xã hội, trong đó có thị trường BÐS. Tuy nhiên, đây lại chính là cơ hội để thanh lọc thị trường; là giai đoạn thích hợp để các DN dừng lại quan sát, tìm ra những thiếu sót trong thời gian qua để từ đó cơ cấu lại hoạt động, chuẩn bị cho những bước đi kế tiếp. Ðồng thời, các DN cũng có thể linh động chuyển đổi sang các hình thức hoạt động phù hợp. Thí dụ như hoạt động bán hàng có thể chuyển sang hình thức qua mạng (online), vừa tránh được lây lan dịch bệnh, vừa bảo đảm cho khách hàng có thể yên tâm giao dịch an toàn. Về mặt tích cực, đây có thể xem như một cuộc sàng lọc giúp thị trường nhà đất trở nên “khỏe mạnh”, giữ lại những DN có đủ thực lực, giỏi lèo lái trước sóng gió.
Tổng Giám đốc Phú Vinh Group Phan Công Chánh cũng cho rằng, để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, các nhà đầu tư cá nhân cần cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình. Nếu không dư giả tài chính, nhà đầu tư chỉ nên chọn giữ lại sản phẩm tốt nhất có trong danh mục đầu tư. Với các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính từ ngân hàng càng phải cẩn trọng hơn, nếu chịu sức ép tài chính quá lớn, cần có chiến lược bán hàng hợp lý để cầm cự qua giai đoạn khó khăn. “Hiện nay đang là thời điểm đòi hỏi sự quyết đoán, dũng cảm của các nhà đầu tư, không nên cố gắng giữ lại tất cả các BÐS bằng mọi cách mà đôi khi “buông bỏ” mới là giải pháp khôn ngoan”, ông Chánh đưa ra lời khuyên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()