Giảm sức ép từ phát triển du lịch tới di sản
Du khách tham quan khu phố cổ Hội An (Quảng Nam). |
Lâu nay, du lịch và di sản luôn được nhìn nhận trong mối quan hệ hai chiều: Di sản là tài nguyên vô giá để phát triển du lịch; và ngược lại, phát triển du lịch tạo điều kiện quảng bá, phục hồi, phát huy tốt hơn giá trị di sản. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động du lịch thời gian qua, dễ nhận thấy phần “thua thiệt” thường thuộc về di sản, khi mà sự tăng trưởng du lịch quá nhanh, đã và đang gây nhiều sức ép lên di sản, nhất là tại những nơi du lịch phát triển “nóng”.
Di sản kêu cứu
Mới đây, tại Tọa đàm “Du lịch Hội An hội nhập và phát triển bền vững” do UBND thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức, nhiều con số được đưa ra khiến các đại biểu tham dự không khỏi lo ngại. Từ một khu phố nhỏ nằm phía tả ngạn sông Thu Bồn, nay Hội An đã trở thành điểm đến của bốn triệu lượt du khách mỗi năm, trong khi dân số thành phố là hơn 92 nghìn người, tức mỗi người dân tiếp đón trung bình hơn bốn lượt khách. Hội An gặp không ít sức ép từ hoạt động du lịch với sự gia tăng nhanh các công trình xây dựng mới trong vùng đệm gần đô thị cổ nhằm đáp ứng nhu cầu của lượng khách đổ về. Theo báo cáo từ Phòng Văn hóa thông tin TP Hội An, năm 2013, lượng du khách tới đây mới chỉ hơn 1,6 triệu lượt; nhưng đến năm 2017, con số này đã tăng hơn hai lần với 3,3 triệu lượt. Chín tháng đầu năm 2018, khách quốc tế đến Hội An đã nhiều hơn tổng lượng khách tới đây năm 2017 (3,4 triệu lượt trên tổng số 4,55 triệu lượt du khách). Sự tăng trưởng quá nóng trong khi cơ sở hạ tầng phát triển chưa tương xứng khiến đô thị cổ Hội An quá tải, chất lượng dịch vụ du lịch không được bảo đảm. Ðây cũng là nguyên nhân dẫn đến hệ quả, dù lượng khách tăng nhanh nhưng thị trường khách quốc tế truyền thống có mức chi tiêu cao đến từ châu Âu, Bắc Mỹ lại sụt giảm mạnh; tỷ lệ khách quay lại thấp với mức bình quân lưu trú không tăng. Nhiều chuyên gia lo ngại, khi Hội An đang dần trở thành điểm đến của những tua giá rẻ 0 đồng… Bên cạnh đó, hiện tượng thay đổi chủ sở hữu của các di tích tư nhân đi kèm hoạt động sửa chữa, cải tạo nhằm mục đích thương mại du lịch diễn ra mạnh mẽ cũng đang khiến di sản Hội An dần biến dạng… Những điều này đe dọa trực tiếp sự phát triển bền vững của đô thị cổ. Ðây không chỉ là câu chuyện của riêng Hội An mà còn của nhiều di sản khác trên cả nước, nhất là ở những nơi chịu sức ép lớn từ tăng trưởng “nóng” du lịch.
Tiêu biểu phải nói đến Huế (Thừa Thiên – Huế), cố đô nổi tiếng của cả nước sở hữu quỹ kiến trúc di sản giàu có bậc nhất nhưng cũng phải đối mặt những thách thức to lớn trước sự phát triển du lịch. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng, cao ốc hóa khu vực bờ nam sông Hương với nhiều khách sạn, trung tâm thương mại… gây áp lực lớn tới khu đô thị cổ và những lăng tẩm, miếu, đền dọc bờ sông. Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là thí dụ không vui khác về sức ép của du lịch tới di sản khi mà không dưới một lần, UNESCO phải báo động về sự phát triển ồ ạt của các hạng mục kinh tế, du lịch làm thay đổi cảnh quan, môi trường nơi đây. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày cảng Tuần Châu đón gần mười nghìn lượt khách du lịch, những ngày cao điểm, con số này có thể lên tới gần 30 nghìn lượt. Lượng khách quá đông, tập trung cục bộ tại một số điểm, tuyến du lịch gây vượt ngưỡng chịu tải của các điểm tham quan tiêu biểu như: động Thiên Cung, hang Ðầu Gỗ, Sửng Sốt…, làm ảnh hưởng vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ của các hang động, thay đổi tập tính sinh hoạt của các loài vi sinh vật trên Vịnh, gây nhiều thách thức cho công tác bảo tồn di sản. Thời gian qua, dư luận bày tỏ lo ngại trước nguy cơ xâm lấn của du lịch, khi mà phút chốc, những công trình đồ sộ không phép bỗng xuất hiện ngay giữa lòng di sản. Cùng với những tác động về cảnh quan, môi trường tự nhiên, sự phát triển du lịch ồ ạt cũng làm phai mờ những giá trị văn hóa mang tính bản địa bởi nhiều cộng đồng dân cư sống trong di sản tự thay đổi hành vi, tập quán để phù hợp thị hiếu du khách, dẫn đến mất bản sắc. Ðó là thực trạng du lịch Sa Pa (Lào Cai), Ðồng Văn (Hà Giang)… thời gian gần đây, khi mà những nét văn hóa đặc sắc của các tộc người dân tộc thiểu số đang bị pha tạp, lai căng và mai một… Trong cuộc đua vì mục tiêu tăng trưởng, ở một số nơi, tầm quan trọng của di sản chưa được nhìn nhận đúng mực. Và nếu không có ứng xử thận trọng với di sản, rõ ràng, cả du lịch và di sản đều không thể phát triển bền vững.
Không thể đánh đổi di sản
Di sản vốn nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Tính chất này càng tăng lên trong xu hướng du lịch tăng trưởng mạnh, nhất là khi hiện nay du lịch đại trà đã và đang gây ra những tác động nhiều mặt tới tính nguyên vẹn của di sản như: thương mại hóa di sản, quá tải về lượng khách, phục dựng di sản sai quy cách… Do đó, để các giá trị không xung đột hay loại trừ nhau, cần có tiếng nói đồng điệu giữa bảo tồn và phát triển. Ðây là nguyên lý dễ nhận diện nhưng thực hiện không đơn giản.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu: cần có chiến lược phát triển du lịch văn hóa phù hợp, trong đó lựa chọn sản phẩm du lịch dựa trên phát huy giá trị di sản văn hóa; phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng. Hoạt động du lịch và các hoạt động dân sinh khác trong lòng di sản cần được định hướng một cách bền vững với những quy định chi tiết về quy tắc ứng xử với di sản: Những gì được làm, không được làm, những gì nên hoặc không nên làm. Bên cạnh đó, phải kiểm soát nghiêm ngặt tác động về sức chứa, loại hình hoạt động và cân bằng nhịp sống của hệ sinh thái tại di sản; khuyến khích cộng đồng địa phương chủ động tham gia quản lý di sản trên cơ sở gắn lợi ích của cộng đồng địa phương với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Thời gian qua, với tư duy phát triển du lịch kiểu “ăn xổi”, nhiều dự án thành hình rồi mới được đưa ra mổ xẻ về những tác động tiêu cực tới di sản. Ðiều này cho thấy sự hạn chế trong quản lý nhà nước về du lịch và di sản, cùng sự lỏng lẻo trong công tác phối hợp giữa những người làm du lịch và những người hoạt động trong lĩnh vực di sản. GS, TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho rằng: Một trong những yếu tố quan trọng là cần xác định trách nhiệm cụ thể của các ngành, các cấp trong công tác quản lý, nhất là với các hoạt động chỉ đạo, điều phối và kiểm soát để vừa bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường, vừa khai thác kinh doanh du lịch hiệu quả; có thế mới từng bước ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng lộn xộn, chồng chéo, tranh giành các quyền lợi, nhưng lại đùn đẩy, né tránh trách nhiệm quản lý giữa các ngành, cấp khi có vấn đề xảy ra.
Công ước quốc tế về du lịch văn hóa được ICOMOS – Hội đồng Di tích và di chỉ quốc tế (thuộc UNESCO) thông qua năm 1999 đã đưa ra sáu nguyên tắc về quản lý du lịch ở những nơi có di sản quan trọng. Trong đó, nguyên tắc thứ hai của Công ước đặc biệt nhấn mạnh mối quan hệ giữa di sản và du lịch, khẳng định đây là mối quan hệ có tính động và có thể có giá trị xung đột nhau, đòi hỏi phải được quản lý bền vững. Nguyên tắc khẳng định: Các dự án phát triển du lịch và xây dựng cấu trúc hạ tầng phải lưu ý đến phương diện thẩm mỹ, xã hội và văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, đặc trưng đa dạng sinh học, ưu tiên sử dụng vật liệu địa phương, phong cách kiến trúc địa phương, truyền thống bản xứ. Trước khi địa điểm di sản được xúc tiến hoặc phát triển cho du lịch mở rộng, các dự án phải đánh giá giá trị thiên nhiên và văn hóa của nguồn lực, xác lập thỏa đáng những giới hạn thay đổi có thể chấp nhận được, nhất là về tác động của số lượng khách tham quan lên các đặc trưng hình thể, tính toàn vẹn, sinh thái và tính đa dạng sinh học của địa điểm, sự lui tới của người địa phương, hệ thống vận tải và phúc lợi xã hội, kinh tế và văn hóa của cộng đồng chủ nhà. Nếu mức độ có khả năng thay đổi mà không chấp nhận được thì dự án phát triển phải thay đổi. Phải có những chương trình tiếp theo để đánh giá những tác động tiến bộ của hoạt động và phát triển du lịch trên một địa điểm hoặc một cộng đồng… Nếu nguyên tắc này được tuân thủ nghiêm, chắc hẳn đã và sẽ không còn tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong mối quan hệ giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Ý kiến ()