Giảm sinh bền vững- thách thức trong việc thực hiện Chiến lược dân số
LSO-Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, Lạng Sơn đã giành được những kết quả to lớn trong công tác Dân số-KHHGĐ và đã đạt dưới mức sinh thay thế vào năm 2011.
LSO-Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, Lạng Sơn đã giành được những kết quả to lớn trong công tác Dân số-KHHGĐ và đã đạt dưới mức sinh thay thế vào năm 2011. Song năm 2012, tổng số trẻ em sinh ra là 13.150 trẻ, tăng trên 10% so với năm 2011- mức tăng cao nhất trong 10 năm qua…
Truyền thông công tác dân số KHHGĐ ở vùng đồng bào Dao xã Tân Tri (Bắc Sơn) |
Lý giải về vấn đề này, bà Đỗ Thị Thêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số/KHHGĐ cho rằng có những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, mức sinh của Lạng Sơn rất cao. Đến nay “lớp” người này đã bước vào độ tuổi sinh đẻ, tuy họ vẫn thực hiện tốt chính sách dân số/KHHGĐ (mỗi cặp vợ chồng sinh từ 1 đến 2 con), nhưng số sinh tuyệt đối trên địa bàn tỉnh vẫn tăng cao. Phong tục tập quán của người dân còn rất nặng về tư tưởng phải có con trai và sinh con vào những năm “đẹp” (Đinh, Nhâm, Quý, Giáp). Về nguyên nhân chủ quan, do biến động của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và tư tưởng chưa yên tâm với công việc của đội ngũ tuyên truyền viên dân số- lực lượng “xung kích” trong công tác tuyên truyền và dịch vụ, nên việc tuyên truyền vận động chưa thật sự kịp thời, một số địa phương có tình trạng buông lỏng tuyên truyền, yếu kém trong dịch vụ. Nguồn viện trợ cho công tác KHHGĐ bị cắt giảm, do đó có sự chuyển dịch dần từ cung cấp các phương tiện tránh thai (PTTT) miễn phí sang tự chi trả nên đã giảm tỷ lệ người dân lựa chọn các biện pháp tránh thai (BPTT).
Cùng với tổng số sinh tăng cao, việc mất cân bằng giới tính khi sinh có giảm so với năm 2011, song vẫn ở mức nghiêm trọng (114 bé trai/100 bé gái), tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên là 6,2% có giảm song chưa đáng kể. Do công tác an sinh xã hội chưa thật đảm bảo, nhất là khu vực nông thôn đã tác động mạnh đến chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh và tình trạng sinh con thứ ba trở lên. Từ thực tế đó, hình thành tâm lý xã hội là phải có con trai ngay ở khu vực thành thị và một bộ phận cán bộ công chức viên chức. Từ những nguyên nhân đó, Chi cục Dân số/KHHGĐ Lạng Sơn nhận định rằng, số sinh sẽ tăng trong năm 2013 và sẽ còn tăng trong năm 2014, dẫn tới nguy cơ “phá vỡ” những mục tiêu trong Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011-2015. Đây chính là thách thức đối với nhưng người làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở. Bước vào năm thứ 3- năm bản lề thực hiện Kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015, ngành dân số Lạng Sơn đứng trước những thuận lợi cơ bản. Đó là Nghị quyết số 47-NQ/TW, ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số/KHHGĐ” được quán triệt sâu hơn, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở đối với công tác dân số/KHHGĐ cao hơn; vì chính thực hiện tốt Nghị quyết này là đã thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đẩy nhanh tiến trình giảm nghèo ở từng địa phương. Các nghị quyết, quyết định, kế hoạch của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã và đang được triển khai một cách có hiệu quả; nhất là Quyết định số 21, ngày 29/8/2008 của UBND tỉnh ban hành Quy định một số chính sách dân số/KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Quyết định số 22, ngày 21/8/2012 của UBND tỉnh về chế độ phụ cấp đối với cộng tác viên dân số thôn bản, khối phố.
Để có thể khống chế mức sinh năm 2013, Ban chỉ đạo công tác dân số/KHHGĐ tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ giải pháp về lãnh đạo chỉ đạo; về công tác truyền thông và giáo dục thay đổi hành vi; công tác đảm bảo hậu cần, nâng cao chất lượng dịch vụ; nâng cao chất lượng hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành và tăng cường công tác kiểm tra giám sát. Trong đó, kế hoạch chiến dịch năm 2013 ở 70 xã vùng khó khăn vùng có mức sinh cao và làm lại đợt 2 đối với các xã không đạt chỉ tiêu giảm sinh được coi là “giải pháp mạnh” mang ý nghĩa quyết định đến việc giảm sinh. Song song với việc “khoanh vùng” đối tượng truyền thông, việc duy trì và mở rộng các mô hình can thiệp có tác dụng tốt đến việc điều chỉnh tâm lý, thay đổi hành vi của các đối tượng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số cấp xã được nâng cao năng lực và thu nhập, họ phấn khởi hơn và trách nhiệm hơn trong công việc; đội ngũ cộng tác viên đã được hưởng phụ cấp 0,15 mức lương tối thiểu chung là động lực để đội ngũ cộng tác viên nhiệt tình hơn trong công việc. Phát huy những thuận lợi đó, ngành dân số Lạng Sơn sẽ tự tin hơn khi đối mặt với những thách thức không nhỏ, tiếp tục “hạ nhiệt” vấn đề tăng dân số trong giai đoạn 2011-2015.
MINH HỒNG
Ý kiến ()