Giám sát trực tuyến phiên tòa: Góp phần nâng cao chất lượng xét xử
– Từ năm 2017 đến nay, việc giám sát trực tuyến phiên tòa (GSTTPT) được triển khai và phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng xét xử tại phiên tòa. Hai năm trở lại đây, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì việc GSTTPT càng có ý nghĩa thiết thực.
Bà Chu Lệ Hường, Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh cho biết: Để nâng cao chất lượng xét xử, từ năm 2017 đến nay, TAND tỉnh đã phối hợp với Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí triển khai lắp đặt hệ thống GSTTPT và lựa chọn các vụ án phức tạp, được dư luận quan tâm để truyền hình đến các điểm giám sát của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, VKSND tỉnh. Qua đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao kỹ năng, trình độ điều hành phiên tòa của thẩm phán (TP). Từ đó, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp.
Cán bộ Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh giám sát phiên tòa qua hệ thống trực tuyến (tháng 4/2021)
Đầu năm 2017, được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, TAND tỉnh đã phối hợp với VKSND tỉnh xây dựng phương án kỹ thuật, lập dự toán kinh phí thực hiện lắp đặt hệ thống GSTTPT tại 4 điểm quan sát (phòng giám sát của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Viện trưởng VKSND tỉnh, Chánh án TAND tỉnh) và 5 hội trường xét xử (2 hội trường TAND tỉnh, TAND thành phố Lạng Sơn và 2 huyện: Cao Lộc, Lộc Bình). Để nâng cao hiệu quả giám sát, tháng 6/2017, TAND tỉnh đã thành lập tổ GSTTPT và ban hành tiêu chí GSTTPT. Tổ GSTTPT tham gia giám sát 100% phiên tòa được lựa chọn về việc thực hiện các nội dung, tiêu chí theo quy định.
Sau năm đầu tiên vận hành (từ tháng 6/2017 đến 6/2018), TAND hai cấp trong tỉnh đã tổ chức, truyền hình trực tiếp đến các điểm giám sát 9 phiên tòa, giám sát nội bộ 237 phiên tòa. Qua giám sát cho thấy: các phiên tòa đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, hội trường xét xử được bố trí gọn gàng, sạch sẽ, đảm bảo tính trang nghiêm của phiên tòa, tính uy nghiêm của HĐXX. Với hiệu quả ban đầu đó, tháng 5/2019, TAND tỉnh tiếp tục đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống GSTTPT ở hội trường TAND các huyện còn lại.
Để tổ chức tốt việc GSTTPT, TAND tỉnh giao Văn phòng TAND tỉnh là đơn vị đầu mối quản lý, vận hành trang thiết bị. Căn cứ các vụ án đã thụ lý, văn phòng TAND tỉnh chủ động báo cáo chánh án lựa chọn phiên tòa, thông báo cho các đơn vị giám sát, đồng thời chủ động kết nối, kiểm tra thiết bị.
Cùng với đó, TAND hai cấp trong tỉnh đã tăng cường giám sát đối với phiên tòa của các TP còn hạn chế về kỹ năng xét xử, TP mới bổ nhiệm, TP trong diện quy hoạch chức danh lãnh đạo hoặc có kỹ năng xét xử tốt để nhân rộng.
Bà Hoàng Thị Thu Hường, Chánh án TAND huyện Văn Quan cho biết: Tôi được bổ nhiệm Chánh án TAND huyện từ tháng 4/2019. Trong năm đầu tiên, tôi tiến hành xét xử trên 30 phiên tòa thì có đến 23 phiên tòa được GSTT và nhận được nhiều ý kiến góp ý hữu ích từ lãnh đạo và đồng nghiệp để có thêm kinh nghiệm nâng cao chất lượng xét xử. Cùng với đó, hệ thống TAND huyện đã thường xuyên triển khai GSTTPT để nâng cao chất lượng điều hành phiên tòa của TP. Nhờ đó, chất lượng xét xử của TAND huyện ngày càng được nâng cao, không có án hủy, án sửa do nguyên nhân chủ quan.
Kết quả, từ năm 2017 đến nay, TAND tỉnh đã tổ chức, truyền hình trực tiếp đến các điểm giám sát 29 phiên tòa, giám sát nội bộ 1.887 phiên tòa. Qua giám sát, 100% các phiên tòa diễn ra đúng kế hoạch, chất lượng xét xử được nâng lên. HĐXX, thư ký tòa án, kiểm sát viên, cảnh sát bảo vệ phiên tòa tuân thủ các quy định pháp luật tại phòng xử án, thể hiện được sự trang nghiêm của phiên tòa.
Bà Hồ Thị Lan Anh, Viện trưởng VKSND tỉnh nhận định: Công tác GSTTPT thực sự là cơ hội tốt giúp cho cán bộ, công chức hai ngành được học tập, trao đổi, rút kinh nghiệm, đồng thời tạo điều kiện để các kiểm sát viên thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố tại phiên toà.
Thực tế trên cho thấy: GSTTPT đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng xét xử, kỹ năng điều hành phiên tòa của đội ngũ TP, phục vụ tốt công tác đánh giá cán bộ, công tác thi đua và hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của TAND hai cấp trong tỉnh. Năm 2021, TAND hai cấp trong tỉnh đã giải quyết 3.066/3.092 vụ việc, các loại đạt tỷ lệ 99,2% (tăng 704 vụ việc so với năm 2016). Chất lượng công tác xét xử tiếp tục được nâng lên, không có án oan hoặc bỏ lọt tội phạm, không có án quá hạn luật định, bản án tuyên không rõ ràng, khó thi hành…
Nội dung nhận xét, đánh giá GSTTPT gồm: cơ sở vật chất; hình thức của HĐXX, thư ký, kiểm sát viên; công tác chuẩn bị phiên tòa; diễn biến tại phiên tòa; việc điều hành phiên tòa của HĐXX, gồm: phần thủ tục bắt đầu, phần hỏi, phần tranh luận, việc áp dụng pháp luật của HĐXX, tuyên án, kết thúc phiên tòa. |
Ý kiến ()