Giám sát tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính tại Sở Tư pháp
Đồng chí Đoàn Thị Loan, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát kết luận buổi giám sát
– Sáng 31/5, tiếp tục chương trình giám sát, đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh do đồng chí Đoàn Thị Loan, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm trưởng đoàn giám sát chuyên đề tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) tại Sở Tư pháp. Đây là đơn vị cuối cùng đoàn giám sát trực tiếp.
Thời gian qua, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản để triển khai thi hành Luật Xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2022 đến ngày 31/3/2023, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức 1 hội nghị cấp tỉnh và 2 hội nghị cấp huyện triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành để bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về xử lý VPHC cho đội ngũ tham mưu về xử lý VPHC và những người có thẩm quyền xử phạt hành chính trên địa bàn tỉnh; biên soạn, phát hành 1.000 cuốn “Sổ tay Xử lý VPHC năm 2022”.
Trong kỳ báo cáo, tổng số vụ VPHC trên địa bàn tỉnh là 60.117 vụ, chủ yếu là vi phạm về các lĩnh vực: thương mại, thuế, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm; trật tự, an toàn giao thông, đất đai, xây dựng, môi trường, lâm nghiệp… Người có thẩm quyền đã ban hành 62.601 quyết định xử phạt VPHC; đã thi hành được 61.573/62.601 quyết định xử phạt VPHC (đạt 98,4%); tổng số tiền phạt thu được hơn 116 tỷ đồng; tổng số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu trên 60 tỷ đồng…
Lãnh đạo Sở Tư pháp làm rõ thêm vấn đề thành viên đoàn giám sát quan tâm
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề như: tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp; thực trạng một số quy định chồng chéo của pháp luật về xử lý VPHC; công tác tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng, nghiệp vụ; kiện toàn tổ chức, bộ máy, biên chế, chất lượng đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xử lý VPHC; xây dựng, bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện có liên quan đảm bảo thi hành pháp luật về xử lý VPHC; kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC…
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí trưởng đoàn giám sát đánh giá cao kết quả đạt được của Sở Tư pháp trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh triển khai công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC.
Đồng chí đề nghị: Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu các kỹ năng công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC; thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn nghiệp vụ, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về xử lý VPHC; tham mưu với UBND tỉnh bố trí kinh phí triển khai, áp dụng phần mềm xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh.
Kết quả của đợt giám sát là căn cứ để Ban Pháp chế HĐND tỉnh đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý Nhà nước về xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh; chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, nguyên nhân; trách nhiệm của các cấp, ngành… Từ đó kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về công tác này trong thời gian tới.
Ý kiến ()