Giám sát tình hình, kết quả thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, giai đoạn 2022 -2025 tại huyện Lộc Bình
- Chiều 14/10, Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Đinh Hữu Học, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn giám sát tình hình, kết quả thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, giai đoạn 2022 – 2025 tại huyện Lộc Bình.
Theo báo cáo, những năm qua, huyện Lộc Bình luôn quan tâm, chỉ đạo công tác phát triển du lịch; các chương trình, kế hoạch về phát triển du lịch được triển khai thực hiện kịp thời.
Cụ thể, ngày 14/12/2020, UBND huyện Lộc Bình đã ban hành quyết định số 6332/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Lộc Bình giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ được phân công tại đề án, kế hoạch của tỉnh, của huyện.
Huyện đã tập trung nguồn vốn đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác các tiềm năng du lịch. Từ năm 2022 đến nay, UBND huyện đã cân đối từ ngân sách huyện, các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn xã hội hoá để tu bổ, tôn tạo các di tích và xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch với kinh phí gần 29 tỷ đồng.
Hiện nay, huyện Lộc Bình có 4 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận (gồm thác Bản Khiếng, Linh địa cổ, núi Phặt Chỉ, trung tâm núi Mẫu Sơn); có 23 cơ sở lưu trú du lịch. Huyện cũng có 5 điểm nằm trong tuyến 4 vùng công viên địa chất gồm: điểm đứt gẫy xuyên thời gian xã Khánh Xuân; di tích đồn Pháp xã Mẫu Sơn; toàn cảnh Mẫu Sơn xã Mẫu Sơn; thế giới đầm hồ khu vực Trũng Na Dương, thị trấn Na Dương; Thác Bản Khiếng xã Mẫu Sơn và xã Hữu Khánh.
Từ năm 2022 đến hết tháng 6/2024, tổng lượng khách du lịch đến huyện ước đạt trên 710.000 lượt; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 407 tỷ đồng.
Một số sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện được hình thành và thu hút đông du khách như: nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, tắm thuốc, chữa bệnh; du lịch tham quan, trải nghiệm;...
Tại buổi giám sát, thành viên đoàn đã đề nghị đại diện các đơn vị có liên quan của huyện Lộc Bình làm rõ thêm một số vấn đề như: khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế, chính sách, thu hút, đầu tư về phát triển du lịch và nguồn nhân lực du lịch; công tác xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch và kết nối các thị trường du lịch; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; cơ sở hạ tầng du lịch; tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn…
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí trưởng đoàn đề nghị huyện Lộc Bình tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp triển khai hiệu quả đề án phát triển du lịch của tỉnh, của huyện.
Đồng thời, huyện cần chú trọng rà soát các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ của đề án, qua đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý các hoạt động du lịch; đặc biệt cần quản lý chặt chẽ khu vực đất đai đã được quy hoạch trên địa bàn; tập trung chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường tại các xã xây dựng nông thôn mới và các điểm du lịch; chú trọng công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích; quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; chuẩn bị tốt các điều kiện trong việc tham gia mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các địa điểm, các tour tuyến du lịch trên địa bàn và trong vùng công viên địa chất; đẩy mạnh triển khai việc phát triển du lịch cộng đồng…
Trước đó, đoàn đã khảo sát thực tế tại khu nhà trình tường (xã Khuất Xá) và Khu du lịch sinh thái thác Bản Khiếng (xã Hữu Khánh), huyện Lộc Bình.
Ý kiến ()