Giám sát những vấn đề từ cuộc sống
Ngay trong ngày họp đầu tiên của kỳ họp thứ ba, các đại biểu Quốc hội đã dành thời gian nghe đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2021 và bước đầu triển khai Chương trình giám sát năm 2022, nghe trình bày Tờ trình dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.
Các đại biểu cơ bản tán thành những nội dung đánh giá trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng tờ trình được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu; đồng thời nhất trí với đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2021, việc xây dựng chương trình và kết quả bước đầu thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 cũng như dự kiến Chương trình giám sát năm 2023.
Bên hành lang Quốc hội và thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm qua tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng thuận của cử tri, nhân dân cả nước và các cơ quan, địa phương. Đáng chú ý, vào tháng 11/2021, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc để triển khai chương trình giám sát chuyên đề.
Thực tế thời gian qua cho thấy, hoạt động giám sát chuyên đề có nhiều đổi mới, như: không xác định đơn vị được giám sát ngay từ đầu mà căn cứ vào báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát và kết quả giám sát của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội để từ đó lựa chọn đơn vị được giám sát. Công tác chuẩn bị giám sát kỹ lưỡng, chuẩn bị từ sớm, từ xa và có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm toán, thanh tra để nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề. Nhiều báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện các chương trình, dự án được dư luận xã hội và cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm được báo cáo tại kỳ họp để Quốc hội xem xét, thảo luận.
Một nội dung quan trọng của giám sát được thực hiện hiệu quả hơn, đó là thông qua giám sát đã kịp thời phát hiện và có các kiến nghị để phát huy điểm tích cực, điều chỉnh, bổ sung, giảm những hệ lụy nảy sinh từ chính sách và kịp thời chấn chỉnh những sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện. Các lĩnh vực được lựa chọn để đưa vào chất vấn các thành viên Chính phủ trong các kỳ họp qua đã đúng và trúng những vấn đề nóng, đã bám sát thực tiễn, hơi thở cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và cử tri.
Liên quan hoạt động giám sát và chất vấn, trong đó có nội dung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, vẫn còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, dẫn đến đơn thư nhiều, khiếu nại vượt cấp, đông người còn phức tạp. Đồng chí gợi ý Ban Dân nguyện có thể đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí phiên họp để chất vấn bộ trưởng, trưởng ngành và nếu cần thì mời cả chủ tịch UBND một số tỉnh, thành phố có nhiều đơn thư, nhiều vụ việc chưa được giải quyết… tham gia làm rõ những vấn đề đang vướng mắc.
Đây là một đề xuất nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và cần được nghiên cứu, xem xét để sớm triển khai trong thực tế; bởi đối với những vấn đề nóng, cấp bách, khó khăn ở cơ sở, chủ tịch UBND tỉnh là một trong những người đứng đầu nắm rõ nhất, hiểu sâu nhất.
Từ thực tế giám sát ở các tỉnh, thành phố, một số đại biểu Quốc hội cho biết, công tác giám sát luôn được các đại biểu dân cử quan tâm và mong muốn làm tốt. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp những khó khăn, hạn chế, như: số lượng chuyên gia ở địa phương liên quan lĩnh vực giám sát rất hạn chế; việc có được các tài liệu của kiểm toán, thanh tra ở địa phương còn rất khó khăn…
Đáng chú ý, một số vấn đề giám sát ở địa phương nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương mà thuộc thẩm quyền của trung ương, cho nên khó đưa ra kết luận. Do đó, cần có đề cương giám sát riêng cho địa phương, cho phép địa phương lựa chọn một số nội dung cụ thể trong nội dung chung của Đoàn giám sát phù hợp tình hình ở địa phương để tiến hành giám sát.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định tổ chức giám sát trong năm 2023 gồm: việc sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; các chương trình mục tiêu quốc gia; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021… Các nội dung được lựa chọn này là đúng, trúng, quan trọng, mang tính thời sự và đáp ứng mong muốn của cử tri, nhân dân.
Ý kiến ()