Giám sát người nguy cơ cao mắc COVID-19 trong cộng đồng ở Hải Dương
Với những khu vực xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, chính quyền địa phương phải đưa cách ly ngay tất cả những người tiếp xúc gần (F1) vào cơ sở cách ly tập trung ít nhất 14 ngày.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương đã lập kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 nhằm giám sát trọng điểm những người có nguy cơ cao mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Việc này trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục, gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện xác định mức độ nguy cơ ban đầu của địa phương mình theo bốn mức gồm nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ và mức độ bình thường mới; lập danh sách phân loại theo đối tượng lấy mẫu xét nghiệm theo hai nhóm là nguy cơ cao và có nguy cơ.
Nhóm người trong diện được giám sát phải khai báo y tế, báo ngay với cơ quan chức năng nếu ho, sốt, khó thở, tiếp xúc với người mắc COVID-19, đi về từ vùng dịch, địa phương đang thực hiện Chỉ thị 19/T-TTg, Chỉ thị 15/T-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các cơ quan chức năng sẽ xét nghiệm SARS-CoV-2 theo phương pháp chọn mẫu có chủ đích cho các nhóm thuộc diện giám sát trọng điểm để đánh giá các mức độ an toàn trong phòng, chống dịch bệnh và phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm trong cộng đồng; tổ chức xét nghiệm ngay bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên đối với những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở… khi họ đến khai báo y tế; lấy mẫu đơn cho các đối tượng này và những người tiếp xúc gần để xét nghiệm bằng phương pháp Realtime-PCR; lấy mẫu xét nghiệm gộp cho các đối tượng còn lại.
Đối với những khu vực xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, chính quyền địa phương phải đưa cách ly ngay tất cả những người tiếp xúc gần (F1) vào cơ sở cách ly tập trung ít nhất 14 ngày, kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh; đồng thời, bố trí, sắp xếp người cách ly vào phòng cách ly theo nguyên tắc phân loại theo nguy cơ. Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR tối thiểu 2 lần trong quá trình cách ly.
Đối với trường hợp đặc biệt, như người già, người bị hạn chế vận động, trẻ nhỏ, người bị bệnh hoặc sức khỏe yếu cần phải có người chăm sóc…, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện có thể quyết định hình thức cách ly tại nơi lưu trú, nhưng vẫn phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm vào ngày đầu và ngày kết thúc cách ly.
Đối với trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2), cơ quan chức năng tùy vào tình hình dịch tễ để đánh giá nguy cơ và lấy mẫu xét nghiệm và tổ chức cách ly tại nhà.
Ca bệnh nghi ngờ được phát hiện tại cộng đồng phải thực hiện Thông điệp 5K, tự cách ly tạm thời tại nhà, nơi lưu trú; lực lượng chức năng sẽ lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp Realtime-PCR và xử lý theo quy định khi có kết quả xét nghiệm.
Những người không có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định mà chỉ liên quan tại các sự kiện lớn tập trung đông người hoặc cùng trên một phương tiện giao thông thì cơ quan y tế sẽ thông báo bằng điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác để người có liên quan biết chủ động liên hệ với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn khai báo y tế, theo dõi sức khỏe, tổ chức cách ly và xét nghiệm phù hợp theo kết quả điều tra dịch tễ hoặc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh.
Tại những khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa) thì lực lượng chức năng lấy mẫu đơn xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 3-5 ngày/lần đối với những người trong cùng gia đình, ở cùng phòng/hộ gia đình; lấy mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình hoặc tất cả những người sống trong cùng nhà ở/hộ gia đình để xét nghiệm Realtime-PCR.
Ở khu vực nguy cơ cao thì lực lượng chức năng lấy mẫu gộp toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất nếu cần) tại nhà ở/hộ gia đình. Đồng thời, thực hiện xét nghiệm 3 ngày/ lần các trường hợp có nguy cơ cao tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu/cụm công nghiệp, người trực tiếp cung cấp các dịch vụ thiết yếu… Trong trường hợp cần thiết thì có thể mở rộng phạm vi, đối tượng xét nghiệm.
Khu vực không có ca bệnh trong cộng đồng thì cơ quan chức năng giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của nhà ở/hộ gia đình. Ở khu vực được đánh giá có nguy cơ cao thì cơ quan chức năng sẽ chọn từ 5-10% đối tượng trong tổng số người thuộc nhóm có nguy cơ, số lượng người được xét nghiệm tối đa 10.000-15.000 người/huyện, thị xã, thành phố; tần suất thực hiện 14-30 ngày/lần.
Tại khu vực được đánh giá có nguy cơ hoặc bình thường mới thì cơ quan chức năng chọn từ 5% trong tổng số người thuộc nhóm có nguy cơ, số lượng mẫu tối đa không quá 5.000 mẫu/huyện, thị xã, thành phố; tần suất thực hiện 1-2 tháng/lần.
Khi lấy mẫu xét nghiệm đồng thời cho nhiều người, trước khi tổ chức xét nghiệm thì cơ quan chức năng sẽ thông báo cho các nhóm người theo các khung thời gian và địa điểm xét nghiệm để tránh tập trung quá đông người tại cùng một thời điểm; bố trí khoảng cách phù hợp giữa các khu vực, vị trí của người đến xét nghiệm theo quy định phòng chống dịch, có đủ dung dịch sát khuẩn tay nhanh, khẩu trang; hướng dẫn người đến xét nghiệm tuân thủ Thông điệp 5K, hạn chế tối đa việc trò chuyện, tiếp xúc không cần thiết.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, ngày 14/8, địa phương ghi nhận thêm 3 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, gồm 2 trường hợp ở xã Gia Tân (huyện Gia Lộc) và 1 trường hợp ở xã Thái Tân (huyện Nam Sách).
Từ ngày 27/4 đến nay Hải Dương ghi nhận 163 trường hợp mắc COVID-19; trong đó có 63 bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Hải Dương hiện có 14.072 trường hợp đang được cách ly; trong đó, có 1.594 trường hợp được cách ly tập trung, 12.418 trường hợp tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú./.
Ý kiến ()