Giám sát, kiểm tra doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Bộ Nông nghiệp yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần tăng cập nhật quy định pháp luật đảm bảo an toàn thực phẩm và yêu cầu tại các Lệnh 248, 249 của Trung Quốc khi xuất sang thị trường này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Quản lý an toàn thực phẩm Bắc Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh về quản lý đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được thông báo của Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu kiểm tra theo hình thức trực tuyến 5 doanh nghiệp chế biến nước ép trái cây đông lạnh có lô hàng vi phạm quy định an toàn thực phẩm trong số 12 doanh nghiệp phía Trung Quốc đưa ra.
Theo các Lệnh 248 Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài và Lệnh 249 về Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sản phẩm nước ép trái cây không nằm trong Danh mục 18 nhóm sản phẩm phải đăng ký qua cơ quan thẩm quyền Việt Nam nên các doanh nghiệp chủ động đăng ký trực tiếp trên Hệ thống đăng ký trực tuyến https://cifer.singlewindow.cn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (CIFER).
Tuy nhiên, quy định tại Điều 12 Lệnh 248: Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia (khu vực) nơi đặt trụ sở hoặc doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, đầy đủ và hợp pháp của các tài liệu được nộp.
Qua rà soát 12 doanh nghiệp cho thấy một số doanh nghiệp có thông tin đăng ký với phía Trung Quốc không chính xác như chỉ có hoạt động thương mại không có hoạt động sản xuất, có lô hàng bị cảnh bảo vi phạm về an toàn thực phẩm.
Để chủ động trong đàm phán mở cửa thị trường và phối hợp với phía Trung Quốc xử lý các vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc đối với các doanh nghiệp sản xuất chế biến sản phẩm nước ép trái cây đông lạnh nói riêng và nông sản nói chung, các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngoài Danh mục 18 nhóm sản phẩm phải đăng ký qua cơ quan thẩm quyền Việt Nam.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị trên thống kê, cập nhật đầy đủ danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 38/2018/BNN-PTNT quy định về thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong trường hợp cần thiết, phối hợp với cơ quan quản lý, cấp đăng kinh doanh để đảm bảo cập nhật, thống kê đầy đủ và chính xác thông tin đối với các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Các đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến, cập nhật các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định của Việt Nam và các yêu cầu tại các Lệnh 248 và Lệnh 249 trong xuất khẩu nông lâm thủy sản vào Trung Quốc.
Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc sản phẩm ngoài Danh mục 18 nhóm sản phẩm phải đăng ký qua cơ quan thẩm quyền Việt Nam thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp bên cạnh việc đăng ký trực tiếp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đồng gửi hồ sơ đăng ký thông tin với cơ quan quản lý địa phương và Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản để phối hợp xử lý các vướng mắc theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các đơn vị giám sát, kiểm tra, thanh tra chặt chẽ (hậu kiểm) đối với các doanh nghiệp trong việc tuân thủ và duy trì đầy đủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm của Việt Nam và Trung Quốc; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành./.
Ý kiến ()