Giám sát dịch, truyền thông sâu phải gắn liền với kiểm soát tốt khâu kinh doanh
LSO-Với dịch cúm A/H5N6 đã xuất hiện trên đàn gia cầm ở huyện Tràng Định, ngành y tế đã có những biện pháp cụ thể trong công tác tuyên truyền, giám sát, song sự cần thiết phải có hành động kịp thời của các ngành, các địa phương trong công tác phòng dịch.
Giám đốc Sở Y tế và lãnh đạo các ngành kiểm tra điểm kinh doanh gia cầm tại chợ Giếng Vuông thành phố Lạng Sơn |
Thực hiện Công điện ngày 15/8/2014, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tăng cường hơn nữa công tác giám sát. Ngoài các điểm lấy mẫu thường xuyên như Trung tâm Y tế Cao Lộc 2 mẫu/ ngày, Bệnh viện Đa khoa 1 mẫu/ ngày để tập trung chuyển về Trung tâm cúm Quốc gia xét nghiệm theo tuần, Trung tâm YTDP đã chỉ đạo các bệnh viện cấp huyện, đặc biệt là huyện Tràng Định thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phổi nặng do vi rút có yếu tố dịch tễ tại xã Chi Lăng- nơi có vi rút H5N6 ở đàn gia cầm để gửi xét nghiệm kịp thời. Với những diễn biến phức tạp của cúm A H5N1, cúm A H5N6 và các loại dịch bệnh nguy hiểm do gia cầm lây sang người, ngành y tế đã đẩy mạnh công tác truyền thông bằng các hình thức như phát tờ rơi, truyền thông trực tiếp, phối hợp với thú y các địa phương hướng dẫn bà con vệ sinh trong chăn nuôi, đẩy mạnh tiêm phòng cho đàn gia cầm. Hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã biết rõ nguồn gốc và được nấu chín kỹ; khi có biểu hiện hoặc dấu hiệu của bệnh cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.
Trong 8 tháng đầu năm, cùng với việc chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống nhập lậu gia cầm từ Trung Quốc vào nội địa, UBND tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm dịch y tế quốc tế để phòng chống các bệnh truyền nhiễm xuyên quốc gia như các loại cúm A H1N1, H5N1, H7N9 và đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi như H5N6 và Ebola. Vì vậy, ngoài ổ dịch H5N6 tại 2 thôn của xã Chi Lăng (Tràng Định) đã được xử lý kịp thời, ở tỉnh ta chưa xảy ra thêm những ổ dịch H5N6 mới. Tuy vậy, nguy cơ từ H5N6 vẫn còn nguyên và có thể bùng phát bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu khi công tác vệ sinh môi trường chăn nuôi, điểm mua bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm… thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Chợ Giếng Vuông (thành phố Lạng Sơn) là điểm mua bán lớn với số lượng hàng vạn gia cầm mỗi ngày đêm, song trong đó có nhiều bất hợp lý liên quan tới công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh ATTP và phòng chống cúm AH5N6. Tiếp xúc với những người buôn bán gia cầm ở đây, chúng tôi ghi nhận ý thức của bà con trong việc tuân thủ nhưng quy định về buôn bán, giết mổ gia cầm. Chị Nguyễn Thị Tươi, một chủ hàng nói rằng: “ Hơn ai hết chúng em hiểu nguy cơ từ dịch cúm gia cầm đối với người trực tiếp kinh doanh buôn bán, nên mọi người đã hình thành ý thức “tự bảo vệ” bằng cách phải có trang phục bảo hộ trong khi tiếp xúc với gia cầm”. Bà Hoàng Thị Hiền, chủ hàng bên cạnh nói thêm: “Ở đây đã hình thành một “quy ước” không thành văn là không buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc, nhất là gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc, vì nếu 1 người buôn bán lậu, hậu quả sẽ có hàng trăm hộ bị ảnh hưởng cả uy tín lẫn nguy cơ nhiễm đàn gia cầm ở hàng của mình và bản thân mình.”. Ý thức của bà con là rất rõ, song cơ sở hạ tầng khu vực này rất thấp kém, sự bố trí lộn xộn các sạp hàng hóa từ gia cầm sống, đến giết mổ, sạp rau củ quả tươi, khô đến các sạp hàng khác… cái “mùi đặc trưng” của khu vực gia cầm không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường chợ mà còn tiềm ẩn nguy cơ lan bệnh cúm gia cầm ra toàn khu vực. Ngày 8/9/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cùng lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế đi kiểm tra và cho ý kiến là thành phố cần xây hàng rào quây riêng khu vực buôn bán giết mổ gia cầm này để vừa tiện cho việc vệ sinh tiêu độc khử trùng, tránh được ô nhiễm, vừa phòng tránh sự lây lan nếu có dịch bệnh xảy ra từ đàn gia cầm. Đây chính là giải pháp đơn giản, ít tốn kém và khá căn cơ cho việc phòng chống cúm gia cầm nói chung và cúm A/H5N6 nói riêng trên địa bàn sầm uất nhất thành phố này.
Lạng Sơn đã có kinh nghiệm trong công tác phòng chống các bệnh dịch nguy hiểm nói chung và phòng chống cúm gia cầm nói riêng. Công tác hậu cần đủ đảm bảo đáp ứng các tình huống xảy ra. Tuy vậy, quan trọng nhất vẫn là công tác ngăn chặn có hiệu quả gia cầm nhập lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc; tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng tránh từ người chăn nuôi đến người tiêu dùng. Song song với đó, cần từng bước cải thiện cơ sở hạ tầng tại những khu chợ có buôn bán kinh doanh gia cầm nhằm giảm thiểu ô nhiễm về môi trường và sự lây lan của dịch bệnh.
TRẦN KIM
Ý kiến ()