Giám sát để nâng cao chất lượng chương trình và sách giáo khoa phổ thông
Các đại biểu Quốc hội và cử tri đề nghị cần giám sát tối cao đối với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, nêu rõ thành tựu, hạn chế, yếu kém, để kiến nghị sửa đổi phù hợp, kịp thời.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề về: “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại phiên họp tháng 8/2023. (Ảnh: DUY LINH) |
Trong các kỳ họp gần đây của Quốc hội và các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ở một số tỉnh, thành phố cho biết: cử tri rất bức xúc vì nhiều chương trình giáo dục không phù hợp, nhiều bộ sách giáo khoa còn in sai, hình ảnh không chuẩn mực, có nhiều bộ sách được đề nghị lựa chọn gây lúng túng cho nhà trường cũng như phụ huynh. Trong đó, có thực trạng sách giáo khoa không sử dụng lại được gây khó khăn cho nhiều gia đình nghèo.
Vì thế, các đại biểu Quốc hội và cử tri đề nghị cần giám sát tối cao đối với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, nêu rõ thành tựu, hạn chế, yếu kém, để kiến nghị sửa đổi phù hợp, kịp thời.
Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã trình bày dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Ðoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Chủ trương giám sát lĩnh vực nêu trên là xuất phát từ yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của cử tri và đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội. Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông là nội dung cốt lõi trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông, có tầm quan trọng và ý nghĩa rất lớn.
Vì vậy, để có thể phân tích khoa học, xác định chính xác những nguyên nhân của hạn chế, bất cập thì quyết định lựa chọn giám sát những nội dung nào có vai trò rất quan trọng, tránh dàn trải, thiếu tập trung.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Ðắc Vinh, Phó trưởng đoàn Thường trực Ðoàn giám sát cho biết: Ðoàn sẽ đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2014-2022; đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đánh giá về hiệu quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (kết quả bước đầu, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và hướng khắc phục).
Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những bất cập, hạn chế trong chỉ đạo, tổ chức; rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp, kiến nghị trong thời gian tới.
Ðối tượng giám sát là Chính phủ; Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Chính quyền địa phương 63 tỉnh, thành phố; Các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Có thể thấy, nội dung và đối tượng giám sát lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là quan trọng và quy mô không nhỏ. Nhiều ý kiến đánh giá cao Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội, các thành viên Ðoàn giám sát, Tổ giúp việc chuẩn bị đầy đủ văn bản theo quy định, đồng thời đề nghị đoàn giám sát cần xác định rõ phạm vi, giai đoạn, đối tượng; căn cứ để đánh giá; nghiên cứu khảo sát phải chọn các điển hình, đặc thù… vùng kinh tế, xã hội khác nhau.
Bên cạnh đó, có thể thí điểm triển khai khảo sát ý kiến dư luận, nhằm nghiên cứu, đánh giá ý kiến của các bậc phụ huynh học sinh đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông…
Ý kiến ()