Giám sát của MTTQ Việt Nam phát hiện nhiều sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ
Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam gửi đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 về kết quả giám sát của MTTQ Việt Nam cho biết, từ sau kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, MTTQ Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc giám sát, phản biện xã hội trên nhiều lĩnh vực.
Vi phạm về thời hạn ban hành quyết định bổ nhiệm lại còn xảy ra phổ biến
Theo đó, qua giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam nổi lên một số vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm.
Cụ thể, đối với việc giám sát tuyển dụng cơ bản đúng quy trình theo quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về thời hạn ban hành quyết định bổ nhiệm lại còn xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là ở cấp tỉnh, với tỷ lệ tương đối cao (437/1.502 trường hợp, chiếm tỷ lệ 29,23%). Trong đó, có 21 tỉnh, thành có tỷ lệ vi phạm loại này chiếm từ 50% trở lên, cá biệt có địa phương 100% các trường hợp bổ nhiệm lại đều ban hành quyết định quá thời hạn. Nhiều trường hợp ban hành quyết định bổ nhiệm lại quá hạn nhiều tháng, thậm chí có một số trường hợp quá hạn nhiều năm.
“Việc này đã gây ra hệ quả pháp lý là các văn bản hành chính, hành vi hành chính của người được bổ nhiệm lại trong thời gian từ khi hết hiệu lực quyết định bổ nhiệm đến khi ban hành quyết định bổ nhiệm lại sẽ không có giá trị pháp lý theo quy định”, Báo cáo giám sát chỉ rõ.
Việc thực hiện công khai bản kê khai bằng hình thức niêm yết tại nơi làm việc của cơ quan, đơn vị, hồ sơ lưu trữ, danh sách người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản thu nhập lần đầu, các bản kê khai tài sản, việc giao nhận bản kê khai được thực hiện được lập đầy đủ. Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, việc làm và kê khai, công khai tài sản quy định về phòng, chống tham nhũng đã được triển khai nhưng chưa triệt để.
Công tác chuyển đổi vị trí việc làm được cấp ủy các cấp quan tâm, chỉ đạo kịp thời, thường xuyên, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, góp phần thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng.
Phát hiện trường hợp có dấu hiệu vi phạm điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm
Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, việc giám sát đối với cấp ủy, chính quyền các địa phương về thực hiện các quy định về giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã góp phần nâng cao nhận thức trong cấp ủy, chính quyền về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận trong hoạt động giám sát, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp.
Trong quá trình giám sát phát hiện trường hợp có dấu hiệu vi phạm điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm, MTTQ Việt Nam đã kịp thời ban hành công văn đề nghị cấp ủy địa phương rà soát để xử lý đúng quy định.
Từ kết quả giám sát và phản biện xã hội của mình, MTTQ Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có liên quan.
Giám sát một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, MTTQ Việt Nam chỉ rõ, qua theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân, từ tháng 10/2021 đến hết tháng 4/2022, MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 1.561 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân, trực tiếp tiếp 39 lượt công dân.
MTTQ Việt Nam đã phân loại, xử lý và ban hành 32 văn bản hướng dẫn khiếu nại; 34 văn bản chuyển đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh, ban hành 2 văn bản đôn đốc giải quyết, 2 văn bản kiến nghị cơ quan chức năng đề nghị giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Từ sau kỳ họp thứ 2 đến trước kỳ họp thứ 3, MTTQ Việt Nam đã thực hiện tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân, nghiên cứu, ban hành văn bản kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét, giải quyết theo quy định; đề nghị MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố chủ động nắm bắt tình hình và phối hợp với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở địa phương thực hiện giám sát theo quy định, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân đối với một số vụ việc cụ thể.
Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam cũng thường xuyên tổng hợp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng, chống tham nhũng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, xử lý các thông tin phản ánh, kiến nghị và ban hành các công văn đề nghị xem xét, giải quyết việc dư luận, báo chí phản ánh.
Kiến nghị sớm hoàn thiện khung pháp lý về giá đất
Hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là về giá đất để thực hiện tốt công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân. Cần xây dựng tiêu chí, khung định mức để giao đất, cho thuê đất, tiêu chí để đánh giá sử dụng đất có tiết kiệm, hiệu quả. Cần có mốc và chỉ giới sau khi quy hoạch sử dụng đất chi tiết được phê duyệt.
Kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án phát triển đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ theo đúng quy định pháp luật, tăng cường quản lý, kiểm soát, sử dụng đất đai trên toàn quốc, trong đó, tập trung công tác thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư, xử lý nghiêm các vi phạm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm quy hoạch.
Tiếp tục tăng cường sự giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân ở địa phương, đặc biệt là vai trò của HĐND các cấp, vai trò của Quốc hội, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp. Tập trung nghiên cứu xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, đảm bảo công khai, minh bạch và thống nhất trên cả nước.
Trong quá trình giám sát, đoàn giám sát đã tập hợp những khó khăn, vướng mắc của địa phương về thực hiện việc hỗ trợ và kiến nghị các ngành chức năng xem xét giải quyết.
Cụ thể, MTTQ đề nghị nghiên cứu có các chính sách để hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch COVID-19, như các chính sách về tài khóa (miễn, giảm thuế, phí…), chính sách tín dụng (hoãn, giãn, giảm lãi suất), các chính sách giảm chi phí đầu vào như giảm tiền điện nước, giao thông; đề nghị đẩy mạnh việc phát triển những chương trình đào tạo kỹ năng số, kỹ năng chuyển đổi nghề nghiệp; trong đó, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và nền tảng công nghệ số gắn với các phần mềm hệ thống quản lý công dân quốc gia; tăng cường các hoạt động đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là người dân các tỉnh trở về địa phương do ảnh hưởng dịch COVID-19; đề nghị bổ sung các cơ chế chính sách nhằm động viên, khích lệ lực lượng tuyến đầu, tuyến y tế cơ sở tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ý kiến ()