Giám sát chuyên đề về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo kết quả và dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, chiều 9/8, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016.”
Theo báo cáo giám sát, giai đoạn 2011-2016, đã có 319 hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng đạt 33,643 tỷ USD, cao hơn 59% so với mức của thời kỳ 2006-2010.
Trong giai đoạn 2011-2016, tổng giải ngân cả giai đoạn khoảng 28 tỷ USD (tương đương khoảng 560 nghìn tỷ đồng), trong đó giải ngân nguồn vốn vay ODA là 23,2 tỷ USD chiếm 82,3% tổng giá trị giải ngân, vốn vay ưu đãi là 3,2 tỷ USD, vay thương mại là 1,7 tỷ USD.
Việc bố trí vốn đối ứng chủ yếu dành cho các công trình giao thông là hơn 31.000 tỷ đồng; đối với các địa phương, vốn đối ứng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các dự án ODA của địa phương đã tập trung ưu tiên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với những đánh giá của đoàn giám sát về tình hình ban hành các chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016; đồng thời cho rằng việc ban hành các chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA cho thấy hệ thống pháp luật của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, phù hợp với đường lối chính sách của đảng và nhà nước, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng vốn ODA.
Tuy nhiên, hệ thống luật pháp của Việt Nam vẫn còn bộc lộ những hạn chế, như: một số điểm tính thống nhất chưa cao, chưa phù hợp. Trong điều kiện nguồn thu của ngân sách hạn hẹp, yêu cầu đầu tư phát triển lớn. Do vậy, việc tiếp tục vay vốn ODA là cần thiết.
Cho rằng nguồn vốn ODA đã giúp thay đổi mặt bằng đời sống xã hội của nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, một số ý kiến tỏ ý băn khoăn về công tác quản lý nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 có thất thoát, lãng phí; việc sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, có đáp ứng yêu cầu của thực tế không.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị cần đẩy mạnh việc giám sát của các cơ quan dân cử. Ở địa phương là Hội đồng nhân dân và Quốc hội có giám sát.
“Đề nghị các Ủy ban của Quốc hội nắm cho được các dự án ODA thuộc lĩnh vực của mình và phải giám sát các dự án ODA này một cách nghiêm túc. Bên cạnh dó, Chính phủ cũng cần xác định rõ đối tượng chịu trách nhiệm theo dõi các dự án ODA,” ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thời gian tới, Chính phủ cần triển khai các nguồn vốn ODA hiệu quả hơn; tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị địa phương triển khai nguồn vốn ODA hiệu quả.
Với nguồn ODA viện trợ không hoàn lại, cần ưu tiên hỗ trợ giảm nghèo bền vững, các lĩnh vực xã hội (y tế, giáo dục,…), phát triển thể chế, nguồn nhân lực, khoa học, kỹ thuật, chuyển giao kiến thức và công nghệ…
Đối với vốn vay ODA, cần tập trung cho những dự án có quy mô lớn, mang tính lan tỏa cao, có tính chất liên vùng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội của vùng, miền, bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp quy hoạch, phát huy tối đa hiệu quả dự án để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định.
Đối với vốn vay ưu đãi, cần tập trung lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn đã trả nợ trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu: “Cần thực hiện nghiêm quy định không vay để chi thường xuyên. Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài cần tính toán, cân nhắc, so sánh hiệu quả, chi phí so với vay trong nước, tránh lệ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài… Cần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng ủa một số địa phương để có biện pháp nhắc nhở trước việc sử dụng vốn ODA nhằm cảnh tỉnh các bộ ngành, địa phương khi thực hiện các dự án vốn ODA phải có trách nhiệm cao. Đồng thời, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật, có nhận thức đầy đủ hơn về vốn vay ODA”…
Cũng trong phiên họp chiều nay, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2018 vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len cho Chương trình 135.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về mặt nguyên tắc, cho phép Chính phủ tiếp nhận, phân bổ, giao vốn và chỉ đạo giải ngân theo tiến độ dự án; đề nghị Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()