LSO-Xã Gia Miễn, huyện Văn Lãng có 506 hộ dân với trên 2.300 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế đồi rừng. Trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở, vốn sản xuất, công trình giao thông nông thôn…nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên hành trình giảm nghèo đối với người dân nơi đây còn nhiều gian nan. Trao đổi với ông Nông Trường Sa, Chủ tịch UBND xã Gia Miễn chúng tôi được biết: trước đây theo tiêu chí cũ trên địa bàn xã có trên 30% hộ nghèo, hiện nay, theo chuẩn nghèo mới tỷ lệ hộ nghèo tăng cao với 77,89%, đại đa số người dân còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nên công tác giảm nghèo trên địa bàn chưa thực sự bền vững. Với địa hình chủ yếu là đồi núi nên diện tích đất canh tác không nhiều, toàn xã có 165 ha đất sản xuất, tính bình quân mỗi người chỉ có 1 sào...
LSO-Xã Gia Miễn, huyện Văn Lãng có 506 hộ dân với trên 2.300 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế đồi rừng. Trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở, vốn sản xuất, công trình giao thông nông thôn…nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên hành trình giảm nghèo đối với người dân nơi đây còn nhiều gian nan.
Trao đổi với ông Nông Trường Sa, Chủ tịch UBND xã Gia Miễn chúng tôi được biết: trước đây theo tiêu chí cũ trên địa bàn xã có trên 30% hộ nghèo, hiện nay, theo chuẩn nghèo mới tỷ lệ hộ nghèo tăng cao với 77,89%, đại đa số người dân còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nên công tác giảm nghèo trên địa bàn chưa thực sự bền vững. Với địa hình chủ yếu là đồi núi nên diện tích đất canh tác không nhiều, toàn xã có 165 ha đất sản xuất, tính bình quân mỗi người chỉ có 1 sào đất canh tác, đất sản xuất ít đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế của người dân. Bên cạnh đó, trên địa bàn hầu như không có khe, suối, công trình thủy lợi. Để có nước phục vụ sản xuất thì cách duy nhất là chờ mưa, do không chủ động được nguồn nước tưới nên phần đa chỉ sản xuất được một vụ. Những năm điều kiện thời tiết không thuận lợi gây mất mùa không đủ lương thực đáp ứng nhu cầu nên đời sống đã khó lại càng khó hơn. Là địa phương có thế mạnh về rừng đến nay toàn xã trồng được trên 1.000 ha rừng dự án 661, rừng sản xuất, tuy nhiên, do thời gian phát triển của cây cần 10 – 15 năm nên đến nay dự án này chưa thực sự mang lại hiệu quả về kinh tế.
|
Sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp ở xã Gia Miễn |
Quan trọng hơn cả là người dân chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến công tác giảm nghèo, chưa tìm được hướng đi cụ thể cho kinh tế gia đình, đa số còn sản xuất theo phong trào, mang tính tự phát. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn nhiều hạn chế, chưa chủ động trong việc đưa những cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Chăn nuôi nhỏ lẻ, các cây trồng chính là ngô, lúa, sắn, hoa màu… các loại giống cây trồng đều đã thoái hóa nên hiệu quả kinh tế không cao. Tập quán canh tác còn lạc hậu, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất còn là điều mới mẻ đối với người dân nơi đây. Bên cạnh đó, đường giao thông nông thôn chưa phát triển, tỷ lệ bê tông hóa còn thấp, hiện mới chỉ có 5/12 thôn bản có đường giao thông đi lại được 4 mùa. Các thôn Quang Sơn, Bản Pục … cách trung tâm xã hơn 10km các phương tiện chỉ có thể đến thôn vào mùa khô, mùa mưa đường trơn trượt, lầy lội khiến cho các khu dân cư như những ốc đảo giữa rừng. Do đó, việc trao đổi, giao lưu, mua bán không thuận lợi, người dân phải chịu cảnh mua đắt, bán rẻ do đường xá đi lại khó khăn, chính vì vậy, sản xuất còn theo hướng tự cung tự cấp chưa đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, một bộ phận người dân còn mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, vì vậy, công tác giảm nghèo tại địa phương chưa thực sự bền vững, tỉ lệ hộ tái nghèo và cận nghèo còn cao. Một số thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao như: Phai Nà 100%, Quảng Lộng trên 94%, Quảng Sơn hơn 92%…
Để công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn được triển khai có hiệu quả thì việc nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn cần được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường vận động người dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đưa những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương vào sản xuất; tích cực đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi, mở các lớp tập huấn, dạy nghề về chăn nuôi, trồng trọt…tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Hoàng Vương
Ý kiến ()