Giảm nghèo nhờ nuôi tôm
Thạnh Phú là huyện nghèo nhất của tỉnh Bến Tre. Vài năm trở lại đây số hộ nghèo ở huyện này giảm đáng kể. Ông Bùi Văn Lâm, Chủ tịch UBND huyện cho biết có nhiều yếu tố dẫn đến kết quả trên, trong đó phải kể đến việc trúng mùa tôm liên tục.Nhờ nắm vững kỹ thuậtHuyện Thạnh Phú hiện có gần 16.000 ha đầm tôm, nằm cả hai vùng nước mặn và lợ. Các phương thức nuôi như thâm canh, xen canh và quảng canh đều được người dân nơi đây áp dụng tuỳ theo điều kiện vùng đất và khả năng về vốn cũng như trình độ. Tôm nuôi phổ biến là 3 loại: tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh.Chúng tôi đến phòng nông nghiệp huyện, một cán bộ được phân công chuyên về con tôm, nói không cần văn bản: Diện tích nuôi tôm sú năm nay có 991 ha, thẻ chân trắng là 376 ha, trên 800 ha là nuôi tôm trong rừng, số còn lại là nuôi quảng canh. Riêng con tôm càng xanh trước đây nuôi ở nhiều xã, hai năm nay trở lại đây đuợc tập trung ở...
Thạnh Phú là huyện nghèo nhất của tỉnh Bến Tre. Vài năm trở lại đây số hộ nghèo ở huyện này giảm đáng kể. Ông Bùi Văn Lâm, Chủ tịch UBND huyện cho biết có nhiều yếu tố dẫn đến kết quả trên, trong đó phải kể đến việc trúng mùa tôm liên tục.
Nhờ nắm vững kỹ thuật
Huyện Thạnh Phú hiện có gần 16.000 ha đầm tôm, nằm cả hai vùng nước mặn và lợ. Các phương thức nuôi như thâm canh, xen canh và quảng canh đều được người dân nơi đây áp dụng tuỳ theo điều kiện vùng đất và khả năng về vốn cũng như trình độ. Tôm nuôi phổ biến là 3 loại: tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh.
Chúng tôi đến phòng nông nghiệp huyện, một cán bộ được phân công chuyên về con tôm, nói không cần văn bản: Diện tích nuôi tôm sú năm nay có 991 ha, thẻ chân trắng là 376 ha, trên 800 ha là nuôi tôm trong rừng, số còn lại là nuôi quảng canh. Riêng con tôm càng xanh trước đây nuôi ở nhiều xã, hai năm nay trở lại đây đuợc tập trung ở xã Mỹ An. Con tôm sú phổ biến là nuôi công nghiệp, thường là tập trung các xã An Điền, An Nhơn, An Quy, Giao Thạnh, Thạnh Phong, Thạnh Hải.
Chuyện “thời sự” của người dân trong huyện hiện nay là nuôi tôm thẻ chân trắng. Trước đây cơ quan chuyên ngành còn e ngại về con tôm này, khuyến cáo người dân không nên nuôi. Tuy nhiên sau một thời gian người dân thấy êm, “làm càng” thì trúng đậm. Những “đại gia” như Công ty TNHH thủy sản Huy Thuận nuôi 146 ha, K22 cũng gần 50 ha, chỉ sau 3 tháng lãi hàng chục tỷ đồng. Những hộ nuôi nhỏ lẻ cũng từ 4 đến 10 ao (mỗi ao từ 4.000 đến 5.000m2 mặt nước), trung bình mỗi ao thu về từ 5 đến 6 tấn tôm thương phẩm, cá biệt có ao thu hơn 10 tấn. Chẳng hạn như ông Nguyễn Văn Sấm nhà ở thị trấn nhưng nuôi ở xã Giao Thạnh 8 ao, vụ rồi trừ chi phí thu lãi gần 5 tỷ đồng, ông Huấn cũng ở Giao Thạnh nuôi 4 ao lãi 2 tỷ đồng nhờ vào 3 yếu tố: giá cao, năng suất gần 28 tấn trên một ha mặt nước và kích cỡ tôm lớn nhất huyện trên dưới 20 con/kg.
Hỏi về xu hướng sắp tới, cán bộ này nói: “Không biết được chính xác, nhưng vụ tới chắc chắn sẽ phát triển, vì ngay chỗ Công ty TNHH thuỷ sản Huy Thuận mấy ngày nay đã khởi công dự án 400 ha cho vụ tới. Dân các vùng lân cận thấy kiếm ăn được cũng bắt đầu rục rịch chuẩn bị nuôi. Vấn đề hiện nay là trong dân không đủ vốn, mà ngân hàng thì còn e ngại. Sở dĩ người dân chuộng con tôm thẻ chân trắng trước hết là thời gian nuôi ngắn, chỉ có 80 ngày đến 90 ngày là thu hoạch, giá lại cao hơn các loại tôm khác, nếu tuân thủ đúng kỹ thuật thì bệnh ít xảy ra. Thời vụ nuôi tôm thẻ chân trắng từ tháng 3 đến tháng 10, nên trong năm có thể nuôi được hai vụ. Hiệu quả so tôm sú chính là chỗ này”.
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Huỳnh Văn Cung (cũng nuôi 5 ao tôm, trúng lớn) cho biết: Sở dĩ các doanh nghiệp và người dân mấy năm gần đây tập trung trở lại con tôm và mạnh dạn đầu tư vào con thẻ chân trắng là vì ngoài chuyện được giá còn do tích lũy được kinh nghiệm, có trình độ nắm bắt kỹ thuật và tuân thủ nghiêm ngặt khuyến cáo của ngành chuyên môn. Mặt khác, ngành chủ quản hàng năm mở được mấy chục lớp khuyến nông, giúp cho nông dân nắm bắt kỹ thuật, thông báo lịch thời vụ kịp thời và nhất là có ban quản lý vùng nuôi năng động, thực hiện nhiệm vụ công khai, dân chủ, công bằng vì lợi ích chung, nên kịp thời hạn chế được rủi ro.
Tạo thế giảm nghèo
Hộ nghèo ở huyện Thạnh Phú vài năm trở lại đây giảm đáng kể. Theo Nghị quyết Đảng bộ huyện thì mỗi năm toàn huyện phấn đấu giảm 2%, nhưng tính từ ngày Đại hội cho đến nay chưa được hai năm mà tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 5 %, hiện còn gần 8.000 hộ nghèo với 23,19%. Một con số thật là ấn tượng. Ai từng về vùng đất biển Thạnh Phú những năm đầu giải phóng với số hộ nghèo cao nhất tỉnh, có thời điểm cao hơn 70%, nay trở lại mới thấy đó thật sự là một kỳ tích.
Tất nhiên việc giảm nghèo nơi đây tổng hợp từ nhiều nguồn, từ làm nhà cho người nghèo có nhu cầu về nhà ở, rồi đến việc cấp thể bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho học sinh nhà nghèo, xét cho vay ưu đãi, các đoàn thể trong xóm, ấp chơi hụi không lời nhằm tạo vốn cho nhau,… Nhưng trong đó, theo Chủ tịch huyện Bùi Văn Lâm là vì huyện có chủ trương vận động các hộ khá trong xóm, ấp cố gắng giải quyết việc làm cho hộ nghèo. Có dịp may là vài năm gần đây con tôm trúng mùa và giá cao, nên các hộ nuôi tôm khấm khá, có việc làm lại có thu nhập, nên có điều kiện thuê mướn nhân công. Nhà nghèo mà có lao động thì tham gia tạo thu nhập, tùy sức lực, tuổi tác mà chọn việc làm, mạnh thì làm đất, cho tôm ăn, yếu thì nấu cơm, bảo vệ, phân loại tôm khi thu hoạch,… hoặc đi thu gom, vận chuyển tôm về cho mối lái. Sau cùng là hộ nghèo không đất sản xuất hoặc không còn sức lao động thì vận động các chủ nuôi trúng lớn họ cũng vui vẻ góp tiền để xây nhà tình thương hoặc mua quà tặng trong những dịp lễ, tết, góp phần cho hộ nghèo qua cơn thắt ngặt.
Bà Nguyễn Thị Hiên làm cho cơ sở Ba Huấn ở Giao Thạnh gần hai năm nay là một trường hợp như thế. “Nhà tôi gần đây, tôi đã ngoài 60 thì làm chuyện gì lớn lao cho được, chỉ nấu cơm là cho các cậu thanh niên ăn trong trại nuôi là chính, lúc rảnh rỗi phụ lựa tôm khi thu hoạch. Cơm thì ăn ở đây, mỗi tháng chủ trả tôi 2 triệu đồng, lúc tôm trúng thì cho thêm, mỗi vụ cũng được vài triệu, trung bình mỗi vụ tôi cũng hơn 10 triệu. Nhà nghèo mà được như vậy là tốt lắm rồi”- bà nói.
Nghe ông Lâm và bà Hiên nói đã giúp cho chúng ta một bài học cùng một phương thức trong việc thực hiện một chủ trương lắm điều nhân đạo. Đó là không thể ảo vọng dàn hàng ngang để tiến tới xóa được hết hộ nghèo trong một thời gian ngắn, mà phải biết chọn đúng trọng tâm, trọng điểm để làm điểm tựa tạo thế đòn bẩy thúc đẩy một bộ phận đi trước, rồi sau đó khi có được mắc xích để cùng xã hội giải quyết cái nghèo mà tránh được hệ quả không tốt về sau. Giống như đầu máy và các toa trong con tàu hỏa vậy.
Theo Nhandan
Ý kiến ()