Giảm nghèo bền vững từ các chính sách dân tộc
LSO- Hiện nay, Lạng Sơn có 91 xã vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 136 xã vùng cao, 21 xã và thị trấn biên giới. Thu nhập của đồng bào các xã này chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm hơn 69% tổng số hộ dân tộc thiểu số. Trong nhiều năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã có chuyển biến tích cực trong xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng khó khăn có thêm điều kiện phát triển sản xuất, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực và triển khai, thực hiện lồng ghép kết hợp với các chính sách đầu tư của Chính phủ như: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; vay vốn và chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn…
Riêng trong năm 2015, tỉnh đã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng vốn giao hơn 365 tỷ đồng; trong đó: vốn chương trình 135 hơn 182 tỷ đồng và 183 tỷ đồng từ các nguồn vốn thực hiện lồng ghép. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã đầu tư kết cấu hạ tầng cho 380 công trình như: đường giao thông, điện, trường học, thủy lợi, nước sinh hoạt… Đồng thời hỗ trợ hơn 48 tỷ đồng cho 36.142 hộ nghèo, vùng khó khăn mua cây con giống, vật tư phân bón và thực hiện các mô hình sản xuất.
Vườm ươm giống cây của anh Vi Văn Phong, thôn Kéo Khuế (Đình Lập) phục vụ các dự án trồng rừng
Đặc biệt, ngày 24/12/2013, UBND tỉnh đã có Quyết định số 28 ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn. Kết quả, tỉnh đã đầu tư hơn 7,8 tỷ đồng hỗ trợ 7.764 lượt hộ nghèo dân tộc thiểu số vùng khó khăn bằng các loại giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Qua hơn 2 năm thực hiện đã có 673 hộ thoát nghèo, giảm 11,5%, số hộ hưởng chính sách. Một số huyện có tỷ lệ giảm nghèo cao trong số hộ được thụ hưởng như: Hữu Lũng giảm hơn 21%; Bắc Sơn, Lộc Bình giảm 13% và Bình Gia, Đình Lập giảm 9%.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, trong 7 tháng đầu năm 2016, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135 được hơn 1.993 tấn phân bón, 536 kg hạt giống và 84 nghìn cây con giống các loại cho 25.815 hộ nghèo vùng ĐBKK. Đồng thời, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt hơn 8,2 tỷ đồng, đạt 47,24% kế hoạch cho 40.235 hộ nghèo với 178.278 nhân khẩu sống ở vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho 31 xã với tổng vốn hơn 15,8 tỷ đồng năm 2016, đến nay, địa bàn đã có 27/31 xã lựa chọn triển khai xây dựng được 35 mô hình. Chính sách nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững theo Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kế hoach vốn giao hơn 21,3 tỷ đồng đang được các huyện triển khai tích cực. Kết quả, các huyện đã thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán được 3.100/5.500 hộ, hỗ trợ đất sản xuất được 80/620 hộ với 4,2 ha và hỗ trợ mua sắm nông cụ được 328/910 hộ….
Ông Triệu Văn Lạng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định: Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; từng bước thay đổi tập quán sản xuất, mở rộng quy mô và dịch vụ phục vụ sản xuất, làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng ĐBKK, vùng cao, biên giới. Dự ước tỷ lệ giảm nghèo 6 tháng đầu năm 2016 là 1,58%, tương đương với 2.973 hộ.
Thực tế cho thấy, nút thắt khó gỡ trong công tác xóa đói giảm nghèo ở tỉnh chính là việc hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay hiệu quả. Tuy nhiên, với một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn thì việc hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững dựa trên tập quán canh tác, phù hợp với điều kiện địa phương là điều không đơn giản. Trong thời gian tới, các cấp, ngành của tỉnh ngoài nỗ lực thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, đòi hỏi phải quan tâm hơn nữa đến các hình thức hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp đồng bào dân tộc thiểu số biết cách làm ăn, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu… Có như vậy, các chính sách dân tộc mới thực sự đồng hành trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững và hiệu quả.
Bài, ảnh: MAI VĂN HOA
Ý kiến ()