Chủ nhật, 24/11/2024 22:44 [(GMT +7)]
Giảm nghèo bền vững – Thực trạng và giải pháp
Thứ 3, 05/07/2011 | 08:32:00 [(GMT +7)] A A
Thực hiện hiệu quả các giải pháp trên, chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 tỉnh Lạng Sơn phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3-3,5%, hết năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn dưới 14,82% theo tiêu chí mới. Từ đó góp phần cải thiện điều kiện sống của người nghèo, thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững, hạn chế tái nghèo, giảm khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư, tạo sự chuyển biến nhanh về kinh tế - xã hội ở các vùng nghèo trong tỉnh.
LSO-Trong những năm qua, với việc thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2006-2010 và các chương trình giảm nghèo, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 29,07% năm 2006 xuống còn 13,61% cuối năm 2010. Như vậy, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm khoảng 3%.
Nghề điện dân dụng thu hút đông đảo thanh niên nông thôn tham gia học nghề |
Từ thực trạng giảm nghèo…
Từ kết quả trên cho thấy, đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh được cải thiện rõ rệt, khoảng 98% số hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư. Theo báo cáo giảm nghèo của tỉnh, năm 2007, tỉnh đã xóa xong nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo diện chính sách và hết năm 2010 đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu xóa nhà dột nát của hộ nghèo và 100% hộ nghèo được hưởng các chính sách trợ giúp của Nhà nước về các dịch vụ xã hội cơ bản. Hiện nay, cơ sở hạ tầng tại các xã nghèo được tăng cường và cải thiện rõ rệt, những kết quả đó đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương… Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa đạt được mục tiêu đề ra theo tinh thần Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 17/7/2006 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Cụ thể như chỉ tiêu tăng thu nhập của nhóm hộ nghèo lên 1,6 lần so với năm 2006 không đạt. Số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn, tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm so với tổng số hộ thoát nghèo còn cao. Sự chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp, đặc biệt là những huyện, xã vùng sâu, vùng xa, biên giới tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Nói về nguyên nhân, ông Nông Thanh Bình, Giám đốc Sở LĐTB&XH, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo của tỉnh nhận định: Chủ yếu do các chương trình, dự án giảm nghèo triển khai chưa đồng bộ, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ và lồng ghép tập trung vào mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Việc chỉ đạo thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở một số huyện, xã chưa quyết liệt, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của một số ít cấp ủy, chính quyền còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của một bộ phận người dân và cán bộ cơ sở. Có thể thấy rằng, tồn tại trên chính là khó khăn không nhỏ cản trở làm ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình giảm nghèo cũng như hướng thoát nghèo bền vững của bà con nhân dân trên địa bàn. Thực trạng này đòi hỏi tất yếu cần có giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược giảm nghèo của tỉnh theo những mục tiêu đã đề ra.
…Đến giải pháp giảm nghèo bền vững
Theo báo cáo của BCĐ giảm nghèo tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 là 28,34%, tương đương 51.129 hộ nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo là 12,64%, tương đương 22.806 hộ cận nghèo. Nhìn chung, qua công tác điều tra cho thấy, hộ nghèo, hộ cận nghèo tập trung nhiều ở các xã vùng cao, biên giới, khu vực các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo chuẩn nghèo mới thì toàn tỉnh có 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao là: Bình Gia chiếm 61,61%, Đình Lập chiếm 51,05%, Văn Quan chiếm 49,84%. Đặc biệt, toàn tỉnh có 81 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 50% trở lên là vấn đề rất khó khăn đối với công tác giảm nghèo. Chính vì vậy, để tìm giải pháp cho công tác giảm nghèo bền vững luôn là một vấn đề nan giải đối với các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Tại cuộc họp của BCĐ giảm nghèo tỉnh mới đây nhất tổ chức vào cuối tháng 4/2011, đồng chí Tô Hùng Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ giảm nghèo tỉnh đã nhấn mạnh một số giải pháp chủ yếu đẩy mạnh công tác giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Trong đó khẳng định cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân đối với công tác giảm nghèo. Đồng thời đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu giảm nghèo. Huy động mọi nguồn lực trong dân, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, đầu tư của Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp, các tổ chức nước ngoài thông qua các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn tỉnh. Vận dụng sáng tạo và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương về giảm nghèo, tiếp tục dành ngân sách của tỉnh đầu tư cho công tác giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo về giáo dục, y tế, đào tạo nghề, hỗ trợ về vốn và tạo việc làm cho người nghèo, giúp người nghèo, xã nghèo có đủ điều kiện vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Công nhân Công ty cổ phần giống gia cầm Lượng Huệ phân loại gà con giống |
Thực hiện hiệu quả các giải pháp trên, chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 tỉnh Lạng Sơn phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3-3,5%, hết năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn dưới 14,82% theo tiêu chí mới. Từ đó góp phần cải thiện điều kiện sống của người nghèo, thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững, hạn chế tái nghèo, giảm khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư, tạo sự chuyển biến nhanh về kinh tế – xã hội ở các vùng nghèo trong tỉnh.
Thanh Huyền
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()