Từ năm 2007, lạm phát của Việt Nam quay lại với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 con số. Đỉnh lạm phát được xác định vào năm 2008 với mức tăng kỷ lục 19,9%, sau đó giảm rất mạnh xuống 6,5% trong năm 2009. Chỉ một năm sau (2010), lạm phát cao đã quay trở lại với mức 11,8% và một lần nữa đạt đỉnh 18,13% vào năm 2011.
Chính sách tiền tệ đã đến ngưỡng
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên phân tích trên đỉnh lạm phát 18,13% này, Việt Nam đang ở trong xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng, lạm phát cao, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách nặng nề, đồng tiền mất giá, đến mức phải đề cập tình huống “vòng xoáy” trong phát triển kinh tế là đình trệ đi liền với lạm phát cao.
Để chống lạm phát, một trong những nguyên tắc căn bản là phải thực hiện lãi suất thực dương, tức là lãi suất cho vay cao hơn lãi suất huy động và lãi suất huy động cao hơn lạm phát. Nhưng từ năm 2007 đến nay (trừ năm 2009), lãi suất huy động chưa bao giờ bằng lạm phát nên chỉ có chính sách lãi tiền gửi thực âm. Ở những thời điểm lãi suất thực dương là lúc ngân hàng thương mại vi phạm trần lãi suất.
Theo TS Vũ Vinh Phú, đầu năm nay dù đường ăn tồn kho nhưng giá
đường trong siêu thị vẫn cao do mua qua các đại lý. Ảnh: TẤN THẠNH
Theo TS Tô Ánh Dương, Trưởng Phòng Kinh tế vĩ mô Viện Kinh tế Việt Nam, điều hành lãi suất là vấn đề bất cập nhất hiện nay và mang dấu ấn hành chính. Ví dụ: Năm 2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện lãi suất huy động thực dương để thắt chặt tiền tệ chống lạm phát.
Tuy nhiên, NHNN lại quy định trần lãi suất huy động 12%/năm trong khi lạm phát 3 tháng đầu năm đã lên tới 9,2%. Hệ quả là các ngân hàng thương mại nhỏ không huy động được vốn từ dân cư, phải vay vốn trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất lên đến 18%-24%/năm. Tình trạng này vẫn tiếp diễn trong những tháng cuối năm 2010 và 2011, khi NHNN quy định trần lãi suất huy động tối đa không quá 14%/năm, trong khi mức lãi suất trần này từ lâu đã không phù hợp với thực tế vì tỉ lệ lạm phát tăng liên tục trong các tháng đầu năm 2011.
Yếu trong mắt xích thương mại
Từ góc độ thương mại, TS Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng lạm phát cao của Việt Nam có nguyên nhân không nhỏ từ việc đánh mất hệ thống phân phối bán lẻ và yếu kém trong kiểm soát giá. Hệ thống phân phối trên thị trường nội địa hiện nay bị chia cắt bởi quá nhiều khâu trung gian, các siêu thị, doanh nghiệp lớn không có khả năng mua hàng tận kho nhà máy, ngay cả trong thời điểm hàng hóa ứ đọng.
Ông Phú dẫn chứng: Đầu năm nay, giá đường ăn tồn kho của các nhà máy đường chỉ 17.000 đồng/kg nhưng trên kệ hàng siêu thị vẫn bán 25.000 đồng/kg vì phải mua qua các đại lý. Đặc biệt là ghi nhận trên thị trường sau mỗi đợt tăng giá điện, giá xăng dầu, các hàng hóa khác đều tăng giá mạnh hơn mức tính toán của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương. “Nếu không củng cố mắt xích thương mại, lạm phát còn tiếp tục cao vì năm 2012, hàng loạt mặt hàng thiết yếu như điện, than, dịch vụ y tế buộc phải tăng giá theo lộ trình giá thị trường” – TS Vũ Vinh Phú cảnh báo.
Ý kiến ()