Giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp "vượt" Covid-19
Ngày 16/7 vừa qua, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt công bố giảm lãi suất cho vay các khoản vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ nay đến hết năm 2021. Kết quả này có được từ sự đồng thuận của hệ thống ngân hàng nói chung và từng tổ chức tín dụng nói riêng, thể hiện quyết tâm chung tay cùng Ðảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện “mục tiêu kép”: đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế.
Ðồng thuận giảm lãi suất
Cụ thể, Ngân hàng Vietcombank thông báo giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ ngày 15/7/2021 đến hết 31/12/2021. Theo đó, đối với khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng thuộc chín ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Các khách hàng còn lại cũng được giảm 1%/năm. Còn đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm lãi suất tới 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống. Việc giảm lãi suất không áp dụng với các khoản dư nợ đang được hưởng ưu đãi lãi suất và một số khoản vay khác như vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản… “Ðây là đợt giảm lãi lớn nhất của Vietcombank trong năm 2021 nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với quy mô khoảng 1.800 tỷ đồng. Ðồng thời, Vietcombank sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình lãi suất thấp đối với các khoản vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn từ nay đến cuối năm. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong sáu tháng cuối năm 2021 dự kiến lên tới 4.000 tỷ đồng và cả năm 2021 là 6.100 tỷ đồng” – đại diện lãnh đạo Vietcombank cho biết thêm. Ngoài các đợt giảm lãi suất, Vietcombank cũng thực hiện giảm phí, cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. Theo Vietcombank, từ năm 2020 đến nay, ngân hàng đã liên tục triển khai bảy đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và thiên tai. Trong đó, riêng năm 2020, Vietcombank đã hỗ trợ giảm lãi cho khách hàng 3.290 tỷ đồng. Kể từ ngày 1/1/2021 đến 30/6/2021, tổng số tiền lãi vay Vietcombank đã giảm cho khách hàng là 2.115 tỷ đồng.
Trong khi đó, Ngân hàng Agribank cũng tuyên bố, đối với khoản vay tại thời điểm 15/7/2021, Agribank giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên (không áp dụng đối với các khoản cho vay đã được ưu đãi lãi suất, miễn giảm lãi). Chương trình giảm lãi suất cho vay kéo dài đến hết ngày 31/12/2021 và được áp dụng rộng rãi tại 2.300 điểm giao dịch của Agribank trên toàn quốc. Ðây đã là lần thứ 5 liên tiếp Agribank giảm lãi suất cho vay từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Cũng theo đại diện lãnh đạo Agribank, ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng. Tính từ năm 2020 đến nay, ngân hàng này đã dành hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay.
Ở khối các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, Ngân hàng TPBank cũng vừa phát đi thông báo sẽ giảm từ 0,5% đến 1,2% lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Tổng dư nợ được nhận hỗ trợ lãi suất của nhóm khách hàng này ước tính vào khoảng 18.188 tỷ đồng. Gần 26.300 tỷ đồng dư nợ của các khách hàng cá nhân cũng nhận được xét giảm lãi suất 1%. Theo Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, lãi suất cho vay bình quân toàn danh mục cả ngắn và trung, dài hạn của ngân hàng này đã giảm khoảng gần 3% so với năm trước, thuộc nhóm các ngân hàng có lãi suất cho vay khá thấp trong hệ thống. Trong thời gian qua, TPBank cũng đã miễn, giảm và hạ lãi suất cho khoảng 43.000 khách hàng, với tổng số dư nợ đã hỗ trợ là 52.900 tỷ đồng, số lãi miễn giảm là 678 tỷ đồng.
Hướng tới đối tượng hỗ trợ cụ thể
Nhìn nhận về tình hình dịch Covid-19, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Ðào Minh Tú cho rằng, tới thời điểm này, dịch vẫn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp vẫn tiếp tục và ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm. Vì thế, năm 2021 vẫn cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc ngay từ đầu năm và theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Mọi hoạt động của ngân hàng phải làm sao hài hòa song hành giữa hai mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, nhưng vẫn bảo đảm an toàn một cách cao nhất cho hệ thống ngân hàng nói chung và cho từng tổ chức tín dụng nói riêng, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung và dài hạn. Hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các giải pháp, biện pháp trên tinh thần hỗ trợ tích cực, thực chất” – Phó Thống đốc Ðào Minh Tú nêu rõ.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, ở đợt giảm lãi suất lần này, mức giảm lãi suất cho vay cụ thể sẽ được tính toán theo tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng. Cụ thể, mức giảm sẽ được các tổ chức tín dụng tính bình quân trên tổng dư nợ hiện hữu, có thể mức giảm từ 0,5 đến 1,5% hoặc nhiều hơn, tùy khả năng của các ngân hàng. “Techcombank đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, trong hỗ trợ không nên cào bằng mà nên tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn,… Ðiều quan trọng nhất tại thời điểm này là làm sao duy trì được nguồn tín dụng, nhất là các khách hàng đã được tái cơ cấu. Ðể giữ được doanh nghiệp, quan trọng nhất là “mạch máu lưu thông”, chứ không phải là “tăng cân hay giảm cân”. Việc xem xét cho vay mới với những khách hàng cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ cần có cái nhìn cởi mở hơn”, Phó Tổng Giám đốc Techcombank Phạm Quang Thắng chia sẻ.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội Phạm Thị Trung Hà cũng cho biết, tại ngân hàng này, với những đối tượng khách hàng cần lãi suất thấp đã được hưởng bởi từ đầu năm đến nay ngân hàng liên tục giải ngân vốn. Tuy nhiên, với sự đồng thuận của các ngân hàng, trước mắt, Ngân hàng Quân đội sẽ hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp gặp khó khăn không có doanh thu hoặc doanh thu giảm (như doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ,…) với mức lãi suất có thể giảm 1% hoặc hơn; đối tượng được hỗ trợ lãi suất tiếp theo là sản xuất và khách hàng cá nhân (đối tượng trả góp từ lương). “Tùy từng tệp khách hàng của mình, ngân hàng sẽ lựa chọn doanh nghiệp gặp khó khăn để từ đó có chính sách hỗ trợ lãi suất phù hợp” – bà Phạm Thị Trung Hà nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá cao tinh thần đồng cam cộng khổ của các ngân hàng thương mại với khách hàng, với nền kinh tế giữa lúc đại dịch đang diễn biến rất phức tạp. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo sát diễn biến thị trường, lắng nghe các ý kiến phản hồi, sẵn sàng can thiệp kịp thời để bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tùy quy mô và năng lực mỗi ngân hàng, mức độ hỗ trợ khách hàng là khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi muốn biết những con số hỗ trợ cụ thể để thị trường biết rằng, các ngân hàng đã hỗ trợ cho những nhóm/ngành/lĩnh vực nào, thậm chí là khách hàng nào, để tất cả đều thấy rằng, sự sẻ chia, sát cánh của hệ thống ngân hàng là nhanh chóng và thực chất.
PHẠM THANH HÀ
Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
Theo Nhandan
Ý kiến ()