Giảm lãi suất các khoản cho vay cũ
Ðể tháo gỡ khó khăn về chi phí vay vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hiệu triệu các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm mặt bằng lãi suất (LS) của các khoản cho vay cũ về mức dưới 15%/năm. Hiện, dư nợ cho vay có LS trên 13%/năm chỉ còn khoảng 16,62% trong tổng dư nợ cho vay so với tỷ lệ 31% vào cuối tháng 6-2013.
Mặt bằng lãi suất giảm mạnh
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3-2014, Chính phủ có chỉ đạo NHNN nghiên cứu điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Trên thực tế, hệ thống ngân hàng đã và đang triển khai tích cực giải pháp này từ hơn hai năm qua. Vào nửa cuối của năm 2011, mặt bằng lãi suất cho vay còn ở mức cao, phổ biến khoảng từ 20-25%/năm, nhiều TCTD lâm vào tình trạng khó khăn, thanh khoản phải vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao, xuất hiện tình trạng TCTD huy động vượt trần lãi suất 14%/năm để cạnh tranh lôi kéo tiền gửi lẫn nhau… Lãi suất cho vay cao đã đẩy chi phí vay vốn tăng theo, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trước bối cảnh đó, NHNN đã xác định mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất, chủ động tuyên bố đưa lãi suất cho vay về mức phổ biến 17-19%/năm vào cuối năm 2011, giảm lãi suất huy động về 9-10%/năm vào cuối năm 2012; năm 2013 và 2014 tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất phù hợp với diễn biến thực tế của lạm phát để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Trên cơ sở mục tiêu định hướng nêu trên, NHNN đã chủ động điều chỉnh giảm các mức lãi suất chủ chốt, gồm các mức lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, lãi suất tái chiết khấu cũng như áp dụng trần lãi suất cho vay, điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay. Việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất chủ chốt được NHNN thực hiện trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, đăc biệt là xu hướng của lạm phát cũng như diễn biến thanh khoản của hệ thống, và khả năng hấp thụ tín dụng của các thành phần kinh tế.
Sau nhiều lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất chủ chốt với liều lượng và vào thời điểm hợp lý, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh, phản ánh qua việc mặt bằng lãi suất cho vay mới hiện nay đã trở về bằng mức lãi suất cho vay của giai đoạn 2005-2006. Nếu so sánh với thời điểm cuối năm 2011, thì mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã giảm hơn một nửa, nghĩa là mức lãi suất hiện nay chỉ bằng chưa đến 50% của mặt bằng lãi suất cho vay vào cuối năm 2011.
Giảm lãi suất các khoản cho vay cũ
Ðối với lãi suất của các khoản cho vay cũ, đây là thỏa thuận dân sự đã được ký kết trong hợp đồng tín dụng giữa TCTD và khách hàng, việc điều chỉnh giảm lãi suất phải thực hiện trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất giữa TCTD và khách hàng, trong đó TCTD đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lãi suất vì họ sẽ phải rà soát, xem xét khả năng tài chính, quản lý tài sản nợ/có và điều hòa chi phí vốn huy động với nhiều kỳ hạn tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn về chi phí vay vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, Thống đốc NHNN đã hiệu triệu các TCTD giảm mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay cũ về mức dưới 15%/năm. Nếu như vào thời điểm trước 15-7-2012, dư nợ cho vay có lãi suất trên 15%/năm chiếm tới 65,8% thì nay chỉ còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ 5,5%. Sang năm 2013, Thống đốc tiếp tục kêu gọi các TCTD giảm lãi suất về dưới mức 13%/năm. Hiện, dư nợ cho vay có lãi suất trên 13%/năm chỉ còn khoảng 16,62% trong tổng dư nợ cho vay so với tỷ lệ 31% vào cuối tháng 6-2013. Ðối với dư nợ cho vay có lãi suất trên 13%/năm, theo các ngân hàng, phần dư nợ còn có lãi suất cao chủ yếu là các khoản cho vay tiêu dùng các mặt hàng có khấu hao lớn, vay tín chấp của một số công ty tài chính; các khoản cho vay trong lĩnh vực bất động sản có rủi ro cao; nhiều khoản vay trung, dài hạn là của các DN thực chất là những DN không có khả năng phục hồi, có nguy cơ phá sản nên các ngân hàng giữ lãi suất cho vay cao để tạo động lực cho khách hàng trả nợ gốc của các khoản vay và bù trừ cho chi phí trích lập dự phòng nợ xấu. Tuy nhiên, nếu DN đi vay trả được nợ gốc, một số TCTD sẵn sàng giảm hoặc miễn lãi cho các khách hàng mang nợ xấu.
Kết quả này cho thấy lời hiệu triệu của Thống đốc đã được toàn hệ thống các TCTD đồng tình và ủng hộ, thể hiện sự chia sẻ khó khăn đối với DN và người dân cho dù việc giảm, miễn lãi cho khách hàng làm suy giảm đáng kể lợi nhuận của các TCTD.
Cùng với việc giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng cũng đồng loạt theo định hướng của Ngân hàng Trung ương đưa ra những chương trình tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực ưu tiên bao gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất nhập khẩu, công nghiệp hỗ trợ, các DN có công nghệ cao và các DN vừa và nhỏ. Nhiều sản phẩm tín dụng cho người tiêu dùng được tung ra để hỗ trợ và khuyến khích người tiêu dùng có tác dụng làm tăng tổng cầu, một trong những nguyên nhân chủ yếu đẩy nền kinh tế vào tình trạng trì trệ. Cũng trong thời gian qua, NHNN đã ủng hộ và tạo điều kiện cho nhiều ngân hàng đưa ra những gói tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cụ thể là chương trình liên kết bốn nhà 50.000 tỷ đồng và mới đây gói 70.000 tỷ đồng của một số ngân hàng khác. Ðiều đáng quan sát ở đây là NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Hiệp hội Bất động sản và các cơ quan khác trong việc hỗ trợ những gói tín dụng chuyên ngành này.
Diễn biến lãi suất thời gian qua cho thấy, nếu như cuối năm 2011, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay còn ở mức rất cao, lãi suất trở thành gánh nặng của các DN, thì chỉ trong vòng hơn hai năm qua, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, không chỉ lãi suất của các khoản cho vay mới giảm mà lãi suất của các khoản cho vay cũ cũng đã được các ngân hàng xem xét điều chỉnh giảm phù hợp với mặt bằng lãi suất thị trường. Ðến nay, lãi suất cho vay đã ở mức thấp và không còn là yếu tố trở ngại, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Ðây là một trong những điểm sáng trong điều hành của NHNN. Song hành với chính sách lãi suất, NHNN đã có những hỗ trợ mạnh mẽ đối với hệ thống ngân hàng trong việc khai thông dòng vốn tín dụng đã và đang có những tác động tích cực đối với nền kinh tế vào lúc này và trong thời gian sắp tới.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()