Giảm gánh nặng thủ tục hành chính về thuế
Từ ngày 1-9-2014, Thông tư số 119/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung về nội dung và mẫu biểu của bảy thông tư nhằm cải cách, đơn giản thủ tục hành chính (TTHC) về thuế chính thức có hiệu lực. Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc triển khai đồng bộ các nội dung của thông tư này sẽ cắt giảm hơn 200 giờ nộp thuế/năm cho người dân và doanh nghiệp (DN). Cải cách mạnh mẽ TTHC về thuế được kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới các DN.
Rút ngắn thời gian, thủ tục
Bãi bỏ, đơn giản nhiều bảng kê khai thuế là một trong những nội dung mới của Thông tư 119/TT-BTC. Chị Phạm Thị Thu Hương, kế toán trưởng của Công ty TNHH Bình Nguyên (Hà Nội) cho biết, với đặc thù của DN, việc sử dụng điện, nước, xăng, dầu, dịch vụ bưu chính, viễn thông, dịch vụ khách sạn, ăn uống… là rất lớn. Chính vì thế, nhờ Thông tư 119/TT-BTC, việc lập các bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào/bán ra kèm theo tờ khai thuế gửi cho cơ quan thuế được đơn giản hóa rất nhiều. Cụ thể, DN sẽ không phải kê khai theo từng hóa đơn như trước đây đối với hàng hóa, dịch vụ bán lẻ trực tiếp, đồng thời, ngành thuế đã bỏ quy định khai và tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa, bán sản phẩm được DN tiếp tục sử dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh. DN sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian nhờ thủ tục khai thuế được cải tiến.
Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Kiểm toán tư vấn Khang Việt (TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Lan Anh cho biết, điều DN quan tâm nhất là Nhà nước đã bỏ mức khống chế 15% đối với một số chi phí được trừ. Bà Nguyễn Lan Anh nói: “DN được tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động mà có hóa đơn, chứng từ, dù tổng số chi không quá một tháng lương bình quân thực tế nhưng cũng đã gỡ khó rất nhiều cho DN chúng tôi. Bản thân tôi không trực tiếp làm kế toán thuế nhưng thấy có tới 12 chỉ tiêu tại các bảng kê hóa đơn hàng hóa dịch vụ mua vào/bán ra được bãi bỏ là đã đỡ vất vả”.
Nhiều lãnh đạo DN đánh giá cao quy định DN thành lập mới trong năm 2014 có tài sản dưới một tỷ đồng vẫn được đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT. Ðây là điểm sửa đổi quan trọng của Thông tư 119/TT-BTC của Bộ Tài chính. Với quy định cũ, DN thuộc đối tượng này phải kê khai thuế theo phương pháp trực tiếp, không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào mà phải hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập, làm tăng giá thành hàng hóa, khiến DN suy giảm hoặc mất năng lực cạnh tranh, đồng thời phải chịu thêm 3% thuế GTGT tính trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ. Giám đốc Nguyễn Lan Anh phân tích: Tuy quy định này ngăn ngừa được các DN “ma” buôn bán hóa đơn nhưng lại ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các DN nghiêm túc, nhất là DN nhỏ và vừa. Bãi bỏ quy định cũ, đồng thời tăng cường quản lý là cách cơ quan thuế tôn trọng DN thật sự.
Cho tới nay, sau khi các cơ quan chức năng ban hành nhiều chính sách mới về quản lý thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội (BHXH), nhất là sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 119, không chỉ các DN mà cán bộ ngành thuế cũng cho rằng DN sẽ được tháo gỡ nhiều nút thắt. Chị Nguyễn Thị Vân, cán bộ Chi cục Thuế Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, đây không chỉ là vấn đề tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho DN, giảm áp lực cho cán bộ thuế mà còn là những cải cách ban đầu về thể chế. Chưa bao giờ xảy ra trường hợp một thông tư sửa đổi bảy thông tư khác. Thông tư 119 cũng quy định cán bộ thuế không được yêu cầu bất cứ hóa đơn, chứng từ gì ngoài giấy tờ, thủ tục đã được quy định rõ tại thông tư này và các văn bản pháp luật liên quan. Ðiều này sẽ khiến cho quan hệ giữa người nộp thuế và cán bộ công vụ sẽ minh bạch, thân thiện hơn.
Áp dụng hệ thống quản lý hiện đại
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm của các giải pháp cải cách TTHC, vẫn còn những băn khoăn cả từ phía người nộp thuế và người quản lý thuế. Ðó chính là sự ổn định của chính sách. Công ty TNHH Kiểm toán tư vấn Khang Việt Nguyễn Lan Anh chia sẻ: “Ðiều DN chúng tôi mong muốn là làm thế nào quy định quy phạm pháp luật phải đi trước, bao quát và quản lý được mọi diễn biến thực tiễn. Chỉ có như vậy mới thực hiện được sứ mệnh “mở đường” của công cụ pháp lý, chứ không nên kéo dài tình trạng văn bản pháp luật luôn chạy theo thực tiễn, dẫn đến sửa chữa, bổ sung quá nhiều, quá kéo dài”. Cán bộ thuế Nguyễn Thị Vân nói: “Công việc của chúng tôi mấy năm qua ngày càng áp lực, khối lượng công việc khổng lồ, thí dụ như một cán bộ công chức thuế phải quản lý quá nhiều DN, không thể nào sâu sát được hết. Thêm vào đó, các chính sách thuế thay đổi quá nhanh, với biên độ mạnh, đến cả cán bộ chuyên môn chúng tôi đôi lúc cũng không thể nhớ và nắm bắt kịp”.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hậu Giang Nguyễn Hùng Sửu cho biết, bộ TTHC về thuế liên tục được cập nhật, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung với hàng trăm thủ tục. Tuy việc rà soát, thống kê các TTHC ở các khâu và kê khai thuế qua mạng ở Hậu Giang làm khá tốt, nhưng cũng chỉ có gần 62% DN tham gia… Ðây là những trăn trở, lo lắng của lãnh đạo các cơ quan thuế.
Khác với Hậu Giang, trong công tác cải cách TTHC thuế, tỉnh Bắc Ninh không thuộc nhóm các địa phương thực hiện tốt công tác này. Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Hải cho biết, đơn vị đã đẩy mạnh triển khai hệ thống khai thuế qua mạng, nâng tổng số DN đăng ký và nộp hồ sơ khai thuế qua mạng lên 3.779 DN. Tuy nhiên, số DN gửi tờ khai thuế qua mạng chỉ đạt 50%, chỉ có chín DN đăng ký nộp thuế điện tử. Với 171 thủ tục đang thực hiện tại Cục thuế và 173 thủ tục thực hiện tại cấp chi cục (dù đã cắt giảm 20 thủ tục về đăng ký thuế…), việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh ban hành từ năm 1997 đến 2013, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về thuế trên địa bàn đã khiến đội ngũ cán bộ công chức thuế thường xuyên trong tình trạng “quá tải”.
Trên quy mô toàn quốc, cho đến nay, tuy các cơ quan thuế, hải quan, bảo hiểm luôn chú trọng cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho người dân và DN nhưng cũng chỉ mới có 76% DN kê khai thuế qua mạng. Số DN tham gia hải quan điện tử mới chiếm gần 30%, với gần 30% tổng số tờ khai. Ðối với ngành bảo hiểm xã hội (BHXH), hiện mới có 12 địa phương thí điểm kê khai thủ tục BHXH qua phần mềm TS24, và thời gian thực hiện thí điểm chỉ trong sáu tháng đầu năm. Ðây thật sự là thách thức mới cho các ngành thuế, hải quan, BHXH khi triển khai diện rộng các quy định vừa ban hành, cũng như các quy định đang chờ phê duyệt trong thời gian tới.
Ðể cải cách TTHC hiệu quả, việc chuyển đổi một cách căn bản về phương thức thực hiện TTHC từ truyền thống sang hiện đại có ý nghĩa quyết định, khi vừa đơn giản hóa TTHC, vừa tạo điều kiện quản lý hiệu quả hơn. Theo Tổng Cục trưởng Thuế Bùi Văn Nam, song song với đơn giản hóa các TTHC, việc ứng dụng hệ thống tin học hiện đại trong công tác quản lý thuế sẽ loại bỏ nhiều thủ tục giấy tờ không cần thiết cũng như sự tiếp xúc giữa DN với cán bộ thuế, nhờ đó giảm đáng kể thời gian, chi phí cho DN, tăng cường sự tuân thủ pháp luật về thuế của DN. Chiến lược Cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 đã nêu rõ mục tiêu là hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế, cả về phương pháp quản lý lẫn về TTHC, nâng cao hiệu quả và hiệu lực bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ… Tổng Cục trưởng Bùi Văn Nam khẳng định: “Thực hiện thành công chiến lược này, chúng tôi mới có thể nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế, phấn đấu đưa Việt Nam lên nhóm các nước hàng đầu khu vực Ðông – Nam Á trong xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế vào năm 2020”.
Một số điểm mới trong thông tư 119/TT-BTC:
– Bãi bỏ, đơn giản nhiều bảng kê trong hồ sơ khai thuế GTGT;
– Làm rõ căn cứ xác định thuế hộ nộp thuế khoán được miễn, giảm do tạm ngừng, nghỉ kinh doanh;
– Bỏ mức khống chế 1 tỷ đồng về tài sản cố định, máy móc;
– Bổ sung chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()