Giảm dự báo lạm phát năm 2015 xuống 2%
Ngày 1-10, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố Báo cáo tình hình kinh tế tháng 9 và chín tháng đầu năm 2015, trong đó giảm dự báo lạm phát năm 2015 xuống 2%, đồng thời nhận định, lạm phát năm 2016 sẽ không có những áp lực lớn.
UBGSTCQG cho biết, mặc dù trong tháng 9 lạm phát (so cùng kỳ năm trước) giảm xuống 0% nhưng lạm phát cơ bản vẫn ở mức 2,4%, là mức ổn định của lạm phát cơ bản trong suốt bảy tháng gần đây. Căn cứ diễn biến của giá dầu, UBGSTCQG giảm dự báo lạm phát năm 2015 xuống dưới 2%.
Áp lực lạm phát năm 2016 sẽ không lớn
Theo UBGSTCQG phân tích, giá hàng hóa thế giới mặc dù được dự báo phục hồi trong năm 2016 nhưng không nhiều. Ngân hàng Thế giới dự báo năm 2016 giá năng lượng tăng 6,1% (trong đó dầu thô tăng 4,4%), giá lương thực tăng 1,2% và nguyên liệu thô tăng 2%, dầu thô tăng 7,5%. Báo cáo của UBGSTCQG viết: “Do đó, áp lực đối với lạm phát từ giá hàng hóa thế giới trong năm 2016 sẽ không lớn”.
Kỳ vọng lạm phát ổn định do kinh tế vĩ mô được giữ ổn định trong nhiều năm. Do đó, UBGSTCQG nhận định lạm phát năm 2016 sẽ không có những áp lực lớn.
UBGSTCQG cũng đưa ra những cảnh báo khó khăn: Kinh tế thế giới mặc dù tiếp tục xu hướng phục hồi tăng trưởng trong năm 2016 nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro như: khủng hoảng nợ công của các nước vẫn chưa được xử lý dứt điểm; tăng trưởng của các nước BRICS, nhất là Trung Quốc, chậm lại; nguy cơ xung đột chính trị, dịch bệnh vẫn hiện hữu. Do đó, cùng với việc theo dõi sức khỏe của kinh tế thế giới, UBGSTCQG khuyến nghị: “Các cơ quan hoạch định chính sách cần xây dựng sẵn các kịch bản ứng phó để tránh thụ động”.
Bên cạnh đó, Khả năng FED tăng lãi suất vào cuối năm 2015, đầu năm 2016, mặc dù không tác động đến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam, nhưng sẽ có ảnh hưởng đối với tâm lý thị trường cũng như mục tiêu ổn định tỷ giá. Chính vì vậy, UBGSTCQG lưu ý: “công tác truyền thông đóng vai trò rất quan trọng để duy trì lòng tin của thị trường. Các thông điệp chính sách cần rõ ràng nhưng cần linh hoạt để đảm bảo tính nhất quán trong thông tin và thống nhất, đồng bộ giữa thông điệp chính sách và hành động”.
Cân đối ngân sách mặc dù được dự báo sẽ cải thiện hơn so với năm 2015 do hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi và giá dầu tăng nhưng mức cải thiện là không lớn. Nguyên nhân là do thu từ xuất nhập khẩu giảm khi Việt Nam thực hiện các cam kết cắt giảm thuế theo các Hiệp định thương mại đã ký kết và mức độ phục hồi của giá dầu thô sẽ không lớn trong năm 2016. Do đó, vấn đề quản lý nợ công sẽ tiếp tục là một thách thức trong năm 2016, nhất là trong bối cảnh phát hành trái phiếu Chính phủ đang gặp khó khăn. Vì vậy, UBGSTCQG cho rằng, việc tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ là đòi hỏi cần thiết trong năm 2016.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()