Giám đốc “say” nghề
Anh Phạm Mạnh Hàhăng say với nghề
Anh Phạm Mạnh Hà sinh năm 1980, đến với Ngân hàng Chính sách Xã hội từ năm 2004. Năm 2005, anh là Phó Trưởng Phòng Hành chính tổ chức. Làm công tác tổ chức đến năm 2009, anh nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc Phòng Giao dịch huyện Hữu Lũng, tháng 10/2011 là Giám đốc Phòng Giao dịch huyện Lộc Bình. Ở mỗi cương vị công tác, anh luôn vượt lên khó khăn, hăng say lao động và cống hiến sức trẻ. Anh chia sẻ: Những ngày đầu Ngân hàng Chính sách đi vào hoạt động còn rất khó khăn, làm công tác tổ chức phải luôn tham mưu chính xác cho lãnh đạo để phân công tốt trong công tác, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giao. Với vai trò lãnh đạo phòng giao dịch huyện lại càng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn, vừa tham mưu vừa phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền huyện, xã và các tổ chức chính trị xã hội nhận uỷ thác vốn. Là lãnh đạo, phải thường xuyên đi cơ sở để nắm tình hình, giải quyết những vướng mắc, khó khăn và quan trọng là lắng nghe trực tiếp các ý kiến, thắc mắc, khó khăn của người vay vốn. Từ đó, xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu hoạt động thiết thực; tham mưu kịp thời, sát sao cho Ban đại diện Ngân hàng Chính sách huyện, tỉnh về thực hiện nhiệm vụ.
Khi anh mới nhận nhiệm vụ tại Lộc Bình, phòng giao dịch huyện nằm trong tốp hoạt động yếu của tỉnh: tăng trưởng dư nợ ít, tỷ lệ thu lãi thấp, nợ quá hạn cao… Để phấn đấu đưa phòng giao dịch phát triển lên hàng khá tốt của tỉnh, anh đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, các tổ chức hội, đoàn thể vào cuộc, quan tâm tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách hoạt động. Đồng thời chủ động phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, định kỳ tổ chức họp giao ban, duy trì tốt chế độ thông tin hai chiều. Qua công tác phối hợp, Phòng Giao dịch đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách vốn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời khắc phục nhanh chóng những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý vốn ở cơ sở.
Song song với giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc đưa các chương trình tín dụng đến người nghèo, các đối tượng chính sách, anh Phạm Mạnh Hà còn luôn tìm tòi, sáng tạo trong công tác quản lý, lãnh đạo. Từ năm 2012 đến nay, anh có 3 sáng kiến về giải pháp quản lý văn bản trên máy tính và tính phí uỷ thác, biện pháp tiết giảm chi phí quản lý và sáng kiến ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin tín dụng trong công tác quản lý tín dụng. Ứng dụng các sáng kiến này, công tác quản lý văn bản của lãnh đạo tại phòng giao dịch nhanh chóng, kịp thời hơn, lưu trữ văn bản đảm bảo, tra cứu văn bản thuận tiện; thực hành tốt việc tiết kiệm và chống lãng phí; tính phí uỷ thác chính xác về mặt số liệu, giảm thiểu thời gian, công sức của cán bộ kế toán…
Bằng lòng nhiệt huyết, nỗ lực phấn đấu, anh Phạm Mạnh Hà đã từng bước xây dựng phòng giao dịch huyện Lộc Bình hoạt động có hiệu quả cao. Từ năm 2011 đến nay, Phòng Giao dịch luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặc biệt là năm 2014, Phòng Giao dịch đạt tiêu chuẩn phòng giao dịch kiểu mẫu.
Ý kiến ()