Giám định viên pháp y: Những người hy sinh thầm lặng
LSO- Bất cứ thời điểm nào, dù ngày hay đêm, cứ có điện thoại của cơ quan an ninh đề nghị trưng cầu giám định pháp y, khám nghiệm tử thi tại những vụ án mạng bí ẩn, tai nạn giao thông… là các giám định viên tại Trung tâm Pháp y Lạng Sơn lại lên đường. Họ làm việc với tinh thần trách nhiệm vì công lý, vì pháp luật để giúp giải mã những uẩn khúc trong các vụ án bí ẩn.
Giám định pháp y là một nghề đặc thù, họ không kê đơn, không được bệnh nhân nhớ đến và phải làm việc trong môi trường xác chết thối rữa, độc hại để tìm nguyên nhân những cái chết uẩn khúc, những vụ tai nạn giao thông… Công việc của họ rất thầm lặng và nhiều người xung quanh kỳ thị, xa lánh. Họ thường không được chào đón ở những cuộc vui hay những ngày tết, thậm chí bị vợ con xa lánh khi vừa khám nghiệm tử thi xong.
Giám định viên Trung tâm Pháp y tỉnh đang khám, giám định thương tật cho bệnh nhân
Anh Vi Mạnh Hải, người trẻ nhất của Trung tâm đã gắn bó 7 năm với nghề tâm sự: Gia đình nhiều khi biết công việc của mình nên hay lo lắng, ngăn cản tôi theo nghề. Cũng may là có vợ cũng làm việc trong ngành y nên vợ chồng có thể thông cảm cho nhau được.
Trung tâm Pháp y tỉnh được thành lập ngày 17/10/2007 với biên chế là 12 người nhưng chỉ có 2 giám định viên chuyên trách. Theo Thông tư 47/TT – BYT ngày 31/12/2013 về quy trình giám định pháp y thì quy định bắt buộc phải có 2 giám định viên nên hầu như 365 ngày các anh đều phải làm việc. Giám định viên Linh Xuân Điệp đã có hơn 10 năm trong nghề giám định chia sẻ: Tết vừa rồi, khi tôi đang quây quần bên gia đình đón giao thừa thì Cơ quan an ninh có giấy trưng cầu giám định pháp y đi khám nghiệm tử thi vụ tai nạn giao thông ở xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình. Giữa đêm, tôi phải tức tốc lên đường, ngoài trời rét căm, mưa phùn, sau khi hoàn thành xong công việc đã 6 giờ sáng. Hầu như tết năm nào, tôi cũng đón giao thừa bên cạnh những tử thi.
Năm 2017, Trung tâm Pháp y tỉnh đã khám và giám định được 673 ca, trong đó: khám, giám định tử thi 178 ca tử vong; khám giám định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể cho 309 ca; khám cấp giấy chứng nhận thương tích cho 153 ca… Qua đó đáp ứng cơ bản được yêu cầu của công tác tố tụng, đảm bảo khách quan, trung thực, kịp thời, không có tình trạng khiếu kiện, thắc mắc.
Ông Lương Đình Đại, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh chia sẻ: Pháp y là một nghề luôn phải kiên định để giữ gìn y đức. Vì đây là môi trường làm việc đứng giữa hai làn nước. Một bên là người bị hại muốn có những tình tiết tăng nặng, nhưng bên kia lại muốn giảm trách nhiệm hình sự nên rất áp lực. Mặt khác, các giám định viên làm việc ở trung tâm còn bị kỳ thị, xa lánh. Công việc thường xuyên tiếp xúc với tử thi khiến nhiều người xung quanh sợ giáp mặt, chẳng dám bắt tay cũng như ngồi gần nói chuyện.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của trung tâm là chưa có sơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu của công việc, phòng làm việc chật hẹp, không có xe ô tô để phục vụ công tác chuyên môn. Đặc biệt nguồn nhân lực thiếu, hằng năm không có đối tượng thi và chỉ tiêu biên chế vào trung tâm nên các giám định viên của trung tâm không có thời gian nghỉ mà vẫn làm việc ngoài giờ, thêm giờ rất nhiều. Số lượng giám định viên đã ít nhưng chưa kể một số người sau khi làm việc tại trung tâm do không chịu được áp lực của công việc đã bỏ nghề hoặc xin chuyển công tác.
Giám định pháp y hiện nay vẫn là nghề được ít người hiểu và thông cảm. Mong rằng, có sự quan tâm hơn nữa của các ban, ngành để Trung tâm Pháp y phát huy tốt vai trò, khả năng của mình trong việc góp phần bảo vệ công lý, thực thi pháp luật, giữ cuộc sống yên bình của nhân dân.
Bài, ảnh: TRIỆU THÀNH
Ý kiến ()