Thứ 4, 27/11/2024 20:04 [(GMT +7)]
Giám định viên pháp y: Bị "bỏ rơi" đến bao giờ?
Thứ 4, 09/06/2010 | 09:20:00 [(GMT +7)] A A
Cuối tháng 5, một số báo chí đăng tải thông tin liên quan đến cái chết của Trưởng VPCC Việt Tín Nguyễn Minh Hải, theo đó, “Công an huyện Thanh Trì – TP Hà Nội cho biết, Viện Pháp y Trung ương đã có kết luận chính thức về nguyên nhân tử vong của ông Nguyễn Minh Hải là do ngạt nước. Theo nhận định của cơ quan công an, nhiều khả năng ông Hải đã tự tử…” Điều đáng nói là một vấn đề thực sự đáng quan tâm được “vỡ” ra sau vụ này – đó là sự quản lý nhà nước đối với hoạt động của giám định pháp y.
Viện pháp y quốc gia- “Giám định pháp y của bệnh viện Việt Đức làm sai”
Đó chính là khẳng định của Tiến sĩ Vũ Dương – Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia sau khi công an huyện Thanh Trì thông tin, bản kết luận giám định cái chết của Trưởng Văn phòng công chứng Việt Tín là do Bệnh viện Việt Đức thực hiện. Và công an huyện Thanh Trì, Hà Nội không hề cung cấp bất kỳ một kết luận giám định nào cho báo chí cũng như không có nhận định nào về nguyên nhân cái chết của Trưởng VPCC Việt Tín.
Theo ông Dương, Viện Pháp y trung ương (thường được gọi tắt là Viện Pháp Y) đã không còn tồn tại từ năm 2006 theo quyết định số 451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ông Dương cho hay, năm 2002, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó là GS Đỗ Nguyên Phương đã ra Quyết định số 1119 bổ nhiệm 52 giám định viên (GĐV) trong đó có một số bác sỹ khoa giải phẫu bệnh thuộc bệnh viện Việt Đức và một số ở khoa Y pháp thuộc Đại học Y Hà Nội. Sau khi Viện Pháp y quốc gia ra đời, căn cứ theo Nghị định 67/2005/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh giám định tư pháp, các GĐV pháp y trước đây nhất thiết phải qua quy trình bổ nhiệm lại và được Bộ Tư pháp cấp thẻ. Việc rà soát, bổ nhiệm lại GĐV đã được thực hiện nhưng trong danh sách đó không có tên những GĐV của Bệnh viện Việt Đức.
Ông Vũ Dương bức xúc, “ Bệnh viên Việt Đức rõ ràng đã sai vì họ không được bổ nhiệm lại, mà vẫn xưng là GĐV pháp y, rồi lấy dấu của bệnh viện Việt Đức đóng vào bản kết luận giám định pháp y là sai tiếp. Chúng tôi đã trực tiếp gặp anh Quyết – Giám đốc bệnh viện để nói về vấn đề này. Chúng tôi cũng có báo cả lên Bộ Tư pháp rồi nhưng không hiểu sao không có gì thay đổi”. Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia cũng phân vân không hiểu, thường thì hồ sơ giám định phải lưu trữ 30 năm, không hiểu những người giám định của bệnh viện có làm được hay không và họ lấy tư cách gì để làm việc với thân nhân người giám định hay cơ quan tố tụng. ‘ Một bản kết luận giám định thường có nhiều bên “soi” như cơ quan trưng cầu, viện kiểm sát, tòa án, công an, bị đơn, nguyên đơn.Tôi không hiểu tại sao cái quy trình một con voi chui ngược qua lỗ kim cứ tồn tại dai dẳng”, ông Dương nói.
Các lãnh đạo của Viện Pháp y quốc gia lo ngại, các kết luận giám định cúa GĐV được sử dụng làm căn cứ tại tòa trong quá trình tố tụng, nhưng nếu các kết luận này không do cơ quan có thẩm quyền theo quyết định của chính phủ đóng dấu, chuyên viên được bổ nhiệm đúng luật hiện hành, các giám định viên “từ trên trời rơi xuống” thì ai sẽ là đối tượng hứng chịu hậu quả sai sót nếu có? Khi thông tin trong bản kết luận giám định không bảo đảm tính chuẩn xác, khoa học và tính pháp lý thì sự công bằng của bản án cũng dễ bị ảnh hưởng.
Bệnh viện Việt Đức: “Chúng tôi không hề làm sai”
Hiện bệnh viện Việt Đức có hơn 10 GĐV thực hiện việc mổ tử thi theo trưng cầu của công an và căn cứ để cơ quan công an căn cứ ra Quyết định trưng cầu chính là Quyết định bổ nhiệm số 1191 từ thời Viện Pháp y trung ương. Pháp lệnh Giám định tư pháp đã có hiệu lực thi hành từ lâu cùng với văn bản hướng dẫn là Nghị định số 67 nhưng các giám định viên được bổ nhiệm căn cứ vào Nghị định số 117 từ trước, liệu có đảm bảo tính pháp lý hay không?
Trao đổi với phóng viên NDĐT, Tiến sĩ- Bác sĩ Lưu Sỹ Hùng- Trưởng bộ môn Y pháp Đại học Y Hà Nội cho biết, ông chính là người trực tiếp làm vụ VPCC Việt Tín sau khi có yêu cầu giám định pháp y từ phía công an huyện Thanh Trì. “ Thường thì khi có các vụ việc khó, phức tạp trong việc xác định giữa bệnh và chấn thương thì cơ quan điều tra thường mời chúng tôi giám định. Vụ việc của Trưởng VPCC Việt Tín cũng vậy. Để đưa ra một kết luận giám định không hề đơn giản vì nó đòi hỏi tính chuẩn xác, để phục vụ hoạt động tố tụng.”
Bệnh viện Việt Đức cũng khẳng định, hiện chưa có bất cứ văn bản pháp lý nào thay thế Quyết định 1119 cũng như chưa có văn bản nào bãi nhiệm những người đã được Bộ Y tế và Bộ Tư pháp phê chuẩn trước đó. Còn theo điều 5 của Pháp lệnh về Giám định tư pháp, “ Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giám định tư pháp…”. Bác sỹ Đào Thế Tân- Nguyên phó Trưởng bộ môn Y pháp Đại học Y Hà Nội, người từng tham gia là thành viên tổ biên tập Pháp lệnh về Giám định tư pháp cho biết, việc bổ nhiệm GĐV pháp y có thể tiến hành theo hai cách, một là GĐV chuyên trách, hai là GĐV không chuyên trách. Khi có những vụ việc phức tạp, đòi hỏi chuyên môn sâu thì theo yêu cầu của các cơ quan hành pháp như Công an, TANDTC, VKSNDTC, những người được trưng cầu để giám định hoàn toàn có đủ quyền giống như các GĐV chuyên trách.
“ Bệnh viện Việt Đức thực hiện chức năng pháp y từ khi hoà bình lập lại đến nay. Chúng tôi làm rất tốt và không hề có sai sót. Do đó không thể nói như một số báo là “giám định chui” được. Chúng tôi căn cứ theo quyết định bổ nhiệm mà làm vì chưa có quyết định bãi miễn. Nếu luật quy định phải rà soát, bổ nhiệm lại thì cơ quan quản lý nhà nước, ở đây cụ thể là Viện pháp y quốc gia phải có văn bản thông báo về quy trình. Nếu bị bãi miễn thì cũng cần có lý do cụ thể. Nhưng tính đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được bất cứ văn bản nào như thế cả”, ông Tân khẳng định.
Trên thực tế, một số GĐV pháp y thuộc bệnh viện Chợ Rẫy trong bản danh sách 52 người theo Quyết định 1119/QĐ-TTg đã được rà soát và bổ nhiệm lại theo đúng tinh thần của Nghị định 67. Vậy vấn đề nằm ở chỗ, tại sao quy trình rà soát đó lại “bỏ quên” những GĐV pháp y còn lại trong khi các GĐV pháp y được bổ nhiệm đều là các giáo sư đầu ngành, uy tín ở nhiều lĩnh vực?
Theo ông Phạm Kim Bình – Trưởng khoa giải phẫu bệnh- Phó trưởng bộ môn y pháp Đại học Y Hà Nội, các cơ quan trưng cầu giám định thường phải căn cứ vào văn bản pháp lý để làm việc chứ không phải là dễ dàng đưa ra quyết định trưng cầu. “ Sau vụ việc này, chúng tôi rất muốn các cơ quan quản lý nhà nước, cả Bộ Y tế và Bộ Tư pháp cùng nhìn nhận lại. Nếu đã bổ nhiệm thì chúng tôi làm việc, nếu không bổ nhiệm nữa hay bãi nhiệm thì cũng cần có quyết định với quy trình thủ tục rõ ràng. Điều quan trọng là chúng tôi cần quy trình minh bạch để làm việc. Hiện chúng tôi vẫn đang làm việc hết mình theo đúng lương y nghề nghiệp”.
Qua vụ giám định pháp y về nguyên nhân cái chết của ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng VPCC Việt Tín, vấn đề quản lý nhà nước đối với giám định pháp y thực sự cần được các cơ quan chức năng đánh giá lại nghiêm túc để đội ngũ những GĐV pháp y, vốn được coi là “của quý hiếm” an tâm làm việc, phục vụ cộng đồng, tránh cảm giác “bị bỏ rơi lâu rồi, chẳng ai để ý đến”.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()