Giảm đầu mối, tăng hiệu quả giáo dục
Giờ thể dục của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng |
Hợp cả lý và tình
Cho dù con mình phải đi xa hơn trường cũ gần 1 cây số, song ông Nông Văn Sáng, xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng vẫn ủng hộ chủ trương đưa học sinh cấp trung học cơ sở (THCS) của Trường Tiểu học & THCS xã Bằng Mạc sang học tại các trường THCS các xã lân cận. Ông nói rằng, có đường nhựa và cháu cũng lớn có thể đi bằng xe đạp; vả lại trường xã bạn có cơ sở vật chất (CSVC) tốt hơn nên việc học hành chắc chắn sẽ tốt.
Phân trường Tiểu học Tình Lùng (xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng) đã tồn tại từ lâu và những lớp học nhỏ lẻ với 4,5 học sinh cứ mặc nhiên tồn tại như một “thế giới khép kín”. Khi chính quyền và cán bộ giáo dục đến vận động người dân cho con em lớp 4, lớp 5 ra phân trường Bản Dù học tập thì bà con giãy nảy vì sợ con đi học xa. Sau khi nghe giải thích lợi ích của việc chuyển ra ngoài học để học sinh hòa đồng hơn, các cháu lại được hưởng chế độ bán trú… thì tất cả phụ huynh đều ủng hộ.
Sở GD&ĐT đã chỉ đạo việc sáp nhập các trường phải dựa trên nguyên tắc tạo sự thuận lợi cho học sinh đi học, nâng cao chất lượng giáo dục và giảm đầu mối để nâng cao hiệu quả quản lý, giảm biên chế và đầu tư CSVC theo hướng tập trung, đồng bộ, hiện đại, phù hợp với quy hoạch phát triển giáo dục và kinh tế – xã hội các địa phương. Theo hướng đó, các trường, phân trường đã sáp nhập trong thời gian qua đều hoạt động tốt, từng bước nâng hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cao Lộc cho biết: Với đặc điểm của Cao Lộc, việc sáp nhập đã được tính toán kỹ, có bàn bạc cụ thể để tạo sự đồng thuận cao giữa ngành với chính quyền, giữa nhà trường và người dân. Ví dụ, tại trung tâm xã Bình Trung tồn tại 2 trường tiểu học và THCS liền nhau, cho dù là học sinh lớn như cấp THCS hay học sinh nhỏ như cấp tiểu học thì quãng đường đi vẫn như nhau. Việc sáp nhập 2 trường thành loại hình trường phổ thông 2 cấp học là hợp lý. Ở Cao Lộc, với 1 cặp trường và 7 điểm trường đã sáp nhập, việc dạy và học diễn ra bình thường.
Tăng hiệu quả
Trao đổi với chúng tôi, cô Ngô Thị Bình Yên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chi Lăng cho biết: Với sự khảo sát kỹ càng, công tác tư tưởng cho phụ huynh và học sinh được thực hiện tốt, nên từ đầu năm học đến nay, ngành GD&ĐT huyện đã thực hiện sáp nhập, chia tách thành công 3 cặp trường, trong đó sáp nhập 2 cặp trường Tiểu học tại các xã Mai Sao và Quan Sơn. Nhất là việc tách khối THCS của Trường Tiểu học và THCS xã Bằng Mạc, đưa học sinh THCS về học tại các xã lân cận đã mang lại nhiều lợi ích. Một mặt để học sinh cấp THCS được học ở những trường có điều kiện tốt về CSVC. Chấm dứt tình trạng “trung học buổi sáng, tiểu học buổi chiều”; “trả” lại không gian cho khối tiểu học để học 2 buổi/ngày, tiến tới xây dựng Trường Tiểu học Bằng Mạc đạt chuẩn Quốc gia. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, vì nó không chỉ thu gọn đầu mối, tạo điều kiện về CSVC để nâng cao chất lượng giáo dục, mà nó còn phù hợp với quy hoạch chung của ngành giáo dục và của địa phương.
Đối với các huyện như: Bình Gia, Văn Lãng, Bắc Sơn, Đình Lập, Lộc Bình…, việc sáp nhập các cặp trường, điểm trường cũng đã mang lại hiệu quả tốt do các địa phương đã thực hiện việc ổn định bộ máy, tổ chức cán bộ, đội ngũ giáo viên và tăng cường CSVC để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn.
Quán triệt Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và điều hành của UBND tỉnh, trong quý III/2017, toàn tỉnh đã thực hiện sáp nhập 10 cặp trường và 39 điểm trường. Sau sáp nhập, các trường, điểm trường đã và đang hoạt động có hiệu quả; tạo tiền đề cho việc thực hiện sáp nhập 54 cặp trường theo lộ trình từ nay đến năm 2020.
Ý kiến ()