Giảm chồng chéo thu phí, lệ phí
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, tình trạng "phí chồng phí", giả danh phí, lệ phí đang tràn lan... đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) và người dân phải chịu thêm nhiều khoản thu, hoạt động sản xuất kinh doanh (SX-KD) cũng như đời sống càng thêm khó khăn. Nhanh chóng giảm phí, lệ phí, nhất là ngăn chặn các loại "biến tướng" của phí, lệ phí... là việc làm cấp bách, thiết thực giúp người dân và DN tháo gỡ khó khăn, phục hồi SX - KD và đời sống.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, tình trạng “phí chồng phí”, giả danh phí, lệ phí đang tràn lan… đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) và người dân phải chịu thêm nhiều khoản thu, hoạt động sản xuất kinh doanh (SX-KD) cũng như đời sống càng thêm khó khăn. Nhanh chóng giảm phí, lệ phí, nhất là ngăn chặn các loại “biến tướng” của phí, lệ phí… là việc làm cấp bách, thiết thực giúp người dân và DN tháo gỡ khó khăn, phục hồi SX – KD và đời sống.
Bài 1: Phí chồng phí, phí giả danh
“Hoa mắt” vì phí
Trong dòng người đông đúc trên chuyến phà đầu ngày rời bờ Hưng Mỹ, qua sông Hậu về cù lao Long Hòa, xã Hòa Minh, tỉnh Trà Vinh, người đồng nghiệp thường trú tại địa phương nói với chúng tôi: “Mỗi ngày, có hàng chục chuyến phà như thế này qua sông, bởi để đến với cù lao ấy không có con đường nào khác. Với mức phí qua phà 11 nghìn đồng/xe gắn máy, nhiều người dân nơi đây phải trả số tiền không nhỏ cho nhu cầu đi lại của mình giữa cù lao với đất liền”. Và cũng vì thế mà hàng hóa ở cù lao Long Hòa phải gánh thêm một phần chi phí cho nên có giá đắt hơn so với đất liền. “Ngồi bán ít hàng tại chợ này cũng phải nộp lệ phí cho ban quản lý chợ, rồi nhiều loại phí lắm nên giá hàng hóa ở đây cũng cao hơn một chút so với đất liền” – cụ Nguyễn Thị Út, một tiểu thương tại xã Hòa Minh cho biết.
Không thể nhớ nổi số phí, lệ phí mà doanh nghiệp phải đóng, sau một hồi yêu cầu bộ phận chuyên môn thống kê, cung cấp số liệu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần (CTCP) tập đoàn Hằng An Nguyễn Thịnh Sơn cho biết, đối với một DN đầu tư hạ tầng và xây lắp như DN Hằng An thì có tới gần 40 loại phí, lệ phí phải trả theo quy định của Nhà nước. “Thật ra, đây mới chỉ là những loại phí theo quy định của Nhà nước, còn rất nhiều loại phí khác không thể liệt kê ra hết và cũng không thể có hóa đơn, chứng từ nên nếu đưa vào giá thành thì cũng phải đưa dưới dạng khác. Đành rằng có những loại phí, lệ phí chỉ đóng một lần trong thời gian hoạt động của DN, nhưng như thế cũng là quá nhiều” – Tổng Giám đốc Nguyễn Thịnh Sơn nói thêm.
Giống như DN Hằng An, lãnh đạo CTCP Mỹ Tường chuyên xuất khẩu gạo tại đồng bằng sông Cửu Long cũng không thể nhớ nổi từng tấn gạo xuất khẩu của DN mình gánh bao nhiêu loại phí, lệ phí. “Chúng tôi luôn làm theo quy định của Nhà nước bởi đó là nghĩa vụ của DN. Nếu tính kỹ thì ngoài số phí, lệ phí quy định cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản thì DN còn phải chịu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa, phí đấu thầu, đấu giá, phí cung cấp thông tin về tài chính DN, phí bảo lãnh, thanh toán, phí lưu kho hải quan…, còn lệ phí thì lại không đáng kể vì tần suất sử dụng rất thấp… Đó đều là những phí, lệ phí Nhà nước quy định”, nhân viên kế toán DN này chia sẻ.
So với các DN xây dựng, nông nghiệp, các DN kinh doanh dịch vụ, vận tải còn “khổ” hơn nhiều. Giám đốc CTCP thương mại Biển Việt (Quảng Ninh) Phạm Văn Minh cho biết, với hai con tàu đưa vào kinh doanh dịch vụ, ngoài mức thuế phải nộp thì DN còn phải đóng đủ các thứ phí, lệ phí với mức tiền gấp gần ba lần so với mức thuế phải đóng. “Nhiều loại phí, loại lệ phí lắm chị ạ, chả kể hết được đâu. Đó là chưa kể DN chúng tôi còn phải đóng phí “ngầm”, lệ “ngầm”, không thể nói ra được”.
Nhiều DN vận tải cho biết, số phí phải nộp của DN vận tải rất lớn. Đơn cử như phí qua cầu, phà, đường…, nếu tính trên mỗi đơn vị hàng hóa và vận tải, số chi phí này không hề nhỏ. “Chúng tôi kinh doanh dịch vụ ta-xi, nhưng ngoài những phí, lệ phí quy định thì trên từng chặng đường đi của khách, chúng tôi buộc phải thông báo rõ khách sẽ chịu các loại phí cầu, đường, vì nếu không đơn giá vận tải sẽ đội lên rất cao, người tiêu dùng khó chấp nhận đã đành nhưng phần doanh thu tính thêm cả phí, lệ phí ấy sẽ là căn cứ để tính các loại thuế nữa thì rất nặng nề, nhất là trong tình trạng khó khăn hiện nay” – Tổng Giám đốc CTCP Bắc Trung Nam (Thanh Hóa) Đỗ Thị Hồng cho biết.
Đối với các DN vận tải hàng hóa, phần phí, lệ phí đương nhiên phải tính vào giá thành vận chuyển. Từ đó, theo phản ứng dây chuyền, DN sử dụng dịch vụ vận tải tính vào chi phí sản xuất cho nên khó có thể hạ giá thành sản phẩm để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các DN mất khả năng cạnh tranh.
Quản lý không chặt, “phí giả” lộng hành
Không chỉ phải nộp quá nhiều loại phí, lệ phí, DN và người dân còn phải chịu tình cảnh “phí chồng phí” và các chiêu giả danh, biến tướng của phí, lệ phí. 14 giờ ngày 17-10-2013, tức là sau hai ngày quyết định hủy bỏ việc thu phí giao thông đường bộ tại trạm Bãi Cháy (Quảng Ninh) và trạm Hoàng Mai của Chính phủ có hiệu lực, lái xe của Kho bạc Nhà nước trung ương vẫn phải chấp nhận mua vé tại trạm thu phí Bãi Cháy. Không riêng xe ô-tô này mà tất cả các loại xe cơ giới khi qua trạm vào thời điểm đó đều phải mua vé mới được nhân viên soát vé cho phép đi qua. Theo Tổng Giám đốc CTCP An Sinh Hoàng Quyết Tiến, năm 2010, thông qua đấu thầu công khai, CTCP An Sinh trúng thầu, trở thành nhà đầu tư nhận chuyển giao quyền thu phí đường bộ tại trạm Bãi Cháy trên quốc lộ 18 và trạm Hoàng Mai trên quốc lộ 1 với thời hạn năm năm kể từ ngày 1-1-2010. Theo điều kiện của hồ sơ mời thầu và điều khoản của hợp đồng quy định về thay đổi thời hạn thu phí do lãi suất ngân hàng biến động thì thời hạn thu phí của DN tại trạm Hoàng Mai và trạm Bãi Cháy sẽ được kéo dài ít nhất là đến cuối năm 2015. Tuy nhiên, năm 2012, Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ được ban hành với nội dung cơ bản là từ 0 giờ ngày 1-1-2013 phải dừng thu, xóa các trạm thuộc ngân sách nhà nước (NSNN) và các trạm đã bán quyền thu phí cho nhà đầu tư.
Thế nhưng, đến giữa tháng 2-2013, các cơ quan chức năng mới bắt đầu thương thảo với các nhà đầu tư thu phí các trạm nhượng quyền và quá trình này kéo dài cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa kết thúc do còn chưa thống nhất về phương pháp tính toán giá trị mua lại. “Trong suốt thời gian đó các chủ phương tiện đi qua các trạm vẫn phải trả tiền mua phí. Điều này đã tạo nên sự xung đột hết sức gay gắt, căng thẳng và ngày càng nghiêm trọng giữa các chủ phương tiện và nhà đầu tư. Chủ phương tiện đã phải trả “phí chồng lên phí”, quyền lợi của nhà đầu tư cũng bị thiệt hại nặng nề do nhiều chủ phương tiện không chịu mua vé, gây căng thẳng” – Tổng Giám đốc Hoàng Quyết Tiến cho biết. Đến nay, việc thu phí giao thông đường bộ tại trạm Bãi Cháy đã có quyết định hủy bỏ và Tổng Giám đốc Hoàng Quyết Tiến khẳng định: “DN chúng tôi đã ngừng thu phí, không hiểu ai thu và số tiền thu được này được quản lý như thế nào? Nếu đúng như vậy thì số tiền thu phí cầu Bãi Cháy thời gian qua chính là một loại “phí giả” bởi số phí này Nhà nước không cho phép thu và cũng không được thu bởi Nhà nước”.
Tại nhiều địa phương, ngoài các loại phí và lệ phí theo quy định, vẫn còn tình trạng nhiều loại phí, lệ phí thu tiền, “nấp” dưới danh nghĩa quy định của Nhà nước hoặc “lập lờ”, “đánh đố”. Anh Trương Minh Trung ở thị trấn Năm Căn, tỉnh Cà Mau cho biết, nhiều người dân nơi đây không đồng tình về việc UBND thị trấn Năm Căn chỉ đạo ba nhà trường là Trường tiểu học 1 thị trấn Năm Căn, Trường mầm non thị trấn Năm Căn và Trường mầm non Sao Mai nằm trên tuyến quốc lộ 1A thu tiền giữ xe năm học 2013 – 2014 với mức thu 200 nghìn đồng/học sinh. “Điều bức xúc là quy định này không căn cứ vào việc các em đi phương tiện gì mà thu đồng loạt với mỗi học sinh và trong khoản thu đầu năm học thông báo trên bảng tin của trường không có khoản này, cũng không có văn bản của UBND thị trấn kèm theo. Có những phụ huynh đưa con đi học bằng xuồng nhưng vẫn phải đóng tiền giữ xe… là vô lý” – anh Trương Minh Trung nói thêm.
Không chỉ vậy, có những loại phí “trái tai” như phí chống tắc nghẽn cảng với mức thu từ 50 đến 100 USD/công-ten-nơ, gây nên sự phản ứng từ các DN xuất, nhập khẩu. Đang điêu đứng và khó hiểu vì loại phí này thì nhiều DN vận tải lại “choáng” với “phụ phí mất cân đối vỏ công-ten-nơ” với giá 30 USD/vỏ… Đây chính là các quy định của các hãng tàu, ban quản lý vận tải, cảng… nhưng cứ gọi tất cả là phí, thành ra người nộp cứ hiểu đây là quy định của Nhà nước nhưng thực chất là chiêu phụ thu của họ” – một DN cho biết.
Không gọi là phí nhưng nhiều địa phương kêu gọi đóng góp tự nguyện mà người dân, không đóng không được. Anh Nguyễn Văn Bình ở TP Thanh Hóa cho biết, gia đình anh làm thủ tục nhà đất tại phường, anh phải đóng hai triệu đồng cho phường, gọi là “phí xây dựng phường”. “Có cả biên nhận, và lúc làm sổ đỏ, lúc sang tên, đổi chủ đều phải đóng. Biết rõ rằng chẳng phải là quy định của Nhà nước nhưng không đóng thì cũng không xong nên đành nhắm mắt đóng. Ở quê tôi, dưới huyện còn có cả phí xe tang, phí sử dụng nghĩa trang… nữa, các khoản thu đều mang danh phí, lệ phí”.
Theo Luật Ngân sách Nhà nước, phí, lệ phí là khoản thu có tính chất bắt buộc. Phí gắn liền với vấn đề thu hồi một phần hay toàn bộ chi phí đầu tư đối với hàng hóa dịch vụ công cộng hữu hình, còn lệ phí gắn liền với việc thụ hưởng những lợi ích do việc cung cấp các dịch vụ hành chính, pháp lý. Mặc dù Nhà nước đã quy định rõ các khoản phí, lệ phí nào phải nộp nhưng hiện vẫn có tình trạng nhiều địa phương đề ra các khoản thu, huy động đóng góp trái quy định, “nhầm” những khoản thu mang tính chất đóng góp tự nguyện thành những khoản phí bắt buộc với nhiều tên gọi khác nhau. |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()