Đưa điện ra đồng, giảm chi phí nhiên liệu
Dưới cái nắng gay gắt của mùa khô vùng miền Đông Nam Bộ, anh Trần Hữu Ngọc, ấp Hòa Đồng, xã Ngọc Định, huyện Định Quán (Đồng Nai) vừa tưới nước cho ruộng ngô của mình, vừa cho chúng tôi biết: 'Trước đây, vụ này nông dân thường bỏ đất trống vì mua dầu để bơm nước chi phí cao, nhưng từ khi có điện, bà con nông dân đã tận dụng hết đất để sản xuất ngô. Bởi có điện giá rẻ hơn nhiều nên chúng tôi dễ dàng chủ động đưa nước lên tưới, qua đó năng suất cũng tăng lên'. Anh Ngọc cũng cho biết, trước đây cứ đến vụ đông xuân, anh phải bỏ ra hơn ba triệu đồng để mua dầu bơm nước từ giếng khoan lên tưới cho một ha ngô của mình. Nhưng từ khi có đề án 'đưa điện ra các cánh đồng' được UBND huyện Định Quán triển khai, anh Ngọc đã dùng điện vận hành máy bơm nước thay cho dầu đi-ê-den. Từ đó giúp anh tiết kiệm mỗi tháng gần năm trăm nghìn đồng chi phí nhiên liệu, dù tần suất tưới đã được tăng lên gấp đôi.
Do khan hiếm nguồn nước nên trong tổng diện tích 39 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Định Quán chỉ có 1.500 ha có nước từ các công trình thủy lợi. Nguồn nước tưới cho những diện tích còn lại phụ thuộc vào nước trời và các giếng khoan. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tăng thêm thu nhập trong bối cảnh giá nhiên liệu ngày càng tăng, dẫn đến chi phí đầu vào trong sản xuất theo đó cũng tăng lên, huyện Định Quán đã kéo điện ra đồng ruộng giúp nông dân bơm nước tưới thay cho dùng xăng, dầu. Đây cũng là địa phương đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai đầu tư xây dựng điện lưới theo hình thức này. Đến nay, huyện Định Quán đã xây dựng được 14,2 km đường dây để cung cấp điện trực tiếp cho một số cánh đồng ở các xã Suối Nho, Ngọc Định, La Ngà với tổng kinh phí hơn 4,8 tỷ đồng. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, việc bơm nước tưới bằng điện đã giúp nông dân tiết kiệm được 60 đến 70% chi phí nhiên liệu so với trước đây.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Định Quán Phạm Xuân Đồng cho biết, trước thực trạng nông dân khó khăn về nguồn nước tưới, huyện đã có chủ trương kéo điện ra đồng để giúp bà con sản xuất, đặc biệt là những nơi chưa có công trình thủy lợi. Qua triển khai khoảng hai năm, dự án này đã mang lại hiệu quả cao cho nông dân và tận dụng hết đất nông nghiệp thường bỏ hoang vào mùa khô trước để sản xuất. Có điện trực tiếp phục vụ sản xuất, gần một nghìn ha đất nông nghiệp ở Định Quán trước đây chỉ canh tác một năm được một đến hai vụ thì nay đã có thể canh tác luân canh ba vụ, giúp nông dân có thêm một nguồn thu đáng kể. Để bảo đảm tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương, huyện cũng có kế hoạch phát triển thêm mạng lưới điện để đưa ra đồng phục vụ sản xuất. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phạm Xuân Đồng, cho biết, hiện tại thì huyện chi trả 100% chi phí cho việc đưa điện ra các cánh đồng, tuy nhiên, sau này, để việc làm này hiệu quả, huyện sẽ triển khai công việc này theo cách Nhà nước và nhân dân cùng làm, như vậy mới có thể đưa điện lưới phục vụ đủ cho 39 nghìn ha để đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn trên địa bàn. Theo đó, năm nay, UBND huyện Định Quán sẽ đầu tư hơn năm tỷ đồng để tiếp tục đưa điện ra các cánh đồng ở các xã Phú Vinh, Phú Túc, Suối Nho, sau đó mở rộng ra trên địa bàn huyện.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm chi phí đầu vào
Muốn giảm bớt được khó khăn trong tình hình giá nguyên liệu đầu vào tăng như hiện nay, nông dân chỉ còn giải pháp là áp dụng kỹ thuật để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, nâng cao năng suất để tăng lợi nhuận. Theo các kỹ sư nông nghiệp, trong hoàn cảnh giá phân bón hóa học tăng 30 đến 40% so với trước đây, nông dân phải sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm (TTK) kết hợp với bón phân qua đường ống vừa giảm công lao động, tiền điện, đồng thời tiết kiệm một nửa lượng nước tưới. Bởi hiện nay, nông dân chủ yếu tưới tràn và bón phân theo phương thức truyền thống là đào đất chôn phân hoặc bón phân trực tiếp xuống đất nên lượng phân tiêu hao rất lớn. Ngoài ra, nên dùng các giống mới, năng suất cao, có khả năng kháng sâu bệnh, phù hợp với khí hậu biến đổi để gieo trồng nhằm tăng năng suất trên một diện tích.
Nhờ cách làm này, ông Lê Đình Thường, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc đã đưa năng suất trồng cây tiêu của mình từ 2,5 đến ba tấn lên đến năm đến sáu tấn một ha. Ông Thường cho biết: 'Trước khi lắp đặt hệ thống TTK, năng suất cây tiêu của tôi mỗi năm chỉ đạt 2,5 đến ba tấn/ha. Sau khi lắp đặt hệ thống TTK, kết hợp bón phân qua đường ống và áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc, năng suất cây tiêu tăng gấp đôi. Đặc biệt là tiết kiệm được 50 công tưới, hơn một nửa lượng nước tưới so với tưới tràn, giảm được sáu triệu đồng/ha. Trong vụ thu hoạch tiêu này, theo ước tính, trừ chi phí gia đình thu lãi từ 300 đến 400 triệu đồng/ha'.
Thời gian qua, người chăn nuôi ở Đồng Nai gặp không ít khó khăn, vì thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn, gà liên tiếp giảm, dịch bệnh xảy ra trong thời gian dài. Tuy nhiên, nhiều trang trại ở Đồng Nai vẫn có lợi nhuận cao nhờ áp dụng đúng quy trình chăn nuôi và tự chế biến thức ăn cho gia súc. Ông Võ Hữu Thời, chủ trang trại lợn ở xã Lộc An, huyện Phong Thành cho biết: 'Việc tự mua nguyên liệu để phối trộn thức ăn chăn nuôi cho heo sẽ giúp nông dân giảm được gần 2.000 đồng 1 kg cám. Cách này cũng đơn giản, tôi đi mua ngô, sắn lát khô, cám gạo… về tự say và trộn với cám mua về cho lợn ăn. Chính vì vậy lợn vẫn lớn bình thường như cho ăn cám công nghiệp'.
Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào nông nghiệp tăng cao như hiện nay, để giải quyết bài toán này, hai yếu tố chính đem lại lợi nhuận cao cho nông dân là áp dụng triệt để về giống và kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Hai yếu tố này cần được các ngành chức năng liên quan và các cấp chính quyền địa phương vận động nông dân áp dụng rộng rãi, qua đó nếu áp dụng thuần thục hai yếu tố này lợi nhuận trên cây trồng và trong chăn nuôi sẽ có lãi cao cho dù giá nguyên liệu đầu vào có tăng như hiện nay. Ngoài các giải pháp trên, để nông nghiệp phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần từng bước thực hiện quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực phù hợp với từng địa phương để tạo ra vùng sản xuất chuyên canh, đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản cũng như chất lượng vật nuôi nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập trên cùng một diện tích cây trồng.
Ý kiến ()