Giảm chi ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng từ sắp xếp đơn vị cấp huyện, xã
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị (giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Sắp xếp 1077 đơn vị hành chính cấp huyện, xã
Nghị quyết nêu rõ việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 đã bước đầu hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Quá trình triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính thể hiện tinh thần quyết tâm, trách nhiệm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan và đặc biệt là vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu nên công tác triển khai cơ bản thuận lợi, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
Trong giai đoạn 2019-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, qua đó cả nước đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị (giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện), tinh giản biên chế (tính đến hết năm 2021, ở cấp xã giảm 3.595 người, ở cấp huyện giảm 141 người), giảm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019-2021 đạt khoảng 2.008,63 tỷ đồng, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng mục đích, yêu cầu của Đảng đã đề ra…
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 còn có một số khó khăn, vướng mắc. Công tác bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính còn lúng túng.
Số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều. Vẫn còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả. Việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn chậm và gặp nhiều khó khăn.
Công tác hướng dẫn việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với các đơn vị hành chính mới được thành lập chưa kịp thời, đồng bộ, chưa có sự kết nối đầy đủ với các chính sách, pháp luật khác có liên quan. Chất lượng đô thị, mật độ dân số đô thị ở một số đơn vị hành chính đô thị được hình thành trên cơ sở sáp nhập với đơn vị hành chính nông thôn chưa được bảo đảm…
Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, hoàn thành các công việc được giao theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030, Nghị quyết đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Trong đó, cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục các bất cập trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 đồng thời tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030.
Việc tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai 2022-2030 cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; kế thừa những kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắc đã được chỉ ra và bổ sung, hoàn thiện pháp luật đối với những vấn đề mới đã rõ, đã chín, đã được thực tiễn kiểm nghiệm phù hợp để làm tốt hơn nữa việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022-2030 cần xác định đối tượng, lộ trình thực hiện phù hợp, gắn với yêu cầu tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Việc sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ.
Khi sáp nhập các đơn vị hành chính đô thị cấp huyện có quy mô lớn hoặc nhập huyện vào đơn vị hành chính đô thị cùng cấp phải lập thành đề án riêng theo quy định tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, hệ thống quy hoạch đô thị, nông thôn.
Khuyến khích các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp để mở rộng không gian phát triển, tăng quy mô của đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Rà soát danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung
Về trách nhiệm của các cơ quan và tiến độ triển khai thực hiện, Nghị quyết nhấn mạnh Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, rà soát, báo cáo cụ thể về danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, cơ quan ngang bộ để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cần được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các cơ quan của Quốc hội theo dõi, giám sát.
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp cần thực hiện trong giai đoạn 2022-2030 để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về chế độ, chính sách đối với các đơn vị hành chính và cán bộ, công chức, viên chức ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn.
Trường hợp cần có chính sách đặc thù, áp dụng có thời hạn phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030 thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội thì khẩn trương nghiên cứu, chuẩn bị để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 5/2023.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh để phát huy tiềm năng, lợi thế, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững; khẩn trương hoàn thiện các quy định về tiêu chí phân định, thực hiện phân định miền núi, vùng cao để làm cơ sở cho việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian tới và thực hiện các chính sách, yêu cầu quản lý nhà nước.
Chính phủ cần thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư của các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2019-2021 để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quý 2 năm 2025.
Các bộ, ngành Trung ương khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính mà trong thực tiễn thực hiện đã phát sinh khó khăn, vướng mắc theo phản ánh của các cơ quan, tổ chức, địa phương trong giai đoạn 2019-2021 để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành. Thời hạn hoàn thành trước ngày 31/3/2023.
Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các cơ quan khác ở Trung ương có cơ quan, đơn vị đóng tại địa phương, căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức, nhu cầu sử dụng công sở, khẩn trương rà soát, thực hiện phương án xử lý các trụ sở, nhà đất công thuộc thẩm quyền quản lý tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp mà nay không có nhu cầu sử dụng, hoàn thành trước ngày 1/1/2023.
Hết thời hạn này mà chưa hoàn thành thì làm thủ tục chuyển giao các trụ sở này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có trụ sở quản lý để thực hiện sắp xếp, quản lý, sử dụng theo nhu cầu của địa phương.
Chính quyền địa phương cấp tỉnh chỉ đạo xử lý, giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại từ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn; thực hiện việc lồng ghép yếu tố về sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính lãnh thổ trong quá trình xây dựng, phê duyệt các quy hoạch chung.
Căn cứ vào tiêu chuẩn của đơn vị hành chính theo quy định, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, các chương trình phát triển đô thị và các quy hoạch đã có khác có liên quan, chủ động tiến hành rà soát toàn bộ, tổng thể các đơn vị hành chính trên địa bàn để xây dựng phương án, lộ trình sắp xếp theo quy định…/.
Theo vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/giam-chi-ngan-sach-hon-2000-ty-dong-tu-sap-xep-don-vi-cap-huyen-xa/821290.vnp
Ý kiến ()