Giảm áp lực nợ đọng trong các doanh nghiệp ngành giao thông
Hàng nghìn người lao động thiếu việc làm, bị nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội với số lượng lớn và kéo dài, đời sống khó khăn,... là thực trạng hiện nay tại nhiều doanh nghiệp (DN) xây lắp ngành giao thông vận tải (GTVT). Toàn ngành hiện có hơn 200 công trình bị chậm thanh toán số tiền lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, có những công trình đã hoàn thành 2 đến 3 năm vẫn chờ thanh toán, cộng thêm vào đó là gần 100 công trình bị giãn, hoãn tiến độ vài năm trở lại đây được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình cảnh này.
Hàng nghìn người lao động thiếu việc làm, bị nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội với số lượng lớn và kéo dài, đời sống khó khăn,… là thực trạng hiện nay tại nhiều doanh nghiệp (DN) xây lắp ngành giao thông vận tải (GTVT). Toàn ngành hiện có hơn 200 công trình bị chậm thanh toán số tiền lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, có những công trình đã hoàn thành 2 đến 3 năm vẫn chờ thanh toán, cộng thêm vào đó là gần 100 công trình bị giãn, hoãn tiến độ vài năm trở lại đây được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình cảnh này.
Tình trạng nợ đọng kéo dài
Khi được hỏi về chuyện nợ nần các công trình, kỹ sư Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty cổ phần Cầu 3 (Tổng công ty Xây dựng Thăng Long) buông tiếng thở dài: Nhiều công trình hoàn thành, đi vào khai thác năm, bảy năm nay nhưng thủ tục nghiệm thu thanh toán vẫn đang nằm trên bàn chờ phê duyệt. Nói vui và có phần chua xót là: Cầu thật đã xong nhưng “cầu giấy” vẫn đang phải chờ! Kế toán trưởng công ty cho biết, dư nợ đến hết tháng 6 của công ty vượt quá 42 tỷ đồng, số nợ bình quân hằng năm chừng 70 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Công ty cổ phần Cầu 3 vẫn chưa được liệt vào danh sách những đơn vị thành viên gặp khó khăn nhất của Tổng công ty Xây dựng Thăng Long. Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Nguyễn Công Tài, trong toàn Tổng công ty, hiện số nợ hơn 550 tỷ đồng, nhiều đơn vị thành viên bị nợ tới hơn 100 tỷ đồng, tồn đọng từ nhiều năm. Có công trình mới nợ gần đây, nhưng cá biệt vài công trình cả chục năm nay vẫn chưa thanh toán xong. Ðơn cử, tại công trình Nhà ga hàng không T1 Nội Bài, hoàn thành từ năm 1996, đến nay vẫn chưa quyết toán xong, hiện còn nợ đến vài tỷ đồng; công trình cầu Vĩnh Tuy bàn giao đã hơn bốn năm song khoản nợ khoảng 50 tỷ đồng chưa quyết toán. Tuyến đường Nội Bài – Bắc Ninh thi công xong nhưng chủ đầu tư chưa ký nhận bàn giao, DN phải thuê người bảo vệ công trình điện, đèn chiếu sáng nhưng canh giữ không thể hết được, hàng loạt bóng điện cao áp, cả trạm biến thế cũng bị kẻ gian tháo trộm, buộc phải bỏ tiền ra làm lại.
Theo đồng chí Nguyễn Công Tài, công trình áp dụng chỉ định thầu, nhiều hạng mục chưa có đơn giá, quá trình thi công phát sinh một số chi phí cần được các cơ quan chức năng thẩm định là nguyên nhân chính gây ra chậm quyết toán. Nhà thầu có trách nhiệm thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hoàn tất công tác nghiệm thu, bàn giao, còn lại phụ thuộc chủ đầu tư, các cơ quan quản lý. Ðành rằng công trình sử dụng vốn ngân sách, thủ tục phê duyệt qua nhiều khâu, việc chậm quyết toán dẫn đến nợ cũng là điều dễ hiểu, song phê duyệt quá chậm và nhiêu khê, phức tạp đã đẩy các DN vào tình cảnh rất khó khăn. Không có tiền trả ngân hàng, phát sinh lãi, DN càng chìm sâu trong nợ nần. Có thời điểm DN vay vốn ngân hàng, lãi suất lên tới 24%/năm, món nợ 50 tỷ đồng trừ gốc và lãi, mười phần chỉ còn lại hai, ba, hiệu quả sản xuất kinh doanh vì thế rất thấp. Ðể cầm cự, các DN buộc phải cắt giảm chi phí, nợ lương, bảo hiểm và các chế độ đối với người lao động. Chuyện nợ lương 3 đến 4 tháng là phổ biến, thậm chí có nơi nợ 6 đến 10 tháng, khiến đời sống thợ cầu đường vốn đã vất vả càng thêm eo hẹp. DN mắc nợ, đành giở “bài cùn” chiếm dụng vốn, nợ tiền nguyên vật liệu của đối tác cung cấp và lương, thưởng người lao động. Cái vòng luẩn quẩn nợ đồng lần tồn tại mãi không dứt!
Theo công bố của Công đoàn ngành GTVT, tính đến tháng 6 vừa qua, toàn ngành có hơn 200 công trình chậm thanh toán, với số vốn lên tới hơn 2.000 tỷ đồng và gần 100 công trình bị đình hoãn, giãn tiến độ. Ðại diện Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) cho biết, vốn của DN đọng ở khối lượng các công trình đình hoãn và các công trình chậm quyết toán rất lớn. DN vốn nhà nước phải gánh vác trách nhiệm an sinh xã hội, bảo đảm Luật Lao động, không thể không có việc làm là mạnh tay cắt giảm lao động. Chỉ tính riêng 98 DN ngành giao thông, đã có gần 3.200 người lao động thiếu việc làm (trong đó, thiếu việc thường xuyên chiếm hơn 50%). Tổng số nợ lương người lao động hơn 160 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,… 255 tỷ đồng, nhiều đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ 12 đến 52 tháng. Thu nhập bình quân hằng tháng người lao động khối xây dựng cơ bản đạt 4,5 triệu đồng/người, thấp nhất chỉ đạt 2,2 triệu đồng/người. Tuy những con số thống kê trên được coi là “khủng” nhưng có lẽ vẫn chưa nói hết được những khó khăn mà các DN ngành giao thông đang phải gánh chịu, thực tế chuyện nợ nần, thiếu việc còn nặng nề hơn thế.
Vì sao nợ đọng kéo dài?
Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng được xác định do các công trình thi công xong chưa được thanh toán, nhiều công trình bị đình hoãn, giãn tiến độ, nhiều DN bị nợ đọng lớn và không đủ năng lực tài chính để thi công. Hiện tại, hầu hết các DN trong ngành đều hoạt động bằng vốn vay, với dư nợ lớn. Trong khi đó, các ngân hàng cũng khó khăn, phải tập trung thu nợ và siết chặt các điều kiện vay, khiến nhiều DN bị gạt ra rìa. Năm 2011, ngay cả các đơn vị xây lắp ngành giao thông có thương hiệu, uy tín và quan hệ với ngân hàng lâu năm, nhiều thời điểm cũng đành “bó tay”, không có cách nào tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Vốn cấp nhỏ giọt, thi công cầm chừng, nhân công, thiết bị không sử dụng hết công suất khiến tình hình tài chính của các đơn vị này trở nên hết sức bi đát. Tuy thời gian gần đây, lãi suất cho vay của ngân hàng đã giảm nhưng để vay được lại không hề đơn giản. Nhiều công trình nợ đọng lớn chưa được thanh toán, vấp phải nhiều thủ tục vướng mắc, một số định mức, đơn giá vật tư, vật liệu không sát thực tế, chưa được điều chỉnh trượt giá kịp thời khiến nhà thầu càng làm càng lỗ. Tình trạng phổ biến ở gần như tất cả các công trình giao thông là việc giải phóng mặt bằng chậm và phức tạp, nhà thầu huy động máy móc, nhân lực ra công trường buộc phải “đắp chiếu” hàng tháng, bị thiệt hại và lãng phí lớn nhưng không được ai đền bù.
Ðại diện lãnh đạo một Cienco cho rằng, về vĩ mô, do chính sách phát triển thiếu tính kế hoạch khiến DN lâm vào thế bị động, vài năm trước “tăng ga” phát triển “nóng”, DN bung ra, số lượng lao động tăng nhanh. Khi “phanh” – cắt giảm đầu tư công lại thực hiện quá đột ngột, số dự án cắt giảm quá lớn, khiến tài sản của nhiều DN bị “đắm” ở khối lượng dở dang không biết đến khi nào mới ngoi được lên. Trên thực tế, nhiều đơn vị nợ đối tác, nợ lương và các loại bảo hiểm kéo dài coi như đã phá sản, chỉ chưa được phép phá sản mà thôi.
Tháo gỡ khó khăn cho DN
Khó khăn trước mắt và lớn nhất của DN ngành GTVT chính là món nợ khổng lồ hàng nghìn tỷ đồng. Ðể tháo gỡ, dĩ nhiên các cơ quan quản lý cần phải giải quyết chóng vánh nợ tồn đọng. Chỉ có cách đó, mới khơi thông được tất cả những vướng mắc hiện nay, từ nguồn vốn vay ngân hàng để DN trả nợ đối tác, đến năng lực tài chính để đấu thầu công trình, tạo việc làm và trả lương, thưởng, đóng bảo hiểm giữ chân người lao động.
Từ thực tế tại các công trình giao thông có thể thấy, gốc rễ của nợ đọng hôm nay là sự đầu tư dàn trải hôm qua. Việc triển khai ồ ạt nhiều dự án, thiếu tập trung khiến hàng loạt công trình buộc phải hoãn, giãn tiến độ. Nhiều dự án dù đã hoàn thành, nhưng không được cấp vốn nên vướng nợ nhà thầu. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm, khiến nợ đọng càng thêm trầm trọng, công trình bị dở dang, kéo dài, dẫn tới hiệu quả đầu tư thấp. DN bị nợ nần góp phần làm cho nợ xấu ngân hàng tăng, gây ảnh hưởng không tốt đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững. Trong khoảng thời gian dài, tại các công trình giao thông, việc lập báo cáo quyết toán của chủ đầu tư, ban quản lý dự án còn chậm, xảy ra nhiều sai sót, nhiều dự án vượt tổng mức đầu tư. Công tác thẩm tra, phê duyệt báo cáo quyết toán của cấp có thẩm quyền còn chậm, nhất là Tổng cục Ðường bộ Việt Nam và các cục quản lý chuyên ngành. Hệ lụy của nó là nợ đọng kéo dài, nhiều công trình đã đưa vào sử dụng khá lâu đến nay vẫn chưa quyết toán xong.
Mới đây, Bộ GTVT đã có chỉ thị yêu cầu chủ đầu tư, các PMU ngành giao thông có từ ba dự án trở lên lập báo cáo quyết toán chậm hơn sáu tháng sẽ không được giao dự án mới, người đứng đầu PMU hoặc chủ đầu tư sẽ bị xử lý trách nhiệm cá nhân. Tổng cục Ðường bộ Việt Nam và người đứng đầu các đơn vị quản lý chuyên ngành, nếu không hoàn thành kế hoạch thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án đã hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng bị xử lý trách nhiệm cá nhân. Các chủ đầu tư, PMU cần bám sát tiến độ thực hiện và giải ngân công trình, báo cáo chính xác kết quả giải ngân từng thời điểm để kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn; hoàn chỉnh ngay thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn thành các thủ tục để có cơ sở tạm ứng, tạm thanh toán cho nhà thầu.
Theo Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường, ngay từ bây giờ, Bộ GTVT sẽ thực hiện nhiều biện pháp “mạnh tay” hơn, tìm mọi cách giải quyết nợ đọng cho các đơn vị. Quy trình của dự án ODA hiện nay kéo dài 45 ngày, cần tới 10 chữ ký mới được giải ngân, sắp tới sẽ nghiên cứu, giảm bớt còn 20 ngày và sẽ thanh tra một số công trình xem có phải đang có hiện tượng cố tình kéo dài thời gian giải ngân hay không. Với các dự án đã hoàn thành, Bộ yêu cầu DN làm gọn thủ tục hoàn công để thanh toán hết; dự án bị đình hoãn, nếu đạt khoảng 50% khối lượng sẽ xem xét, bố trí vốn đầu tư tiếp để hoàn thành, tạo điều kiện cho DN sớm thu hồi vốn, người lao động có việc làm. Dự án nào chưa khởi công hoặc khối lượng thấp, đề xuất Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành liên quan không tính phí và trả lại DN tiền bảo lãnh công trình. Công trình nào chưa rõ nguồn vốn, không có tiền thì đề nghị DN không làm. Ðối với nhà thầu, cần huy động hết khả năng thi công nhanh chóng, sử dụng vốn đúng mục đích, phối hợp tốt với chủ đầu tư hoàn chỉnh nhanh hồ sơ nghiệm thu thanh toán và tạm ứng vốn cho công trình, thực hiện tốt việc giải ngân và xóa bỏ tư tưởng trông chờ cơ chế ưu đãi.
Biện pháp “vĩ mô” đã có, tuy nhiên, về mặt “vi mô”, chuyện nợ nần mỗi DN đều có đặc thù riêng, có lẽ Bộ GTVT cần thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo Bộ trực tiếp kiểm tra, làm việc với các đơn vị, nhằm nắm bắt cụ thể tình hình để có phương án xử lý, kịp thời đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm có cơ chế, chính sách đưa DN sớm thoát khỏi cảnh nợ nần triền miên như hiện nay.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()