Giảm áp lực cho giáo viên khi dạy trực tuyến
Trong gần 2 năm qua, dịch Covid-19 đã gây ra nhiều xáo trộn trong cuộc sống, trong đó, giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề. Học sinh không được đến trường, các trường học phải chuyển sang dạy học trực tuyến, kế hoạch học tập bị đảo lộn… khiến giáo viên, học sinh gặp phải những khó khăn, thách thức và những áp lực khi dạy trực tuyến trong thời gian dài.
Thực tế, ngoài áp lực về thời gian lên lớp trực tuyến, giáo viên vừa phải thiết kế bài giảng khác với bình thường sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, vừa phải quay video, hướng dẫn học sinh làm bài, kết nối với phụ huynh, thậm chí là hướng dẫn cả thao tác sử dụng máy tính…
Ðể có những tiết học hiệu quả, tăng tính tương tác, tạo hứng thú cho học sinh, giáo viên phải tìm hiểu nhiều về công nghệ thông tin và tìm các ứng dụng phù hợp vào việc dạy học của mình. Những áp lực về tâm lý còn đến từ việc chấm bài trực tuyến qua hình ảnh. Mặc dù đã quy định về thời gian nộp bài nhưng thường xuyên xảy ra tình trạng học sinh nộp bài muộn, không nộp đủ bài, hình ảnh mờ khiến quá trình chấm bài mất rất nhiều thời gian. Chưa kể, giáo viên phải dành nhiều thời gian cho những công việc không tên như liên lạc với phụ huynh nếu học sinh không vào lớp, giải đáp thắc mắc của phụ huynh… Việc phải ngồi trước máy tính nhiều giờ cũng gây ảnh hưởng tới thị lực và sức khỏe, đôi lúc kéo theo tâm trạng căng thẳng. Một khi tinh thần không thoải mái chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng giờ dạy.
Ðến ngày 11/1, cả nước vẫn còn chín địa phương dạy học trực tiếp, 35 địa phương kết hợp dạy trực tiếp, trực tuyến, qua truyền hình và 19 địa phương phải dạy trực tuyến, qua truyền hình.
Ðể giảm áp lực cho giáo viên trong dạy học trực tuyến, cần có sự phối hợp từ nhiều phía, đặc biệt giữa các bậc phụ huynh với giáo viên trong thời gian đặc biệt này. Ðây được xem là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả của việc học trực tuyến. Ðối với giáo viên, phải quản lý thời gian hiệu quả để tránh quá tải trong công việc, đồng thời tranh thủ, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, cân bằng cuộc sống; kiềm chế, kiểm soát được cảm xúc, sự bình tĩnh trong quá trình tương tác với học sinh.
Mặt khác, các cơ sở giáo dục cần tổ chức hỗ trợ giáo viên, chia sẻ kinh nghiệm dạy học trực tuyến cũng như chia sẻ cách thức tổ chức dạy học; thực hiện theo hướng tinh gọn, giảm nhẹ các yêu cầu về hồ sơ sổ sách, giảm thời lượng tiết học cũng như cắt giảm nội dung không cần thiết. Việc này sẽ giảm được áp lực cho cả giáo viên và học sinh, giúp giáo viên có nhiều thời gian tập trung vào việc đổi mới chất lượng bài giảng.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần có giải pháp tổng thể, trong đó tăng cường tổ chức các đợt tập huấn, hội thảo về dạy học trực tuyến; tổ chức các lớp học bồi dưỡng giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học để sử dụng tốt các công cụ trong phần mềm dạy học; cung cấp kỹ năng, phương pháp để biên soạn bài giảng trực tuyến và kinh nghiệm dạy học trực tuyến với một số môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Ðáng chú ý, các nhà mạng cần tích cực hỗ trợ các nền tảng, đường truyền giúp việc dạy học trực tuyến được thông suốt, thuận lợi. Có như vậy, việc dạy và học trực tuyến mới trở nên hiệu quả và đạt chất lượng.
Ý kiến ()