Giải trình về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra vụ án hình sự
Ngày 11-9, tại Hà Nội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về "Việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự".
Tham gia phiên giải trình có đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện KSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện chủ trì phiên giải trình.
Báo cáo của Ðại tướng Trần Ðại Quang, Bộ trưởng Công an cho biết, vẫn tồn tại một số hạn chế trong quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, lập hồ sơ vụ án hình sự còn thiếu sót, chưa bảo đảm tính khách quan, toàn diện dẫn đến một số trường hợp bị xử oan, sai. Hiện tượng bức cung, dùng nhục hình vẫn còn xảy ra ở cơ quan điều tra chuyên trách của công an một số địa phương, đơn vị, gây bức xúc trong dư luận. Bộ Công an đề xuất sớm sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động điều tra, bảo đảm việc thu thập, đánh giá, kiểm tra, sử dụng chứng cứ được khách quan, toàn diện. Tăng cường giám sát hoạt động điều tra tội phạm của lực lượng công an.
Tại phiên giải trình, Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bảo đảm hơn nữa quyền bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo. Người bào chữa phải được tham gia ngay từ khi có sự đề nghị hoặc đồng ý của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và chỉ cần đăng ký với cơ quan tố tụng; bỏ quy định về Giấy chứng nhận bào chữa vì về bản chất quyền được nhờ người bào chữa là quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và chỉ có thể bị hạn chế bởi luật chứ không phải bởi việc cấp giấy vốn mang nặng tính hình thức…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()