Giải trình về thực hiện chính sách hỗ trợ các dân tộc rất ít người
Ngày 18-12, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (QH) tổ chức phiên giải trình về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các dân tộc rất ít người - thực trạng và giải pháp cho giai đoạn 2012-2020. Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch QH và đồng chí Ksor Phước, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH đồng chủ trì phiên giải trình. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư.Theo Báo cáo của Chính phủ tại phiên giải trình, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách, chương trình, dự án đã được triển khai nhằm hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có đồng bào dân tộc rất ít người. Tuy vậy, đồng bào dân tộc rất ít người vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cơ sở hạ tầng thấp kém, tỷ lệ đói...
Theo Báo cáo của Chính phủ tại phiên giải trình, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách, chương trình, dự án đã được triển khai nhằm hỗ trợ, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có đồng bào dân tộc rất ít người. Tuy vậy, đồng bào dân tộc rất ít người vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cơ sở hạ tầng thấp kém, tỷ lệ đói nghèo cao, trình độ dân trí thấp, tập quán sinh hoạt lạc hậu, năng lực sản xuất thấp, tình trạng di cư tự do, du canh, du cư còn diễn biến phức tạp. Đất sản xuất nông nghiệp của đồng bào còn thiếu, thu nhập bình quân đầu người trên năm thấp, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao.
Báo cáo về thực trạng đời sống và việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội đối với các dân tộc rất ít người của Hội đồng Dân tộc của QH nhận định, hệ thống các chính sách hiện tại vừa chưa đủ mạnh vừa thiếu đồng bộ, một số chính sách chưa tập trung giải quyết các mục tiêu căn bản nhất, phù hợp đối với từng nhóm dân tộc rất ít người; thiếu tập trung lồng ghép các nguồn lực. Chính sách đầu tư mang tính bình quân, mức đầu tư thấp và không phù hợp thực tế. Trong phát triển kinh tế, chưa giải quyết tốt mối quan hệ với phát triển và bảo tồn văn hóa. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc rất ít người có nâng lên, nhưng các sinh hoạt văn hóa, bản sắc văn hóa đang mai một rất nhanh.
Ủy ban Dân tộc của QH kiến nghị, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ một số chính sách đặc thù mang tính đột phá để tạo điều kiện và cơ hội để các dân tộc rất ít người phát triển ngang bằng với các dân tộc khác trong vùng. Có chính sách đồng bộ, đủ mạnh về phát triển kinh tế – xã hội cụ thể cho từng dân tộc hoặc nhóm dân tộc rất ít người như đầu tư về cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội thiết yếu; đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển giáo dục; hỗ trợ các hoạt động y tế, văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với từng dân tộc.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên giải trình, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng khẳng định, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án được triển khai nhằm hỗ trợ, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi, thể hiện rõ bản chất ưu việt của chế độ ta. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống của đồng bào dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc rất ít người nói riêng.
Phó Chủ tịch QH đề nghị, thời gian tới, các bộ, ban, ngành và địa phương cần phối hợp để giải quyết những vấn đề rất cơ bản đối với đồng bào dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc rất ít người nói riêng. Trong đó, tập trung vào vấn đề về nhà ở, đất ở, đất sản xuất; chính sách y tế, giáo dục, đào tạo, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()