Giải tỏa nỗi bức xúc của người dân về Nghị định 71-CP
Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện vi phạm giao thông. Ảnh: TRẦN THANH Mấy ngày qua, người dân cả nước bàn luận xôn xao và tỏ ra rất lo lắng về việc lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ xử phạt các lỗi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông, nhất là lỗi xe máy, ô-tô chưa chuyển quyền sở hữu (sang tên đổi chủ) theo quy định tại Nghị định số 71-CP ngày 19-9-2012 của Chính phủ.Trao đổi ý kiến với chúng tôi về những thắc mắc này của người dân, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội khẳng định: Đối với những phương tiện dù đã mua bán qua rất nhiều chủ nhưng nếu chủ sở hữu hiện tại chưa làm thủ tục đăng ký, sang tên đổi chủ thì khi đến các cơ sở đăng ký làm thủ tục theo quy định phải chịu mức xử phạt như Nghị định số 71 ngày 19-9-2012 của Chính phủ đã ban hành, tức là bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng (điểm e, khoản 3,...
Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện vi phạm giao thông. Ảnh: TRẦN THANH |
Trao đổi ý kiến với chúng tôi về những thắc mắc này của người dân, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội khẳng định: Đối với những phương tiện dù đã mua bán qua rất nhiều chủ nhưng nếu chủ sở hữu hiện tại chưa làm thủ tục đăng ký, sang tên đổi chủ thì khi đến các cơ sở đăng ký làm thủ tục theo quy định phải chịu mức xử phạt như Nghị định số 71 ngày 19-9-2012 của Chính phủ đã ban hành, tức là bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng (điểm e, khoản 3, Điều 33). Trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cảnh sát Giao thông đường bộ – đường sắt cho biết thêm: Không có chuyện xử phạt xe không chính chủ, mà phạt xe chưa chuyển quyền sở hữu theo quy định. Thí dụ, nếu người điều khiển phương tiện giao thông không chính chủ bị CSGT kiểm tra, mà họ chứng minh được mình mượn xe của bạn hoặc người quen, gia đình… dù ở xa thì không phải đối tượng xử phạt.
Thực tế là vậy, nhưng qua nhiều ý kiến của người dân mà chúng tôi có dịp trao đổi ý kiến đều có những thắc mắc. Anh Trương Văn Tính, ở Quảng An, Tây Hồ (Hà Nội) cho biết: Nhà mua chiếc xe máy từ năm 2003, đến nay biết sẽ thực hiện nghiêm việc sang tên đổi chủ xe. Anh nhờ dịch vụ tìm được chủ xe trong giấy đăng ký xe máy. Tưởng mọi việc đơn giản, ai ngờ nhận được câu trả lời: “Tôi không bán cho anh, muốn tôi viết giấy mua bán trực tiếp, chi 10 triệu đồng, không thì thôi”.
Không ít người băn khoăn với những quy định của Nghị định 71, vì trong gia đình chỉ có một chiếc xe máy, mang tên một người và cho rằng, khi đi ra đường là cực kỳ phiền toái. Chị Lê Anh Vân, ở khu tập thể X40, Khương Trung, Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, chị mới mua cho cậu con trai chiếc xe máy hồi đầu năm để đi học đại học. Nhưng vì để quản lý tài sản, đã đăng ký mang tên mình. Mấy hôm nay, con không dám mang xe đi học, vì sợ bị phạt. Chẳng lẽ bây giờ lại phô-tô công chứng cả sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân cho con cầm đi? Cùng thắc mắc trên, anh Nguyễn Văn Lợi, làm nghề lái xe ôm, mua chiếc xe của người quen, nhưng chủ cũ đã vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, không biết bây giờ làm sao đây?
Chị Đào Tố Uyên, ở phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho rằng, cần cân nhắc một cách thấu đáo khi thực hiện. Bởi lẽ để tránh phiền toái như những người dân nói trên, nhiều gia đình đông người sẽ cố gắng mua mỗi người sở hữu một xe máy. Như vậy sẽ làm cho tình trạng ùn tắc giao thông ngày một trầm trọng hơn.
Theo điều tra xã hội học của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, có tới hơn 40% số xe chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ, rồi có những xe qua hàng chục chủ mà không biết chủ đầu tiên là ai, thậm chí người đó đã chết, chuyển chỗ ở, ra nước ngoài… Đây là lỗ hổng quản lý từ lâu chứ không thể đặt hết trách nhiệm lên đầu người dân đang sở hữu những chiếc xe chưa sang tên đổi chủ lúc này.
Đối với xe ô-tô, việc văn bản chồng chéo văn bản còn phức tạp hơn. Hiện nay, hầu hết người mua xe ô-tô đã qua sử dụng đều thực hiện việc công chứng ủy quyền tên mình, rồi khi nào có nhu cầu sang tên mới làm công chứng mua bán để thực hiện sang tên, đổi chủ. Trong văn bản của các phòng công chứng nhà nước đều ghi rõ: Bên B (người được ủy quyền) toàn quyền làm thủ tục theo quy định của pháp luật để chuyển nhượng hoặc tặng, cho thuê, thế chấp chiếc xe ô-tô đứng tên bên A (người mang tên trên đăng ký xe) cho người khác… Vậy là văn bản cho phép người có giấy công chứng ủy quyền có thể sử dụng, thế chấp mà không cần sang tên chính chủ, thì việc xử phạt theo Nghị định 71-CP sẽ được thực hiện như thế nào? Nhiều chủ xe loại này cũng đang rất lo lắng mỗi khi tham gia giao thông.
Trước dư luận xã hội và phản ánh của các cơ quan thông tấn, báo chí, chiều 12-11, tại Bộ Công an, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Quản lý hành chính và trật tự xã hội (Bộ Công an) đã gặp báo chí và làm rõ một số vấn đề liên quan. Theo đó, tất cả những ai có đủ điều kiện điều khiển phương tiện đều được phép lái xe đối với loại phương tiện được ghi trong giấy phép lái xe. Thực tế cho thấy, trong gia đình vợ chồng đi xe của nhau hoặc con cái đi xe của bố mẹ; bạn bè, người thân cho nhau mượn xe rất nhiều; hoặc xe thuê, lái xe hợp đồng… Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện nói trên chỉ được phép lưu hành khi có đầy đủ những điều kiện như: Có giấy phép lái xe phù hợp với loại phương tiện đang điều khiển; có đăng ký phương tiện và nếu là ô-tô thì phải có sổ kiểm định an toàn kỹ thuật. Khi CSGT kiểm tra xử lý, nếu lỗi vi phạm không bắt buộc phải giữ giấy tờ, phương tiện mà người điều khiển lại có đủ ba loại giấy tờ nói trên thì CSGT chỉ xử phạt lỗi lái xe mắc phải. Còn trong trường hợp lái xe không có đủ ba loại giấy tờ trên và mắc phải những lỗi buộc phải tạm giữ phương tiện, đăng ký thì đương nhiên CSGT sẽ thực hiện đúng quy định.
Theo chúng tôi, điều cần nói là, cho đến trước ngày triển khai thực hiện Nghị định 71-CP ngày 19-9-2012 của Chính phủ (10-11), hầu hết người dân đều không biết. Nói đúng hơn, nếu các cơ quan báo chí không thông tin, thì người dân sẽ bàng hoàng hơn với Nghị định này. Với hơn 31 trang, Nghị định 71, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 ngày 2-4-2010, nhiều người có chuyên môn đọc để tham khảo cũng khó mà nắm rõ hết được những điều khoản quy định trong đó. Được biết, trước đó, Bộ Công an có triển khai tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ, nhưng chưa thấy tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến người dân, nhất là quy định về xử phạt nếu phương tiện tham gia giao thông chưa thực hiện sang tên đổi chủ. Đây là tình trạng đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dẫn đến “dồn toa”. Do đó, việc người dân xôn xao và bức xúc, thậm chí hoang mang về một chủ trương đúng đắn là không tránh khỏi. Vì vậy, đề nghị trước khi triển khai bất cứ quy định pháp luật nào liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đông đảo người dân, điều trước tiên các cơ quan chức năng cần tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến đông đảo người dân những nội dung cơ bản của văn bản đó, nhất là những nội dung trực tiếp đụng chạm đến quyền lợi thiết thân của dân. Mặt khác, trong quá trình thực hiện, cần có “độ trễ” để hướng dẫn người tham gia giao thông chấp hành các quy định mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()